Chúng ta có thật sự “xứng” không?

Dạo này có nhiều em học trò hỏi mình làm thế nào để được điểm cao, để được 8.0 IELTS,… Câu trả lời của mình đầu tiên luôn là: “Con thử nghĩ xem mình phải nỗ lực bao nhiêu để tương xứng với kết quả con mong muốn?”.

Câu chuyện tương xứng mình có từng trả lời trong một buổi phỏng vấn Sinh viên 5 Tốt hồi còn học đại học. Cập nhật một chút chỗ này: Sinh viên 5 Tốt là danh hiệu dành cho các sinh viên đạt đủ các tiêu chí: học tập tốt, thế lực tốt, đạo đức tốt, hội nhập tốt, tình nguyện tốt; mỗi tiêu chí sẽ có điều kiện khác nhau. Hồi năm 4 đại học, trong một buổi tuyên dương Sinh viên 5 Tốt ở trường, mình được chọn là một trong bốn đại diện lên sâu khấu trả lời câu hỏi của các bạn sinh viên. Câu hỏi đầu tiên mình được nhận là một câu hỏi về việc học tiếng Anh. Nhưng câu hỏi làm mình nhớ nhất là “Làm thế nào để có được một mối tình với Sinh viên 5 Tốt?”. Mình khá bất ngờ và có thoáng chút bối rối khi nhận được câu hỏi này. Sau đó mình đã nghĩ về đến vấn đề tương xứng và trả lời rằng bạn muốn có một mối tình với sinh viên 5 tốt thì bạn cũng phải có những ưu điểm nhất định để đáp ứng mong muốn của mình. Tiếp đó là một vài câu đùa vui để hội trường náo nhiệt một chút.

Chuyện đã qua cũng khá lâu nhưng mình vẫn nhớ rất rõ. Vì mình tin rằng “Gió tầng nào sẽ gặp mây tầng đó.” Ví dụ như nếu muốn có một người bạn trai có công việc ổn định, lại yêu thương chiều chuộng thì bạn đã có những tiêu chuẩn gì để tương xứng với người bạn trai đó chưa, chẳng hạn như xinh đẹp, giỏi giang, tự chủ về tài chính và hỗ trợ được cho công việc của bạn nam đó. Và bạn nam muốn có bạn gái xinh đẹp, giỏi giang thì đã có những điểm gì tương xứng trong tính cách hay tài năng của mình chưa?

Quay trở lại vấn đề tương xứng ở câu hỏi của em học trò đầu tiên. Chắc hẳn ai cũng hiểu: Nỗ lực 5 phần sẽ nhận lại được kết quả 5 phần nếu như nỗ lực đó là toàn tâm toàn ý. Vậy muốn được kết quả 100 phần sẽ phải nỗ lực 100 phần, thậm chí có khi 110 hay 120 phần liên tục. Cuộc sống này làm gì có đường tắt. Không thể chỉ làm 2 mà được nhận về 5, 6, trừ khi may mắn “đi thi đánh lụi”. Đường chính bằng phẳng dễ đi sẽ dài hơn, đường ngắn hơn thì gồ ghề và nhiều chông gai hơn. Vậy thì tính ra nếu chọn đường ngắn sẽ phải vất vả hơn đi đường chính nữa.

Mình cũng nhận được câu hỏi “Muốn nâng band điểm lên 1 hay 1.5 trong 2 tháng có khả thi không?”. Mình thường hỏi lại “Bạn sẽ dành bao nhiêu giờ mỗi ngày cho IELTS?”. Nếu muốn 8.0 IELTS với trình độ đang 6.5 IELTS thì vài ba tiếng mỗi tuần trong một tháng thật sự là không đủ. Một phép tính đơn giản: 1 giờ mỗi ngày, 2 tháng là 60 giờ. 3 giờ mỗi ngày, 2 tháng là 180 giờ. Thời gian học và trau dồi gấp 3 lần, tất nhiên kết quả sẽ khác (cho rằng phương pháp học và giáo trình là phù hợp). Vậy nên câu trả lời 2 tháng lên 1 hay 1.5 điểm là không đủ cơ sở. Cho nên chuyện giật tít của các chia sẻ về việc nâng điểm trong thời gian ngắn, theo mình là không đủ thông tin để có thể đưa ra quan điểm chắc nịch như vậy.

