Review sách “Dấu chân trên cát”

Chuyên mục sách Di đọc đã quay trở lại đây.

Chuyện mình thích đọc sách thì mình đoán là nhiều người đã biết, nhưng chuyện mình thích Ai Cập và thích tìm hiểu về các nền văn minh cổ đại thì chắc ít người biết lắm. Hồi còn nhỏ, mình cực kì mê phim hoạt hình tên là “Những cuộc phiêu lưu của Papyrus” – cái phim mà chỉ cần nghe đoạn nhạc mở đầu cùng với hình ảnh chiếc thuyền chạy dọc sông Nile với con mắt ở mũi thuyền là mình mê mệt rồi, đừng nói chi là những vị thần như Horus hay Seth, hay những cuộc phiêu lưu trong đó.

Sau này, mình có dịp được đọc truyện Nữ hoàng Ai Cập và Dòng sông huyền bí, tìm hiểu về các Pharaoh như Tutankhamun, Ramses hay Hatshepsut. Càng đọc và hiểu về Ai Cập, mình lại muốn đọc thêm, biết thêm. Thật ra truyện tranh ngoài những chi tiết hư cấu, chuyện tình yêu của những nhân vật chính thì mốc thời gian và các vị vua trong đó đều trung khớp với lịch sử, lắm khi mình nghĩ nó giống như fan-fic ấy. Mỗi khi đọc được điều gì đó mới, dù chỉ là những chi tiết nhỏ như người ta ướp xác thế nào, vì sao lại phải ướp xác, người ta thường chôn gì theo, v.v, nhưng cũng làm mình rất vui và hào hứng. Mình hay đi tìm mua những quyển sách về Ai Cập cổ đại, về các vị Pharaoh và các Nữ hoàng. Hồi nhỏ thì mình toàn ra nhà sách coi cọp mấy quyển sách ảnh, sách màu vì nó ít chữ, lại nhiều hình vẽ. Lớn lên một chút mình vẫn thích sách ảnh, nhất là nhiều hình vẽ về ngày xưa, chắc phần nào cũng do mình mê phim hoạt hình. Cũng có nhiều người bảo mình là biết mấy chuyện này để làm gì, cũng là chuyện của quá khứ, của ngày xưa. Mình thì nghĩ là không có sự hiểu biết nào là thừa thãi cả, huống hồ chi là tìm hiểu về chuyện mà mình thấy vui. Nên mình cứ đọc từng chút một để lấy thêm thông tin, như một hình thức giải trí.

img 2613

Để nói về cơ duyên mình tìm đọc Dấu chân trên cát của tác giả Nguyên Phong thì là thế này. Trước đây, mình biết tác giả Nguyên Phong thông qua quyển Đường mây qua xứ tuyết, nói về Phật giáo và các tu sĩ ở Tây Tạng. Phải nói là mình thích mê, phần vì là những câu chuyện về Phật giáo, phần vì những khái niệm phức tạp được tác giả diễn giải một cách tường tận và dễ hiểu. Mình thấy tác giả có một cách tiếp cận những vấn đề phức tạp một cách rất gần gũi và cuốn hút thông qua những câu chuyện, nên khi có tác phẩm mới là mình mua ngay. Và chủ đề lần này trong “Dấu chân trên cát” là về một y sĩ về Khoa học về sự sống, tức là học cách chữa bệnh, sau đó đi chữa bệnh ở người nghèo ở nơi mình sinh ra. Quá trình được đi học cũng rất khó khăn, vất vả, phải vượt qua được kì tuyển chọn mới được truyền dạy kiến thức. Sau đó thì trở thành y sĩ cho Pharaoh Akhenaten, rồi vướng vào đam mê tửu sắc mà bán hết của cải, đi học Khoa học về sự chết để có thể ướp xác cho cha mẹ. Khi ông trở về quê hương thì bị mắc tội và phải đi biệt xứ. Vì là y sĩ giỏi nhất ở Ai Cập nên ông mau chóng kiếm được nhiều tiền và có địa vị ở vùng đất mới. Sau ông lại phải trải qua nhiều biến cố nữa.

Chuyện về y sĩ Sihune kể ra thì sẽ dài dòng văn tự lắm. Điểm hay của quyển sách này là kể chuyện lịch sử một cách khéo léo và không nhàm chán. Ví dụ như chuyện kể về cách trị vì của vua Akhenaten với nhiều chính sách mới, về nghệ thuật và đời sống của người dân ở giai đoạn này. Akhenaten còn có tên gọi là Amenhotep IV, vị vua đời thứ 18 của Vương triều Ai Cập, một trong những giai đoạn thịnh vượng nhất. Ông còn được biết đến như một người đã tạo ra cuộc cách mạng tôn giáo khi chỉ thờ một vị thần là Aten (đĩa Mặt trời). Vua Akhenaten chủ trương hoà bình, không gây chiến tranh (mặc dù lúc bây giờ người ta nhìn nhận tài năng của Pharaoh thông qua công trạng chiến tranh) và muốn giảm sưu thuế cho người dân nên không được lòng giới quý tộc ở Ai Cập lúc bấy giờ. Thêm một điều nữa là ông rất tôn trọng tính chân thật của nghệ thuật. Vì ngoại hình của ông gầy, mặt dài và mắt có phần lồi ra phía ngoài nên khi cho nặn tượng, thay vì giữ khuôn mẫu vạm vỡ và khuôn mặt góc cạnh như các Pharaoh đời trước, ông muốn tượng của mình trông giống như thật hết sức có thể.

img 2611
Tượng Akhenaten

Kể đến các biểu tượng điêu khắc, thường sẽ gắn liền với chiến công của vị vua đó như vũ khí hay chiến xa thì Akhenaten muốn mình xuất hiện với vợ (Nefertiti) và ôm một bó hoa trên tay (dù hình tượng này bị cho là yếu đuối). Nefertiti thì nổi tiếng với bức tượng đất nung chỉ có một con mắt, đoạn này thì chắc nhiều bạn biết. Bà cũng là 1 trong 4 vương hậu nổi tiếng nhất bên cạnh Cleopatra. Mình lần đầu biết đến Nefertiti là do đọc truyện tranh “Dòng sông huyền bí”. Bà là công chúa nước Mitanni, chị của Huyết chi Hắc Thái tử (cái này là nhân vật trong truyện). Viên ngọc đen mà Hắc Thái tử đeo bên người sau đó đưa lại cho Yuuri là do Nefertiti tặng trước khi lên đường sang Ai Cập.

img 2612
Bên trái là tượng thật, bên phải là hình vẽ trong truyện Dòng sông huyền bí của tác giả Chie Shinohara – hình ở Chie Shinohara fanpage

Mỗi khi tìm hiểu lại về Ai Cập là một lần mình trầm trồ và mong muốn được du lịch Ai Cập một lần. Mình sẽ đi thăm thành phố Luxor, thăm Kim tự tháp và tượng Nhân sư Giza, sẽ đi thuyền để ngắm nhìn sông Nile. Trước khi đi thì mình sẽ note lại các chi tiết mình muốn tìm hiểu trong các bộ truyện tranh và sách vở, để chìm đắm trong không khí mấy ngàn năm trước xem thế nào.

Di

Tags: No tags

Leave a Reply