Khái niệm “vừa đủ” trong cuộc sống

Một hôm đi cờ đi ngoài đường, mình thấy một shop quần áo trưng bày một chiếc áo thun với dòng chữ “You are enough”. Nó gợi lên một vài suy nghĩ của mình về chữ “enough” – đủ.

Không biết mọi người có còn nhớ cái hồi cấp 2, cấp 3, chúng ta học cấu trúc ngữ pháp “enough…to” (đủ…để) và “too…to” (quá…đến nỗi không thể) không?

Kèm theo các câu bài tập như “He is strong enough to lift the chair.” (Anh ấy đủ khoẻ để nâng cái ghế) hoặc là “He has enough money to buy this car.” (Anh ấy có đủ tiền để mua chiếc xe này). Bẵng đi một thời gian, nếu không có tiếp xúc tiếng Anh nhiều nữa thì chắc chúng ta cũng không dùng đến cấu trúc này.

Đủ làm mình liên tưởng đến các vấn đề trong đời sống thường ngày. Hồi nhỏ, câu hỏi mà con nít thường hỏi nhau là “Có đủ tiền mua cái này cái kia không?”, “Có đủ điểm không?”. Vậy mà khi lớn lên hình như chúng ta quên đi khái niệm đủ này.

Có một câu chuyện như vầy. Mình có một cái mũi không cao (hay đôi khi bị nói là tẹt), cũng có nhiều người khuyên mình nên đi nâng mũi một chút, sẽ xinh hơn. Hồi đó, mỗi khi nghe như vậy, mình sẽ suy nghĩ và cân nhắc, coi có nên đi sửa mũi thật không. Rồi còn đi tìm chỗ uy tín, tham khảo giá, xem các thể loại clip nâng mũi, sửa mũi, gắn sụn vào mũi. Một thời gian sau nhìn vào gương, mình tự hỏi bản thân “Có cần không nhỉ?”. Rõ ràng mình vẫn đang sống rất vui vẻ và hài lòng với cái mũi của mình, nó có thấp một chút, cũng đâu có làm cho mình bớt vui xíu nào đâu. Quan trọng là mình thấy cái mũi của mình đủ đẹp so với khuôn mặt mình, và mình đủ hài lòng với tổng thể, vậy là được rồi.

Cũng có lần một người chị của mình hỏi mẹ chị ấy là “Mẹ thấy con có đẹp không?”. Mẹ chị ý trả lời là “Nói không thì không đúng, nói có thì cũng không hẳn. Mẹ thấy con dễ nhìn”. Dễ nhìn cũng có thể hiểu nôm na là “đủ đẹp để không thể nói là xấu” nhỉ? Thật ra cũng không có một khái niệm “đủ” áp dụng được cho tất cả mọi người. Quan trọng hơn hết là biết mình muốn gì. Có người chỉ cần có đủ tiền để ăn uống thoải mái mỗi ngày đã là hạnh phúc, nhưng cũng có người cần tiền để mua quần áo hàng hiệu, túi xách thời trang mới cảm thấy đủ. Vậy cho nên chỉ đủ ăn tức là thiếu thốn với người thứ hai.

Rõ ràng hôm nay bạn đi một chiếc xe gắn máy, nếu bạn không cảm thấy vui trên con xe đó, bạn sẽ khát khao được ngồi trong ô tô. Nếu bạn ngồi trên con KIA buổi sáng (KIA Morning), bạn sẽ thèm thuồng cảm giác được ngồi trong chiếc BMW hay AUDI. Như vậy thì cho dù là ngồi trong một chiếc xe xịn thì vẫn có chiếc xe xịn hơn chạy ngoài đường, và cảm giác thèm khát đó làm cho bạn thấy khó chịu. Nói như vậy không phải là mình ủng hộ cho lối sống không nỗ lực cho tương lai, không phấn đấu để đẹp hơn, để kiếm nhiều tiền hơn. Tất nhiên là chúng ta ai cũng mong muốn có được cuộc sống tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của mình. Vậy chỉ cần mỗi ngày cảm thấy bình an thanh thản và cố gắng tiến lên là được rồi. Cho dù bạn đi bằng phương tiện gì đi chăng nữa, bạn cũng thấy vui vẻ, tâm trạng bạn không bị bức bối. Và bạn vẫn tiếp tục phấn đấu vì một tương lai tốt hơn với tâm thế tích cực, chứ không hề than trách hay oán giận mình ở hiện tại. Suy nghĩ vừa đủ sẽ giúp chúng ta kiểm soát được tâm trạng và hiểu được sự phấn đấu với tâm trạng thoải mái sẽ mang lại kết quả tốt hơn.

