Vài tuần gần đây, mình quay cuồng với nhiều công việc mới và tự nhiên cũng trở nên khó tập trung để viết hơn trước. Nhiều lần ngồi trước máy tính, đã đi đến giai đoạn chỉnh sửa chuẩn bị đăng bài rồi mà mình vẫn cảm thấy không ưng ý được với những câu chữ của mình. Vì mình thích viết về những suy ngẫm của bản thân qua những câu chuyện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày nên mỗi khi chưa thấy hài lòng với những gì đã viết, mình sẽ tạm thời chưa đăng để có thời gian chỉnh sửa thêm.
Hôm nay, mình nghe một bài hát, trong đó có câu “Với em anh thường rảnh rỗi còn em luôn biết cách bận rộn”. Hai chữ “bận rộn” làm mình nghĩ ngay đến chuyện ngồi xuống và viết ra những dòng này.
Câu hát đó phần nào khiến mình thấy hơi nhột, vì giữ cho bản thân bận rộn là một cách mà mình hay dùng những năm gần đây để không phải suy nghĩ vu vơ hay phiền lòng vì một điều gì đó.
Mỗi khi buồn phiền chuyện gì, thông thường chúng ta sẽ để cho bản thân mình chìm đắm trong nhiều suy nghĩ tiêu cực. Đầu tiên, chúng ta sẽ ngẫm đi ngẫm lại chuyện vừa mới xảy ra, như tua lại một đoạn phim, thật chậm trong đầu mình. Đoạn phim đó có đầy đủ hình ảnh và âm thanh. Từng câu từng chữ, từng hành động sẽ thật sống động và chi tiết. Với mỗi câu nói hoặc hành động làm cho bản thân buồn hoặc đau khổ, chúng ta sẽ tua chậm thêm một chút nữa, để cảm nhận rõ ràng cái đau đang dằn xé, và chúng ta khóc, hoặc tức tối và khó chịu. Sau đó, chúng ta sẽ dành một khoảng thời gian không hề ngắn để lặp đi lặp lại quá trình bên trên, và đau đáu trong mình câu hỏi: Chúng ta đã làm gì sai? Tại sao chuyện đó lại xảy đến với mình?
Chuyện tiêu cực có thể xảy đến với bất kỳ ai, có thể là người thân qua đời, chia tay người yêu, không được tăng lương theo khả năng, bị mất việc,… Trong hoàn cảnh như vậy, đau buồn hay khóc lóc là không thể tránh khỏi. Có nhiều người sẽ chọn cách tạm gác lại mọi việc phải làm sang một bên trong một khoảng thời gian, giam mình trong phòng hoặc đi xa đến nơi nào đó, khóc cho thỏa thuê, nhịn ăn, sụt cân hoặc cắt tóc.
Nhưng mình biết có một phần không nhỏ những người chọn lấy công việc làm niềm vui và luôn giữ cho mình bận rộn để không còn thời gian mà nghĩ ngợi lung tung. Thường thì chúng ta sẽ không nhìn thấy họ khóc lóc hay đau khổ, cũng không giống như là đang suy sụp. Họ vẫn đi làm, vẫn ăn uống bình thường, vẫn sẽ cười nói trao đổi với mọi người, và nói “Không sao đâu” kèm với cái icon mặt cười hoặc một vài cái sticker tinh nghịch như trước giờ họ vẫn hay làm. Nhìn chung, nếu như không đủ thân để có thể biết được câu chuyện cá nhân mà họ vừa trải qua, chúng ta sẽ không bao giờ có thể nhìn ra sự thay đổi trong biểu hiện hàng ngày của họ. Mình đã từng đối mặt với chuyện người thân yêu nhất của mình đột ngột qua đời mà không có mình ở bên, bạn bè nhắn tin hỏi thăm, mình đều trả lời là mình không sao đâu, mình vẫn ổn. Lúc đó, một cô bạn thân từ hồi đại học của mình mới nói rằng mình đừng tỏ ra như vậy. Bạn hiểu hết những gì mình đang phải trải qua, nên mình đừng ngại mà hãy sống thật với cảm xúc của mình. Sẽ không sao đâu nếu mình không trả lời tin nhắn của bạn bè trong lúc này, hoặc mình buồn bã đến mức chỉ seen mà không nói được lời nào, bạn mình thật sự đã nói những lời nói đầy cảm thông như vậy. Trong vô thức, mình nhận ra rằng mình đang tự ngược đãi cảm xúc của chính mình. Đến cả người ngoài còn quan tâm đến mình như thế, vậy tại sao mình lại không làm như vậy với mình? Nhưng nhận ra và thay đổi nó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Những lúc có chuyện xảy ra, dù lớn dù nhỏ, mình có cảm giác như mình hơi bị chai lì cảm xúc. Mình vẫn thấy đau, thấy buồn lắm, nhưng phần nào đó trong mình chọn cách làm việc thật nhiều để không phải nghĩ đến những chuyện đã xảy ra. Mọi người có từng trải nghiệm cảm giác làm việc liên tục từ lúc ngủ dậy đến tối 9 giờ, ăn vội một cái gì đó, về nhà tắm rửa thay đồ và ngủ ngay để ngày mai lại chiến đấu tiếp chưa? Mình đã có nhiều ngày như thế đó. Phải luôn giữ cho bản thân làm việc ở cường độ cao, để đầu óc không thể trống trải mà lại tua đi tua lại những đoạn phim buồn và tự gặm nhấm cảm xúc tiêu cực, mình mới có thể có một ngày trọn vẹn.
