Hiểu luật chơi để chơi tốt trò chơi cuộc sống

Dạo gần đây, mình trăn trở khá nhiều về chủ đề này và đã đi hỏi ý kiến của nhiều người. Đa phần, những người mà mình nhận thấy là có lối sống khá lành mạnh và gặt hái được nhiều thành tựu trong cuộc sống đều có chung một quan điểm: Muốn chơi một cuộc chơi nào đó, cần phải hiểu rõ luật chơi.

Trước khi bắt đầu một trò chơi nào đó, chúng ta đều phải đọc qua luật và cách chơi. Hiểu cách chơi và cách tính điểm rồi, chúng ta mới tính toán từng nước đi để sao cho đạt được điểm số lớn nhất. Một số trò chơi còn có Goal hoặc Target (mục tiêu) ở mỗi vòng để người chơi hoàn thành. Đạt được mục tiêu đó thì sẽ chuyển sang mục tiêu cao hơn, đồng thời sẽ sang vòng mới và lên Level (cấp).

Đó, trò chơi thế nào thì cuộc sống cũng y như vậy đó. Vậy nên thị trường mới có rất nhiều sách về đề tài “Chiến thắng trò chơi cuộc sống”. Nhưng trò chơi cuộc sống thì nghe có vẻ rộng và nhiều vấn đề quá. Mình chỉ xin bàn về vấn đề học tập và công việc thôi.

Thời điểm này cách ngày thi trung học phổ thông quốc gia 2020 khoảng một tháng. Lúc này, nguyện vọng và mục tiêu vào đại học nào, phải thi được bao nhiêu điểm chắc cũng đã rõ ràng với các em học sinh rồi. Vậy mà, chiến lược cũng như luật chơi của kì thi thì ít có em nào nắm vững lắm. Nói chuyện thi đại học có vẻ hơi xa lạ với phần đông mọi người, vậy nói chuyện thi IELTS, chuyện giảm cân, chuyện tăng cơ giảm mỡ, sinh hoạt điều độ hay chuyện mục tiêu đọc 50 quyển sách một năm thì sẽ gần gũi hơn.

Rõ ràng, quy tắc cho các câu chuyện trên là như nhau. Trước tiên, phải hiểu được mục tiêu của mình là gì, càng cụ thể càng tốt. Bước này có vẻ như quen thuộc quá rồi, nên mình chỉ xin tóm gọn lại là mục tiêu phải đi kèm các con số, tức là những gì cân đo đong đếm được và có đi kèm thời hạn. Vì mục tiêu không có thời hạn cũng giống như hứa mà chưa thấy thực hiện vậy ấy.

Ví dụ: không thể đưa mục tiêu là “Đọc nhiều sách hơn”. Nhiều hơn là bao nhiêu? Bình thường một năm đọc 2 quyển thì nay mục tiêu mới là “Đọc 10 quyển một năm” chẳng hạn. Rồi mục tiêu không thể là “Giảm cân” mà phải là “Giảm 2kg trong một tháng”. Mục tiêu đậu đại học nên cụ thể hơn là “Đậu đại học ABC với điểm ba môn trên 23”. Đại khái như vậy ấy.

Bước này là bước vất vả hơn. Xác định được mục tiêu rồi, thì phải đi đọc luật chơi. Cụ thể như vầy. Rất nhiều bạn muốn IELTS 7.0, mà không xác định được cách người ta chấm điểm thế nào, làm sao ra được con số 7 khi mình thi tổng cộng 4 phần, quy tắc làm tròn ra làm sao. Rồi trong mỗi phần, task nào quan trọng hơn, chiếm nhiều điểm hơn, ưu tiên cho từng task ra sao. Hoặc là để giảm cân toàn cơ thể mà chỉ có gập bụng hoặc chỉ plank thôi thì có hiệu quả không? Nên ăn uống ra sao để có kết quả sớm. Nguồn tài liệu tham khảo ở đâu, có uy tín không? Đọc luật chơi là đọc hết tất cả những điều liên quan đến vấn đề mình mong muốn. Phải hiểu rõ thì mới có chiến lược phù hợp.

