“Muốn đi xa thì hành trang phải nhẹ” – đây là câu nói của một người bạn mà mình thấy rất hay và tâm đắc. Lúc nghe câu này là nhóm tụi mình đang nói về chuyện xếp đồ vào vali thì phải. Đại ý ban đầu là nhồi nhét nhiều quá vì kéo vali không nổi đâu. Ngẫm lại, câu này đúng trong khá nhiều trường hợp ấy chứ.
Học sinh của mình hay có thói quen ôm đồm nhiều thứ một lúc. Đang giải Hoá ngon lành, tự nhiên “Ý chết rồi Cô ơi. Cô để con check coi Địa mai kiểm tra bài mấy nha Cô”. Mình kiểu, khoan khoan con, con note ra tờ giấy kế bên đi, xong mấy câu Hoá này rồi check luôn kẻo phân tâm. Mà ẻm cứ nhấp nhổm không yên, cứ phải đi check cho được, xong quay lại thì quên mất tiêu công thức Hoá.
Một vài người bạn của mình muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực A. Nhưng hễ thấy cơ hội ở lĩnh vực B và C (2 lĩnh vực mới) là muốn nhảy vô với lý do: không làm bây giờ thì chờ khi nào. Đồng ý rằng chuyện gì mới cũng sẽ rất thú vị, nhưng bạn phải hiểu về lĩnh vực định nhảy vào cái đã. Một chân đạp hai thuyền thì sẽ dễ té thôi mọi người ạ.
Nhiều học sinh của mình bị cha mẹ bắt phải vừa học chương trình phổ thông quốc tế, vừa phải thi đậu đại học top ở Việt Nam (là đại học top như kiểu ĐH Quốc gia hay Y Dược ấy). Khi theo học chương trình phổ thông quốc tế, đồng nghĩa với việc các môn tiếng Việt sẽ bị giảm số tiết lại, kiến thức cũng sẽ được học ở chương trinh căn bản, không phải nâng cao để thi đại học. Như vậy, để làm tốt cả 2 chương trình ở mức căn bản cũng đã là thành tựu rồi, đừng nói là xuất sắc ở chương trình nâng cao. Mang nhiều hành trang trên người như vậy, đi một chút đã thấy mỏi lưng mỏi chân thì làm sao đi xa hơn được.
Hãy bỏ bớt lại những thứ không cần thiết, gạt đi những điều râu ria để thật sự tập trung vào việc cần phải làm. Như vậy mới toàn tâm toàn ý để có kết quả tốt nhất được.
Mình mong là dù có thế nào đi nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.
Di.