Làm sao để học mau thuộc mà lâu quên

Dạo gần đây, mấy bé học trò nhà mình chới với với các thể loại bài kiểm tra từ Sinh, Sử, Địa, Giáo dục Công dân đến Quốc phòng. Môn chính như Toán, Lý, Hoá thì bài tập ngập tràn mà thêm các thể loại học bài nữa, mấy bé than là chỉ nằm thở chờ ngày kiểm tra chứ không biết làm sao được. (Hẳn là nằm thở cơ đấy)

Tired The Middle GIF by ABC Network - Find & Share on GIPHY

Thấy vậy, mình xăn tay áo lên xung phong học chung để nắm bắt tình hình chiến sĩ. Sau đây là một số tóm tắt của mình:

_ Các em học theo kiểu “Rắn là một loài bò, rắn là một loài bò, sát không chân, sát không chân”. Ví dụ này nghe có vẻ cũ quá rồi, và thời nay ai lại làm vậy. Nhưng không. Không hề nhé. Các em học sinh của mình vẫn học theo cách này. Ví dụ về con rắn có vẻ hơi củ chuối, nhưng đối với các môn khác, với nhiều thuật ngữ phức tạp hơn, các em vẫn tách câu theo cách như vậy. Vì các em không hiểu bài đang học đang nói về cái gì.

_ Học tổng cộng 2, 3 bài nhưng không nhìn ra sự khác nhau hoặc sự liên quan giữa các bài đó. Ví dụ môn Sử, chiến dịch A ở bài 10 là năm 1947, chiến dịch B ở bài 12 lại nhớ năm 1945. Không, lịch sử không đi ngược như vậy.

_ Không biết các đề mục mình phải học. Đề mục là phần 1 la mã, 2 la mã ấy. Mình hỏi thế bài 18 có mấy phần chính, các em ú ớ không hiểu mình hỏi gì.

_ Không biết tên tựa bài. Các này thì thôi khỏi nói, 100 bạn mắc phải cái lỗi này. “Cô con dặn học bài 18, 19”. Mà mình hỏi “Thế bài 18 là bài gì con?”. Em trả lời “Dạ bài 18 là bài 18. Ủa mà ý Cô là sao?”.

Sau một tuần phụ các em học bài, mình có chia sẻ luôn cách mình dùng trong nhiều năm nay. Và nó hiệu quả với các em nên mình chia sẻ ở đây.

Đây là các bước chính. Mình sẽ đính kèm 1 ví dụ thật chi tiết cho phần này.

Đầu tiên, học tựa bài. Học cái dòng to to phía trên cùng, để biết mình đang học nội dung nào, chương nào. Ví dụ đang học chương thực vật thì sẽ không có con vật nào trong chương này hết.

Thứ hai, học các đề mục 1 la mã, 2 la mã. Để biết bài này gồm các nội dung chính nào. 

Thứ ba, học những định nghĩa mà không thể nào tự chế ra được.

Thứ tư, điểm danh các ý cần nhớ của từng phần. Từ nào khó hiểu phải đi tìm nghĩa để không ngắt câu sai chỗ làm mất ý của bài.

Đính kèm là bài 36 môn Sinh lớp 12 trong đề cương của trường THPT Trưng Vương Quận 1, Tp Hồ Chí Minh. Mình sẽ phân tích thật chi tiết cách học của mình cho bài này.

Bước 1: Tựa bài. QUẦN THỂ SINH VẬT VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC CÁ THỂ TRONG QUẦN THỂ. Ô kê. Bài này sẽ có 2 phần chính nè: Quần thể và mối quan hệ trong quần thể.

Bước 2: Các đề mục lớn. Bài này có 2 phần: 1 la mã là Quần thể và quá trình hình thành quần thể; 2 la mã là Quan hệ giữa các cá thể trong quần thể. Trong 1 la mã có 2 phần: 1 nhỏ là Quần thể và 2 nhỏ là Quá trình hình thành. Trong 2 la mã có 2 phần: 1 nhỏ là Quan hệ hỗ trợ và 2 nhỏ là Quan hệ cạnh tranh

Bước 3: Định nghĩa không tự chế được.

Quần thể là gì? Tập hợp các cá thể cùng một loài, cùng sinh sống trong 1 khoảng không gian nhất định, tại 1 thời điểm nhất định và có khả năng sinh sản tạo thành thế hệ mới.

Chỗ này có 4 ý chính, mình đã tô đậm. Nên lúc học nhớ là chỗ này có 4 ý, kẻo sót.

Quan hệ hỗ trợ? Các cá thể cùng loài hỗ trợ nhau kiếm ăn, sinh sản và chống lại kẻ thù

Quan hệ cạnh tranh? Khi mật độ cá thể tăng cao, nguồn sống môi trường không đủ để cung cấp cho mọi cá thể trong quần thể dẫn đến cạnh tranh —> tăng tử vong, giảm sinh sản, giảm kích thước quần thể.

Hiểu là: đông quá thì không đủ ăn —> giành thức ăn —> con không giành thức ăn được sẽ chết, làm giảm số lượng.

Bước 4: Điểm danh các ý cần nhớ.

Trong phần 1, nhớ quần thể và cách hình thành.

Trong phần 2, nhớ 2 quan hệ.

Trước mắt, nếu không thể thuộc hết từng chữ thì căn bản các em đã có thể hiểu được bài này muốn nói cái gì và nhớ các ý chính cơ bản của nó rồi. Thật sự nếu tập trung phân tích, thì chỉ 10 phút là nắm ý xong.

Vậy làm sao nhớ lâu?

Chúng ta nhớ lâu nhờ các câu chuyện vui, hoặc thú vị, hoặc đơn giản là ví dụ trực quan để gắn kết các ý của bài học. Thường thì với môn Sinh, hãy gắn các con vật vào trong ví dụ. Nếu như chỉ có một vườn cà rốt, mà nay có thêm 20 con thỏ, tổng cộng là 50 con thỏ, thì không đủ ăn. Không đủ ăn thì sẽ có tranh giành, sẽ có con không có cà rốt ăn, sẽ lăn ra chết, giảm số lượng thỏ, để quay về cân bằng.

Tiếp theo, hãy trở thành người kể chuyện. Tức là bạn có thể kể lại bài học cho người khác và làm cho người ta hiểu được. Mình thường hay diễn giải lại bài học, có khi cho mẹ, có khi một mình để kiểm tra sự nhớ bài của mình.

Gợi nhớ lại kiến thức khi không có sách vở bên cạnh. Khi ngồi trên xe, khi đang chờ tính tiền ở siêu thị, thay vì lướt Facebook, hãy thử nhớ lại những điểm này, nếu có quên thì mình cũng biết để về xem lại. Mình thấy các em cũng có cách hay là chụp đề cương bỏ trong điện thoại, như vậy lúc nào cũng tra lại được hết.

Không cố nhồi kiến thức trước giờ kiểm tra. Cái này là kinh nghiệm bản thân mình. Nếu chỉ nhớ được 2/3 bài thi mà đã kiểm tra rồi, hãy gác lại 1/3 còn lại, chỉ tập trung 2/3 đã học. Như vậy có thể chỉ mất 2,3 điểm thôi. Còn hơn là nhớ 2,3 điểm mà quên đi 7 điểm còn lại ấy.

Vài ghi chú như vậy, hi vọng là phần nào có thể thêm một số cách học hữu ích cho mọi người.

Mình mong là dù thế nào đi nữa thì mọi người đều sẽ được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

Tags: No tags

No Responses

Leave a Reply