Câu chuyện về bí quyết của cô bé thủ khoa “Câu dễ không được làm sai và làm đúng những câu khó” cũng là một ví dụ cho vấn đề tương xứng này. Rõ ràng nếu như các em ôn luyện đến một mức độ thành thạo nhất định, các em sẽ thấy cô bé này không nói gì sai cả. Bước đầu tiên của việc được điểm cao là không được làm sai những câu mình biết làm. Biết làm mà làm sai chẳng khác nào không biết làm cả. Đến cuối cùng kết quả chỉ là một con số thôi, và 6 điểm có nghĩa là làm sai nhiều hơn 6.5 điểm những 2 câu, không cần biết 2 câu đó khó hay dễ. Bước thứ hai, sau khi đã đảm bảo mình biết làm hết tất cả câu dễ rồi, là lấn sân sang câu khó tương xứng với khả năng ôn luyện của mình. Có em sẽ thích chọn câu dạng A, cũng có em sẽ muốn đào sâu dạng B. Vậy, để tương xứng với mong muốn được điểm cao, các em phải đầu tư thời gian cho dạng A hoặc dạng B. Đây cũng chính là sự khác biệt của điểm 8, 9 hay 10 của bất kì một bài thi nào. Có em sẽ dừng ở mức 8, có em sẽ cố thêm nữa để được 9 và có những em giải đề liên tục ngày đêm vì con điểm tuyệt đối. Tất cả những cố gắng đó rồi sẽ được đền đáp cả.

Có rất nhiều người nói cuộc sống chẳng phải quá ngắn ngủi sao, vất vả nhiều như thế để làm gì, trong khi có thể vui chơi chẳng phải tốt hay sao? Đúng rồi, tất nhiên ai chẳng muốn được chơi nhiều hơn một chút. Đi học, đi làm về mỗi ngày có thể quẳng cặp sách qua một bên, tắm rửa, ăn cơm rồi lướt điện thoại xem phim thật sự rất vui, rất thoải mái. Ai lại chẳng muốn sống nhàn nhã, ung dung như vậy? Nhưng mà nếu như thật sự chọn như vậy, mình mong rằng bạn đừng có suy nghĩ sẽ có được tất cả những điều mình mong muốn như điểm cao, thành tích tốt, v.v. Ngày hôm nay bạn bỏ bê cuộc sống của mình, thì ngày mai cuộc sống sẽ đòi lại của bạn gấp đôi. Vì sao lại gấp đôi? Vì một phần là tương xứng với sự bỏ bê của bạn, một phần là bạn tụt lại do những người xung quanh đã tiến lên. Mọi kết quả đều sẽ tương xứng với hành động hôm nay.

Muốn xây nhà càng cao, phải có móng càng chắc. Muốn chạy thật nhanh, phải rèn luyện thể lực thật nhiều. Muốn có kết quả thật cao, phải chấp nhận những ngày học hành thật căng thẳng. Đường tắt mà chúng ta nhìn thấy ở một số người, chẳng qua là do họ đã vất vả xây nên từ trước. Đằng sau những thành tích mà chúng ta nhìn thấy được là bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền bạc họ đầu tư vào đó. Họ chỉ không phải là những người thích kể về khó khăn của mình cho người khác biết mà thôi.

Một khi đã xác định được mong muốn của mình là gì, cao hay thấp so với khả năng hiện tại, mình mong bạn hãy tự hỏi bản thân rằng những gian nan tương xứng với mong muốn đó, liệu bạn có vượt qua được không?

Mình mong là dù có như thế nào đi chăng nữa thì mọi người đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

Tags: No tags

Leave a Reply