“Vừa đủ” cũng có thể được gắn vào trong khoảng cách. Khoảng cách giữa cái bàn, cái ghế trong nhà nên vừa đủ, xa quá thì với mỏi lưng mà gần quá thì không được thoải mái. Người với người cũng nên có một khoảng cách vừa đủ, ngay cả trong mối quan hệ cha mẹ, con cái. Phải đủ xa thì mới thấy nhớ, mới trân trọng. Cha mẹ nên cho con cái một khoảng không gian riêng, đủ xa để cho con lớn lên, trưởng thành nhưng cũng đủ gần để con không cảm thấy cô đơn và lạc lõng. Đừng lúc nào cũng đi theo hỏi han, dặn dò từng chút một, đôi khi con cái sẽ cảm thấy ngột ngạt và đâm ra chán ghét cha mẹ. Cũng đừng quá xa con để con lớn lên trong sự cô độc, không có ai chơi cùng hay bầu bạn. Con cái cũng nên để cho cha mẹ có không gian riêng, đừng có lúc nào cũng quấn lấy mẹ hay quấn lấy cha. Thật sự mình nhìn thấy có nhiều gia đình mà đứa con chiếm hết tình yêu thương của mẹ hay của cha, để cho người còn lại cảm thấy không được yêu thương đủ. Nhiều người dù lớn rồi nhưng vẫn thích được ngủ cùng mẹ, xong nghiễm nhiên chiếm “vợ” của cha mình, như vậy thì…hơi kì. Cũng có nhiều khi chiều con cái quá mà mối quan hệ vợ chồng trở nên xa cách. Chồng cảm thấy mình bị “ra rìa” khi có con, nên nhiều khi lại không thương con nhiều được.

Mối quan hệ bạn bè hay người yêu cũng vậy. Ai cũng nên bận rộn chăm lo cho cuộc sống của mình, không nên “dính” lấy nhau quá nhiều mà bỏ bê việc riêng của mình. Vốn dĩ vì cảm mến với người kia khi người kia là một cá thể độc lập nên người ta mới chọn lựa đến với nhau. Vậy mà khi là một đôi rồi, thì một trong hai người lại không duy trì cuộc sống riêng như trước đây mà chọn gác lại những mục tiêu của bản thân trên con đường danh vọng. Mình đồng ý là có những gia đình mà một trong hai người chọn làm hậu phương để người kia yên tâm công tác. Nhưng bạn nhìn thử vào những gia đình hạnh phúc đến bây giờ xem, người ở nhà lắm khi lại có cuộc sống phong phú và đáng ngưỡng mộ hơn nhiều người đi làm ấy chứ. Đó là vì người ta vẫn giữ cho mình những sở thích và duy trì thói quen sống tích cực. Đơn cử như mẹ của mình. Từ khi sinh chị hai, mẹ chọn một công việc nhàn hơn một chút, chủ yếu là để chăm lo cho con cái và gia đình. Nhưng mọi quyết định lớn nhỏ trong nhà mẹ đều có những ý kiến rất chuẩn xác. Mẹ còn là người tính toán rất nhạy và quan tâm đến giáo dục. Chị mình và mình ngay từ nhỏ đã được mẹ chăm lo cho chuyện học rất nhiều.

Như mình cũng đã nói, “vừa đủ” khá trừu tượng và còn tuỳ theo nhu cầu của mỗi người nữa. Miễn sao là đủ với bạn, thì mọi tiêu chuẩn khác trên đời này đề là thứ yếu.

Mình mong là cho dù có như thế nào đi chăng nữa thì mọi người cũng sẽ được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

Tags: No tags

One Response

Leave a Reply