“Nhiều khi kiệt sức vì gắng giữ mình không xấu xa”

Câu hát này mình vô tình bắt gặp trong bài hát “Đi về nhà” của Đen và Justatee và nó làm mình ấn tượng đến mức phải ghi lại ngay.

Đây là bản audio cho bài viết dưới đây. Một sản phẩm xịn xò của Zalo AI Lab.

Như thường lệ, mình lại đi dò Từ điển tiếng Việt của chủ biên Hoàng Phê để tìm định nghĩa hai chữ “xấu xa”. Trong đó ghi nhận xấu xa chính là xấu đến mức tồi tệ, đáng khinh bỉ. Còn “xấu xí” thì thiên về ngoại hình, với nghĩa là xấu đến mức không ai muốn nhìn. Từ “kiệt” trong từ điển có nghĩa là hết cạn sau một quá trình tiêu hao, và ví dụ là “làm việc đến kiệt sức”.

Vậy câu hát đó có nghĩa là nhiều khi sức lực bị dùng hết sạch sau một quá trình tiêu hao dần để không trở nên xấu đến mức tồi tệ, đáng khinh bỉ. Công nhận là dịch trần trụi ra từng từ ngữ thì dễ hiểu thật nhưng không văn vở hay nghệ thuật chút nào hết.

Mình là một người đã xem rất nhiều phim truyền hình Hongkong, là phim bộ TVB ấy, từ khi còn rất nhỏ. Bởi vậy nên mới có sự kiện là hồi còn bé, lúc đi học mẫu giáo, mình nhìn thấy chuyện Cô giáo cư xử bất công khi phạt oan bạn này bạn kia, mình sẽ về kể cho Mẹ nghe, và dặn Mẹ phải “bảo vệ tư pháp công chính” bằng cách lên trường nói chuyện với Cô. Một đứa trẻ 4 tuổi là mình lúc đó đã có thể nói những từ ngữ như vậy, mọi người có thấy đáng sợ chưa. Chỉ vì thời điểm đó mình xem phim về luật sư, thẩm phán và cảnh sát của TVB ấy. Trong phim, dù cho có bị bủa vây bởi muôn vàn khó khăn, bởi đầy rẫy người xấu, nhưng những nhân vật chính vẫn liêm chính đến tận tập cuối cùng. Họ đại diện cho công bằng, cho chính nghĩa, đấu tranh bằng nhiều hành động khác nhau, có khi là chống lại cái xấu, nhưng cũng có khi là cố gắng để không đi theo cái xấu. Quá trình đó không hề đơn giản, vì một bộ phim tới tận mấy chục tập cơ mà. 

Hồi còn nhỏ, mình từng nghĩ phim chỉ là phim thôi, ở ngoài đời làm gì mà kịch tính và tranh đấu nhiều như vậy. Nhưng hoá ra mình đã lầm đó mọi người ạ. Biên kịch và đạo diễn cũng là những con người bình thường, sống cuộc sống y như mình đang sống thôi. Trừ khi là những bộ phim giả tưởng siêu anh hùng bắn đùng đùng chíu chíu để cứu lấy dải ngân hà hay giải cứu thế giới. Còn những bộ phim lấy bối cảnh là cuộc sống hiện đại để phản ánh đời sống nội tâm con người hay khắc hoạ lại những ngành nghề đặc thù nào đó, hầu hết đều lấy chất liệu từ đời thực. Những sự đấu đá, hãm hại, tranh quyền đoạt vị hoặc lừa dối lẫn nhau, hay là sự tốt bụng, tinh thần nghĩa hiệp, tình đồng đội, tình yêu nước đều được thể hiện rất thật và rất đời. Phim ảnh không thể nào quá xa rời đời sống, phim ảnh chính là từ đời sống mà ra.

Chắc hẳn bộ phim “Bằng chứng thép” không hề xa lạ gì với hầu hết mọi người. Trong đó, câu nói “Trên đời làm gì chỉ có trắng và đen, còn có xám nữa” cứ ám ảnh mình mãi. Rõ ràng, để duy trì ranh giới tốt – xấu, người ta cần rất nhiều nỗ lực, vì chỉ một chút sơ suất nhỏ, những chuyện tưởng chừng như đúng sai mười mươi sẽ có thể bị làm cho sai lệch. Trong tập phim đó, chị luật sư đại diện cho một công ty chuyên lợi dụng kẻ hở của luật pháp để giúp ông chủ trục lợi. Tuy nhiên, trước đó, chị từng là một sinh viên giỏi giang, năng nổ, và đi theo các hoạt động vì chính nghĩa. Chị vẫn là người tốt, tất nhiên, nhưng dần dần cuộc sống xô đẩy chị đi theo những chuỗi sự kiện mà chị không ý thức được, rồi chị trở thành người mà mình ghét lúc nào không hay. Câu nói đó chị đã nói khi gặp lại thần tượng ngày xưa của mình ở Đại học, là anh bác sĩ pháp y, một trong những nhân vật chính của phim. Và đoạn phim đó làm mình ấn tượng mãi. Phải chăng giữa muôn vàn khó khăn trong cuộc sống này, ngoài việc mong cầu lợi ích cho bản thân, thì trở nên “xấu xa” một chút còn là một chuyện không thể tránh khỏi khi con người ta phải đối mặt với quá nhiều áp lực. Và hoàn toàn giữ mình trong sạch, liêm khiết, không bao giờ lấn khỏi lằn ranh trắng – đen dường như đòi hỏi quá nhiều nỗ lực đến nổi không thể làm được.

