Tiêu đề này có vẻ hơi lạ. Bản thân mình thoạt đầu cũng không hề nghĩ đến điều này. Vì tổn thương của mình là gì mình còn chưa thật sự rõ. Rồi lại để cho tổn thương được nghỉ ngơi là như thế nào?
Dạo gần đây, mình nghĩ nhiều hơn về vấn đề thời gian, cũng do mình đọc lại mấy status và chia sẻ vu vơ trên Facebook cá nhân. Đại loại là có một câu nói đã từng làm mưa làm gió trên nhiều dòng trạng thái ở các trang mạng xã hội một thời gian khá lâu: “Thời gian sẽ giúp chúng ta trả lời những câu hỏi, hoặc làm cho chúng ta quên mất đi câu hỏi là gì”. Hồi xưa mình thích câu này vì vế thứ hai, đơn giản vì mình thấy nó buồn cười chứ không nghĩ gì nhiều. Cho đến tận bây giờ, khi chính bản thân trải qua nhiều chuyện, thì vế thứ hai của câu nói mới làm mình tâm đắc. Thời gian không chỉ giúp chúng ta sáng suốt để có câu trả lời cho những thắc mắc của bản thân, mà còn làm cho chúng ta nguôi ngoai sau những chuyện đã qua.
Hồi mình còn bé, mình bị tai nạn giao thông vài lần, nhẹ có mà nặng cũng có. Hai lần đáng nhớ nhất với mình có lẽ là lần mà mình và Má bị tai nạn ở Hồ Con Rùa năm mình học lớp 2 và lần ở trước cổng trường THCS Chu Văn An trên đường Cống Quỳnh năm mình học lớp 4. Chuyện hồi lớp 2 là lúc trên đường đi học, Má vòng qua Hồ Con Rùa để về đường Võ Văn Tần thì bị một người chạy ẩu ép sát. Hai Má con ngã ra đường, mình thì cà nguyên cái má bên trái xuống đường, trầy hết một vòng tròn đường kính 2 centimet. Mình khóc như mưa và thề rằng sẽ không bao giờ đi qua chỗ đó nữa, và mình giữ lời hứa đó cho đến khi đi học đại học, xe buýt 52 của mình ngày nào cũng chạy ngang Hồ Con Rùa. Còn bây giờ thì công ty của mình ở ngay đoạn đường đó, có phải số trời cho mình cơ hội để xoá bỏ lời nguyền không nhỉ? Thời gian bị sẹo, mỗi ngày đi học mình đều phải mang khẩu trang, rồi về đến nhà là bôi nghệ, liên tục như vậy trong vòng 1 tháng trời thì may sao mình mất hẳn cái sẹo trên mặt, không hề có dấu tích gì. Trong khoảng thời gian đó mình không được dùng tay gãi lên chỗ đó, dù lúc lên da non nó rất ngứa, cũng không được gỡ lớp mài mới hình thành. Cuối cùng vết thương cũng lành, chỉ là mình phải kiên nhẫn trong vòng 1 tháng.
Lần tai nạn thứ hai của mình là vào chiều ngày thứ sáu, 17 tháng 9 năm 2004. Hôm đó trời mưa rất lớn, ba mình lại có tí men trong người, thế là ngã sóng soài ở trước cửa trường cấp 2 Chu Văn An. Tay mình có đeo một chiếc vòng bằng đá, nên khi ngã nó đã vỡ ra và ghim vào khắp cổ tay trái của mình. Sau khi đưa vào phòng y tế trường sơ cứu, mình đã được chở vào bệnh viện Nhi Đồng 2 ở đường Lý Tự Trọng để may tổng cộng 14 mũi. Tai nạn lần đó mình cũng mất 1 tháng mới lành, nhưng để lại sẹo lồi và lớp da non cứ đỏ ửng, phải đến hết năm mới dịu xuống và sau đó rất lâu mới nhạt màu. Mỗi khi làm chuyện gì với cánh tay bị thương, mình đều làm thật chậm, thật cẩn thận, vì mình sợ vô tình sẽ làm rách lớp da non mới hình thành.
Những nỗi đau về thể xác chắc chắn phải cần thời gian để hồi phục, dù nhỏ xíu cũng không thể lành trong ngày 1 ngày 2 được. Mình kể ví dụ trên cốt để nhắc nhớ về việc thời gian thật sự làm cho nỗi đau của mình nguôi ngoai như thế nào. Mình bắt buộc phải để cho vết thương của mình khép miệng và cơ thể của mình nghỉ ngơi.