Đến cuối cùng, mình nhận ra rằng cách làm này, nếu không đến từ việc buông bỏ những suy nghĩ buồn phiền, mà chỉ đơn thuần là giữ mình bận rộn để trốn tránh nó, thì sẽ là một cách tự an ủi bản thân rất đáng thương.
Đáng thương là bởi vì thay vì đối mặt với chính những điều đang làm mình đau khổ, thừa nhận nó và cho bản thân thời gian nguôi ngoai, mình chọn cách phớt lờ nó. Sau những chuỗi ngày làm việc quên cả mọi thứ, mình còn lại gì? À, không thể không nói đến lợi ích của chuyện làm việc nhiều như thế là công việc của mình thời gian đó vô cùng thuận lợi. Đó là điều không thể chối cãi. Nhưng tác hại mà nó để lại là nỗi buồn của mình vẫn còn đó, sự tổn thương của mình vẫn còn đó, và mỗi khi không bận rộn, mình lại lôi đoạn phim cũ ra để chiếu lại lần nữa. Và những cảm giác khó chịu lại xâm chiếm lấy mình, làm mình chảy nước mắt y như cũ, chứ không hề giảm bớt đi. Công ty nhiều lúc là nơi mà mình muốn ở lại lâu nhất có thể, cũng là nơi mình muốn đến sớm nhất có thể, mỗi ngày.
Bản thân mình tự nhận thấy rằng nếu như dung hoà được hai cách đối mặt trên có lẽ sẽ tốt hơn. Một mặt, cảm giác của bản thân thì không thể bỏ qua, nên hãy nuông chiều nó một tí trong mấy ngày đầu để nhận ra rằng mình đang có vấn đề cần được chữa lành. Sau đó, hãy cố gắng duy trì những hoạt động thường nhật một cách tự nhiên nhất. Tuy nhiên, có thể bỏ qua một số hoạt động không thoải mái, như làm thêm giờ hoặc tăng ca, để giảm bớt áp lực cho cả thể xác và tinh thần. Có thể chọn nói ra với một ai đó những gì chúng ta đang nghĩ, không phải để xin lời khuyên, mà là để cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Nếu như chuyện mà chúng ta đang trải qua kinh khủng đến mức không thể nói cho ai nghe, thì có thể chọn cách viết ra giấy, viết thật nhiều, cả sự kiện lẫn những gì mà chúng ta cảm thấy, rồi sau đó hãy xé hoặc đốt nó đi. Mình có từng đọc được rất nhiều lời khuyên về cách làm này. Khi mình viết ra điều gì đó khiến mình bế tắc hoặc phiền muộn, mình sẽ có xu hướng sắp xếp lại những điều rối ren đang diễn ra bên trong đầu thành một trật tự nhất định trên giấy, và như vậy biết đâu vấn đề sẽ được giải quyết. Còn nếu như đó là một điều làm cho mình cảm thấy buồn bã, thì viết ra là một cách nói chuyện với bản thân mình, giấy và bút sẽ như những người bạn lâu năm, chỉ lắng nghe thôi mà không buông một lời trách cứ hay phàn nàn gì. Viết còn là cách chúng ta có thể biểu đạt những suy nghĩ thuộc loại “sống để bụng, chết mang theo” mà không sợ người khác đánh giá.
Đừng quá hà khắc với bản thân trong những lúc như thế này, đi học đi làm hết giờ thì về thôi, ngủ sớm một chút cũng không sao, không đọc thêm một vài tài liệu cũng không sao, không học tiếng Anh một hai ngày cũng không sao. Chỉ cần cơ thể chúng ta khoẻ mạnh, tinh thần dần dần được xoa dịu, thì một hai tuần không năng suất cũng sẽ không để lại hậu quả gì quá to tát. Chuyện buồn nào rồi cũng sẽ nguôi ngoai nếu chúng ta không hàng ngày đòi xem lại bộ phim đó. Mình thật sự chỉ ước sao trong mỗi thời điểm, mỗi đoạn thời gian, sẽ không có nhiều bộ phim buồn cùng đòi công chiếu, nếu không thì không biết nước mắt đâu cho đủ mà xem phim. Mình lại nói đùa đấy.
Dạo gần đây công việc của mình khá nhiều, mình cũng không có nhiều thời gian trong ngày để nghĩ về những chuyện đã qua, ngoại trừ những lúc tan làm và công ty đóng cửa không cho ở lại thêm nữa. Lần sau, mình sẽ viết ra thiệt nhiều những điều làm mình khó chịu và trăn trở nếu nó lại trượt qua đầu óc của mình, và mọi người cũng vậy nhé.
Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.
Di.