Nếu yêu ai đó, hãy cho họ tự do
Theo từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê năm 2003, “tự do” có 4 nghĩa:
- Phạm trù triết học chỉ khả năng biểu hiện ý chí, làm theo ý muốn của mình trên cơ sở nhận thức được quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội.
- Trạng thái một dân tộc, một xã hội mà các thành viên không bị cấm đoán tham giá các hoạt động chính trị – xã hội.
- Trạng thái không bị giam cầm hoặc không bị làm nô lệ.
- Trạng thái không bị cấm đoán, hạn chế vô lý trong việc làm nào đó.
Nhu cầu tự do dường như là nhu cầu cơ bản của mọi người. Hồi nhỏ, lúc còn ở với bố mẹ, có phải nhiều lúc chúng ta mong được có phòng riêng, được ngủ một mình, được dọn ra ngoài với mong muốn có không gian riêng, có cuộc sống riêng, không muốn bố mẹ can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của mình.
Khi đi học, chúng ta muốn được ngồi cùng với bạn của mình, được chọn nhóm khi tham gia các hoạt động ở lớp, được chọn ngành học mà mình thích, tham gia câu lạc bộ mà có cái anh mình để ý. Khi bắt đầu biết yêu, chúng ta cũng chọn người mà mình thấy thú vị, không muốn bị bạn bè gán ghép hay chọc ghẹo với bất kì ai.
Chúng ta cũng bắt đầu hiểu về quyền riêng tư, về việc được phép giữ bí mật những chuyện của bản thân như thư từ, điện thoại và các thể loại nhật kí, ghi chép. Trẻ con được tự do đặt mật khẩu cho điện thoại của mình, một số em còn đặt hình nền điện thoại là dòng chữ “Bỏ điện thoại này xuống ngay”, để nhắc nhở những ai cầm điện thoại của mình lên khi chưa được phép.
Thế mà khi lớn lên, bắt đầu có người yêu, một số người lại can thiệp khá nhiều vào cuộc sống tự do của người khác. Mình biết nhiều người bạn rất thích chơi game, nhưng lại có bạn gái không thích và không đồng ý cho chơi game. Trước mắt, việc cấm đoán một ai đó có sở thích (tất nhiên là sở thích không phạm pháp nhen) là một việc làm xâm phạm vào quyền tự do của người đó. Nhiều bạn nam chọn game là cách để xả stress sau nhiều giờ làm việc căng thẳng, thì lúc này game lại trở thành liều thuốc tinh thần đáng được hoan nghênh. Thế là các bạn biết chuyện gì xảy ra sau đó không? Các bạn nam đó vẫn chơi, nhưng nói dối là đang làm việc khác để không phải bị bạn gái giận dỗi. Đến một thời gian, khi bạn gái phát hiện ra, họ cãi nhau rồi chia tay rồi quay lại rồi chia tay, cái vòng luẩn quẩn phức tạp nó liên tục tiếp diễn. Thật ra chỉ vì ngay từ đầu bạn nữ không hiểu rằng tự do chơi game là nhu cầu chính đáng của bạn nam đó. Một số chuyện, thật ra nếu không ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai, thì thoả hiệp và chiều chuộng theo sở thích của người kia đâu có gì là sai.