Tổn thương về tinh thần cũng cần phải được đối xử như vậy, thậm chí là kĩ càng hơn. Vậy mà nhiều người trong chúng ta, kể cả mình, đôi lúc lại không làm như vậy. Còn nhớ có nhiều lần hồi nhỏ đi học, có chuyện buồn cũng chui vào nhà vệ sinh ở nhà khóc thảm thiết, hoặc đóng cửa phòng lại nằm vật vã trong đó, xong xuôi lại tiếp tục leo lên ghế để làm bài tập cho ngày mai. Cứ vậy rồi chuyện buồn chồng chất chuyện buồn, theo thời gian thì chuyện nào nhỏ nhặt quá nó tự tiêu biến, còn không thì nó vẫn nằm ở đó hoài. Đó là lý do mà tại sao có một thời điểm mình hay thấy buồn mà không thật sự hiểu vì sao mình buồn.
Rồi cũng có những khi mình bị đối xử và yêu thương không theo cách mà mình muốn, mình bị bỏ rơi, bị cảm thấy có một mình. Những sự kiện đã diễn ra qua lăng kính của mình, đã trở thành những chuyện làm mình tổn thương. Nhưng mình chọn cách phớt lờ, nói rằng mình không sao và bỏ qua nó, hoặc thậm chí mình xem đó là chuyện bình thường, ai cũng phải như vậy thôi. Thời gian qua đi, mình không còn nhớ rõ sự kiện gì đã xảy ra, người ta đã nói câu gì mà mình nghĩ rằng người ta không thương mình, bố mẹ mình đã làm gì mà không công bằng với mình. Mình sẽ chỉ còn lưu lại cái suy nghĩ đã được diễn giải theo cách của một đứa trẻ lúc đó rằng bố mẹ không thương mình, người ta ghét mình.
Mãi sau này, mình hiểu rằng là do nhiều chuyện chồng chất từ xưa, mà mình không giải quyết, cộng với việc thời gian đã làm cho mình quên đi sự kiện gắn liền với cảm xúc đó là gì, nên mình dần thấy buồn và bất lực một cách không rõ nguyên do. Thậm chí, nó còn làm cho mình dễ nổi cáu và gây phiền hà cho những mối quan hệ sau này.
Nhận biết được rằng mình đang cáu, và tập trung nhìn lại những gì diễn ra sâu bên trong bản thân mình là cách mình đang làm. Mình luyện tập để hình thành một giọng nói trong đầu, hỏi mình rằng “Cảm xúc này thật sự đến từ đâu?”. Liệu nó có phải là từ sự kiện diễn ra hôm nay, hay là sự cộng hưởng của những vui buồn trong quá khứ. Khi bản thân dừng lại để suy nghĩ, thì sự bực bội trong mình cũng giảm dần, và mình bớt thể hiện ra bên ngoài, tránh để ảnh hưởng những người xung quanh.
Sau đó, khi đã nghiền ngẫm đủ lâu tất cả những chuyện có thể dẫn đến cảm xúc như vậy, mình chấp nhận nó như là một phần của mình, và tập nói ra, nói với những người có liên quan đến sự kiện đó. Những bước này không nhất thiết phải xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn, mà là khi nào mà mình có thể thoải mái nói ra mà cổ họng không bị nghẹn đắng, mắt mình không ngấn nước và giọng mình không lạc đi. Mình cũng không cần nhất thiết phải tranh cãi với người khác về vấn đề đã qua này. Đơn thuần là nói ra cảm nhận của mình lúc đó, khi chuyện diễn ra thì mình đã tự hiểu như vậy, có thể nó không đúng nhưng đó chính xác là những gì mình đã cảm thấy. Bây giờ mình chỉ muốn kể ra cho nhẹ lòng, ngoài ra không còn mục đích nào khác.
Mình nghĩ khi đó cũng là lúc mà mình dần buông bỏ được những tổn thương trong mình, hay nói cách khác là tổn thương của mình đã được chữa lành.
Bản thân mình hiện nay vẫn còn cần rất nhiều thời gian để nghiền ngẫm lại những chuyện đã qua. Có những vết thương đã lành lặn hẳn, có những cái thì không. Nhưng mình không vội, vì mình chấp nhận dành thời gian để bản thân được vỗ về và cho tổn thương của mình được nghỉ ngơi.
Mình mong là cho dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.
Di.
[…] mình đã từng nói ở bài viết “Dành thời gian cho tổn thương được nghỉ ngơi và chữa lành”, vấn đề nào cũng cần thời gian để nghiền ngẫm và nguôi ngoai, không thể vèo […]