Biết mình “buồn quá” và làm sao để “hết buồn”

Mỗi ngày chúng ta trải qua nhiều cảm xúc khác nhau, và mình nghĩ điều này là bình thường với tất cả mọi người.

Có khi vừa mua được gì đó hay ho, mình vui. Có khi tự nhiên bị ai đó mắng, mình buồn. Nếu mắng đúng thì mình bí xị. Mắng sai không có quyền cãi thì ấm ức trong lòng. Hầu như những chuyện này là không thể tránh khỏi. Chúng ta cũng không phải là thánh nhân để xem mọi chuyện là thường tình và không phiền lòng đươc.

Nhưng, chắc chắn sẽ có những tác động bên ngoài giúp chúng ta nhận biết được mình đang như thế nào để có hành động cho phù hợp. Sau đây 4 dấu hiệu:

1. Thay đổi trong biểu hiện bên ngoài

Sad GIF - Find & Share on GIPHY

Tự nhiên giọng mình chùng xuống, hoặc gắt lên, hoặc nói nhanh hơn bình thường. Có thể là khuôn mặt thất thần, nhìn vô hồn. Có thể là nhăn mặt nhíu mày hoặc cắn môi. Bất kì sự thay đổi nào dù nhỏ đến đâu cũng có một ý nghĩa.

Đâu thể nào tự dưng đang xem Hãy đợi đấy, mà chúng ta khóc tu tu được, đúng không? Tất nhiên là phải có vấn đề.

2. Mất tập trung trong công việc thường ngày

Bình thường làm việc liên tục 3, 4 tiếng vẫn không thành vấn đề. Vậy mà hôm nay ngồi được một lúc tâm hồn lại treo lên tận đâu xa tít. Chúng ta không thể ngừng suy nghĩ về vấn đề đang làm mình phiền não. Cho nên việc toàn tâm toàn ý cho việc đang làm gần như là không thể.

3. Quên cả các nhu cầu cơ bản

Chẳng hạn như quên chuyện ăn uống, tắm rửa, ngủ nghỉ. Một số trạng thái cảm xúc như chán nản, lo âu có thể dẫn đến việc biếng ăn hoặc ăn cho qua bữa mà không thấy ngon. Thậm chí là ngủ không sâu hoặc mất ngủ trong nhiều ngày.

Ngược lại, có trường hợp ăn nhiều hơn bình thường, ăn liên tục không kiểm soát. Hoặc ngủ triền miên, không thể thức dậy một cách tỉnh táo và luôn trong trạng thái buồn ngủ.

Cái gì mà không điều độ cũng không tốt.

4. Thích ở một mình và ngại tiếp xúc với mọi người

Vì bị cơn buồn chán hay sợ hãi khống chế, chúng ta thường không muốn chia sẻ với người khác. Chúng ta thích nhốt mình trong không gian quen thuộc để gặm nhấm nỗi buồn.

Sad Talk To Me GIF by SpongeBob SquarePants - Find & Share on GIPHY

Nãy giờ mình liệt kê sơ sơ 4 dấu hiệu thường gặp để biết là mình đang không ổn, cần được cải thiện tâm trạng gấp. Nhưng chỉ ra mà không có hướng giải quyết thì cũng như chuẩn đoán bệnh mà không kê thuốc. Sau đây là một số cách mình đã áp dụng và thành công.

1. Thay đổi môi trường ngay lập tức

Mình không thể thay đổi cảm xúc hiện tại nhưng mình có thể thay đổi nguyên nhân tạo ra nó. Dễ hiểu hơn một chút là nếu như có cái gì đó làm mình buồn, thì mình tránh xa nó ra.

Ví dụ nếu như nghe những lời nói body shaming (chê bai về ngoại hình) như: dạo này sao béo quá, sao mụn quá. Mình có thể làm các việc như sau:

  • Một là đeo tai nghe nếu như phải dùng không gian chung
  • Hai là đứng dậy đi chỗ khác

Chúng ta chưa xịn tới mức có thể thật sự bỏ ngoài tai lời người khác nói, thì cách hợp lý nhất là đừng nghe. Đừng nghe sẽ không biết. Không biết sẽ không buồn.

2. Nghĩ về thì tương lai

Nếu như gặp tình huống tức giận, giận đến tím tái mặt mũi, “chỉ căm tức chưa xẻ thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù” (cái này trích trong Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo) thì khoan khoan, dừng lại một chút, hít thật sâu.

Bây giờ, nếu như muốn chạy đến thủ tiêu ngay đối tượng làm mình tức giận, thì có cần không? Ủa, mấy chục năm nữa ai không già không bệnh không ngủm, mình ra tay chi cho mất công vậy. Đúng chưa? Nghĩ vậy đó mà thấy thôi cũng không cần làm gì nữa.

Còn trường hợp giận bản thân vì đã lỡ làm sai gì đó, chỉ muốn đấm cho mình một cái? Thì thôi, đừng làm, vì trước sau gì cũng hối hận. Cái đau do tự đánh nhiều khi đau hơn chuyện mới xảy ra á. Khỏi đánh mất công.

3. Nghĩ đến cái hại trước mắt

Nếu như gặp phải lúc lo sợ, bồn chồn không biết ngày mai làm sao, chuyện kia có thuận lợi không, thì xin thưa là: Chuyện ngày mai cũng không ai biết được. Thôi để mai nó xảy ra rồi sợ cũng đâu có muộn.

Sợ trước 1 ngày là phí 1 ngày hạnh phúc rồi. Là mình làm mình lỗ. Mà lỗ là thấy còn tệ hơn nữa. Nên thôi, bớt lo lắng lại.

Pha ly trà, rồi nhẩm trong đầu, coi uống trà xong nên đi đâu ăn cái gì đây ta? Không phải nhẩm trong dầu đừng sợ đừng sợ, vì cái gì có chữ “đừng” là sẽ càng làm. Như đừng đổ rác là y như rằng dưới chân có bãi rác.

4. Cho bản thân nhiều thói quen

Nếu bắt tay làm một chuyện gì mới hoặc tự ép mình vào guồng quay công việc thì sẽ khó. Nhưng nếu xây dựng một hệ thống các thói quen theo từng khung giờ cố định, nó sẽ trở thành neo. Cái neo này sẽ giữ mình tránh khỏi những lúc không biết làm gì. Nếu như sử dụng ứng dụng để theo dõi hàng ngày nữa thì quá tốt. Hiện nay có nhiều ứng dụng có thể giúp chúng ta làm việc này.

Ví dụ như mình có thói quen ôn từ vựng trong 30 phút mỗi ngày bằng ứng dụng Memrise. Mình thực hiện đều đặn mỗi sáng hoặc trước khi ngủ. Việc này dễ, vì chỉ chọn từ vựng trên điện thoại như một trò chơi. Nên khi nào khó chịu hoặc không thể bắt tay làm việc khác, mình sẽ dùng Memrise để khơi mào.

thoi quen khi buon qua
Mình có 3 thói quen này và đang cố gắng duy trì mỗi ngày. Số bên phải là số ngày mình thưc hiện. Vì không muốn mất mấy con số đó mà mình không dám bỏ ngày nào.

Thói quen sẽ dễ đưa chúng ta vào nhịp sinh hoạt điều độ. Bắt đầu với 1 hoặc 2 thói quen trước để không bị nản là một quyết định không tồi đâu.

Cũng khá dài dòng lê thê rồi. Hi vọng sẽ có thể hữu ích cho mọi người.

Mình mong là dù thế nào đi chăng nữa thì mọi người cũng được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

Tags: No tags

Leave a Reply