Rồi chuyện bạn nữ thích mua sắm, và mua bằng thu nhập của chính bạn nữ đó, nhưng người yêu lại than phiền rằng bạn nữ không biết vun vén, sau này không thể là một người vợ tốt, không chăm lo được cho gia đình. Cơ bản, phát ngôn đó có phần quy chụp. Bạn nam phải xét đến việc số tiền bạn nữ mua sắm chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng thu nhập. Và cũng phải xét đến khía cạnh hai người chưa là gì của nhau, bạn nữ có nhiều nhu cầu làm đẹp và chăm chút ngoại hình hơn bạn nam, nên chuyện phải có một khoản dành cho việc chăm sóc cho bản thân là một điều hết sức bình thường. Vì bị cằn nhằn nhiều đến nỗi bạn nữ mua được một món gì đó hay ho cũng không muốn chia sẻ, vì sợ bị đánh giá. Rõ ràng nếu bạn chỉ tiêu tiền của bạn, không phải tiền chung hoặc tiền của người yêu, thì có vấn đề gì ở đây đâu. Tại sao chưa bao giờ bạn nam kia có suy nghĩ sẽ phải cố gắng làm việc để có thể tạo điều kiện cho bạn nữ có thể thoải mái chăm lo cho bản thân. Tại sao chúng ta không dành thời gian đó để nghĩ cách kiếm tiền nhưng cứ thích quản người khác cách tiêu tiền? Chúng ta cứ gào lên đòi tự do, đòi được sống theo ý mình, nhưng người khác sống theo ý họ thì chúng ta không đồng ý.
Đến đây, lại có một sự tranh cãi không hề nhẹ về vấn đề: thế nếu chúng ta được tự do làm điều mà mình muốn, thì làm những điều sai trai có được không: có người khác hay bắt cá hai tay chẳng hạn? Mình thật sự không hiểu được định nghĩa tự do của mỗi người như thế nào, nhưng chắc chắn tự do của người này không được quyền ảnh hưởng đến tự do của người khác. Bạn có quyền có tự do yêu đương, yêu mấy người một lúc, vậy thì đối phương cũng có quyền ngừng tình yêu này lại, và chọn cho mình một người khác. Không thể nào có chuyện bạn tự do có người khác, nhưng bắt đối phương phải chịu đựng, vì nào là anh là đàn ông, em là phụ nữ, nào là anh ra ngoài kiếm tiền, em ở nhà thì biết gì. Nếu như không thể tiếp tục với nhau, xin hãy nói cho người kia nghe, đó là cách mà bạn tôn trọng quyền tự do của người khác. Không thể cứ lấy định nghĩa tự do, không gian riêng để làm những chuyện tổn thương người khác.
Cũng xin đừng lấy lý do quan tâm, để ngăn cấm tình bạn giữa đối phương với người khác. Mình thấy có nhiều cặp đôi rất văn minh, họ nói rõ “Anh/em không thích em/anh chơi với người ABC vì lý do DEF”. Còn chuyện có tiếp tục làm bạn với người kia hay không là do đối phương quyết định, không hề bị cấm đoán hay ép buộc. Ôi thôi còn chuyện đối phương nghìn lẻ một lần giấu diếm chúng ta làm những điều không đứng đắn, mình xin hứa sẽ để dành nó cho một chủ đề sắp tới về quyền riêng tư.
Tuy nhiên, lắm lúc mình thấy ranh giới giữa chuyện quan tâm và chuyện can thiệp quá sâu vào cuộc sống tự do của người khác nó mong manh như sợi tóc yếu ớt dễ gãy của mình ấy. Vì nhiều khi chỉ cần hỏi han nhiều một chút, như hôm nay làm gì, đi với ai, mấy giờ về, cũng sẽ dễ bị đánh giá là xâm phạm sự tự do ngay. Còn nếu như không hỏi gì hết, thì sẽ bị cho là không thèm để ý, hời hợt, không quan tâm nhau. Nên cũng phải tuỳ đối tượng và tuỳ cách đặt câu hỏi để điều chỉnh sao cho phù hợp. Mình có một cách cũng hay áp dụng, đó là mình muốn được đối xử thế nào cứ cho đối phương biết, mình hay nói đùa là học bài. Ví dụ đối với tình huống A, mình muốn được đối xử theo cách A’, mình sẽ nói ra, để lần sau gặp lại đối phương biết cách mà quan tâm cho đúng. “Training” là cả một quả trình, chỉ cần xuất phát từ sự chân thành, chứ không phải kiểm soát hay áp đặt thì sẽ được thôi.
Hôm nay đến đây thôi, mình mong là dù thế nào đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.
Di.