Bước này chỉ là bước thực hiện thôi. Một điểm cực kì quan trọng của chỗ này là: TẬP TRUNG HOÀN TOÀN VÀO MỤC TIÊU CỦA MÌNH. Ví dụ như mình muốn IELTS 7.0, mà hiện tại Reading với Listening mình 8.0, vậy mục tiêu của mình là Speaking với Writing trên 6.0. Mà để 6.0 thì mình phải học thêm những cụm từ nào để viết, những câu nói nào hay, phản xạ của mình đã tốt chưa. Thêm nữa là, đừng tập trung vào những gì quá cao siêu. Những bài viết band 8 thậm chí band 9 hiện tại chưa dành cho mình thì đừng nên nhồi các từ vựng siêu khó trong các bài viết đó vào bài của mình. Nó sẽ không thể tương xứng được.

Hoặc ví dụ như chuyện một bài thi hay một bài kiểm tra có 1 câu khó, chiếm 1 điểm. Trong khi mục tiêu của mình là 8 điểm, thì trước mắt 8 câu đầu tiên mình đã làm đúng hết chưa? Phải tập trung hoàn thiện bài làm ở mức 8, rồi 9 hay 10 sẽ tính sau. Rất nhiều em học sinh của mình hay lo sợ, muốn giải được hết đề thi nên hay đi làm những câu 9, 10, trong khi mức 7, 8 còn chưa đạt được. Mình chỉ xin nói là: dừng lại đi con. Mấy ai trèo một lúc 3, 4 bậc thang mà không té đâu con? Trước khi thi, nên tìm hiểu ma trận đề thi như thế nào, phần nào nhiều điểm, có khó không? Phần khó với con có chiếm nhiều điểm không? Bỏ qua không học được không?

Bước cuối cùng, là nếu như đã xác định được những việc cần phải làm cho mục tiêu ban đầu, thì phải làm cho hết. Nếu như chỉ đi đến 8/10 trong danh sách công việc đã bỏ cuộc, thì thành tựu rực rỡ cuối cùng làm sao đạt được đây? Chưa đi đến cuối cùng của quá trình thì chưa thể thấy được kết quả đâu. Hồi nhỏ, mình cũng hay gặp phải vấn đề này. Đó là nhiều khi quên mất những việc đã đề ra, hoặc là chưa chi đã nản chí rồi. Mình khắc phục điều này bằng cách lập ra những cái checkpoint. Checkpoint là những điểm để mình kiểm tra xem mình có thực sự tiến bộ không. Nếu mình của tuần này khá hơn tuần trước, tức là đạt được checkpoint rồi. Gộp những cái checkpoint lại sẽ đến ngày đón nhận được kết quả lớn thôi.

Từ hồi nhận ra được tầm quan trọng của luật chơi, mình đều dành thời gian tìm hiểu và vạch ra những điều cần làm để đạt được mục tiêu. Kể cả chuyện uống nước, tưởng chừng như đơn giản, nhưng mình cũng phải tìm hiểu xem với cân nặng, chiều cao hiện tại, lượng nước mình cần uống là bao nhiêu. Mình mua hẳn một cái bình to, và một cái ống hút xịn, đổ lượng nước cần uống vào đó. Và quy định luôn mỗi lần phải hút 2 hơi dài mới được nghỉ. Như vậy mình cũng đang dần dần thực hiện mục tiêu uống nước của mình.

Nay đã giữa năm rồi, công việc của mọi người chắc đã bận rộn trở lại. Mình mong là dù thế nào đi nữa thì mọi người cũng đừng buông trôi đi mục tiêu của mình, và đều sẽ được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

Tags: No tags

Leave a Reply