Kể chuyện phim TVB để có một ví dụ có vẻ đại chúng cho mọi người có thể hình dung. Chứ còn ví dụ ngoài đời thực thì mình tin là ai trong chúng ta cũng đã trải qua. Chưa cần phải là chuyện gì nghiêm trọng liên quan đến pháp luật mới tính là trắng – đen, chuyện cư xử hàng ngày hoặc chuyện đi làm cũng đã dư tiêu chí để trở thành một bầu trời ví dụ. Có phải trong công ty, trong nhóm làm việc, chúng ta tiếp xúc với những người mà lắm lúc khiến ta tự hỏi “Không biết sao làm việc như vậy mà vẫn còn làm được đến giờ?”. Đôi lúc họ còn đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng nữa cơ. Họ có một cách nói chuyện không mấy có duyên, nếu không phải nói là hoàn toàn không phù hợp với môi trường công sở. Họ có cách phân chia công việc cho cấp dưới và “cai trị” nhân viên y như trong thời chiến tranh. Rằng lệnh của họ là đúng, lời của họ là trời và dù họ có làm sai thì người chịu trách nhiệm là bạn, phải rồi, là bạn, là nhân viên thấp cổ bé họng không biết nói cùng ai. Vậy mà họ vẫn nhởn nhơ hưởng lương cao, sống nhàn rỗi và ức hiếp những người yếu thế hơn mình. Mỗi khi phải tiếp xúc với những người như vậy, mình chợt nghĩ là không biết sự công bằng có vô tình sượt qua đời họ để mà kiểm tra lại hạn sử dụng hay chưa? Và rồi, nếu như những em nhân viên mới vì bước nhầm chân trái khi đi làm thay vì chân phải, hoặc đi làm vào giờ kém chứ không phải giờ hơn mà nằm dưới quyền của những người đó, thì mấy em sẽ nghĩ như thế nào về công việc mà mình đang làm. Mình đã từng biết rất nhiều trường hợp những bạn trẻ được phân công học hỏi kinh nghiệm quản lý của những nhân vật như vậy, và họ học rất giỏi, nên là họ học theo y chang. Cuối cùng, kết thúc khóa huấn luyện, họ trở thành phiên bản hoàn hảo của cái người có đầy tính xấu kia. Công nhận, chắc là sức lực để đi làm mỗi ngày của các em đã bị tiêu hao dần đến nỗi các em không thể khước từ và phải chọn cách trở nên xấu xa.

Mình cũng đã từng rơi vào trường hợp như thế, nhưng ở một hoàn cảnh khác. Mình ở trong những tình huống mà nếu như mình tắc trách, làm ít đi, không cẩn thận một chút cũng không để lại hậu quả gì, thậm chí còn làm cho mình khỏe khoắn hơn, về tinh thần lẫn cả thể xác. Mình bị cái tính lắm lúc cẩn thận, nên nhiều khi làm việc sẽ quên đi thời gian, quên đi sự mỏi mắt, cái mỏi lưng để hoàn thành cho xong công việc. Đến cả công việc dịch thuật, đa phần mình nhìn thấy nhiều người sẽ sao chép một đoạn dài thật dài và quăng lên cho chị Gu gồ dịch và lại sao chép phần đã dịch vào, thế là xong. Thật ra cũng không ai chê trách hay chỉ trích gì cách làm đó, nhưng mình thì không chịu được. Xin nhấn mạnh rằng đây là quan điểm của mình, việc mình không chịu được việc dịch thuật phụ thuộc hoàn toàn và Gu gồ là việc của mình. Mình không nhắm đến bất kì một cá nhân nào, vì mình không trải qua những chuyện họ trải qua, nên không thể phán xét cách làm của họ. Mình chỉ cố gắng hoàn thiện công việc của mình một cách tốt nhất, bằng cách dịch kĩ thật kĩ và suy nghĩ ý tứ câu cú cho phù hợp với đối tượng sẽ đọc văn bản đó, nên là lắm lúc mình bị quá tải. Trong khía cạnh công việc thôi mà mình còn cảm thấy việc duy trì và giữ cho bản thân mình sống đúng đắn đã rất khó khăn, thì trong nhiều trường hợp mà mình bị đặt vào việc phải lựa chọn có vượt qua ranh giới hay không, mình không biết có còn sáng suốt được nữa hay không?

Mình cũng đã từng trải qua những lúc mà thấy người khác làm sai, làm chuyện có lỗi, và tự hỏi rằng nếu mình sống y chang họ, có khi đời sống mình sẽ thoải mái và không còn phiền muộn. Nhưng, chính vì câu hỏi đó, mà mình đã chọn không làm. Vì nếu như mình có thắc mắc và sự tự hỏi đó, thì tức là một phần nào đó trong mình không muốn mình cũng dẫm chân vào sai lầm của người khác. Và để có thể có được sự tự hỏi đó, mình tin lý do là vì mình đã trải qua một thời gian rất dài tiếp xúc với những người tử tế, đọc được những quyển sách hay và xem được những bộ phim đầy ý nghĩa. Như vậy, công sức mà mình bỏ ra để có thể lựa chọn “không xấu xa” là rất nhiều. Đồng thời, không phải chọn lựa xong là coi như bật công tắc nói không với sai trái. Mình vẫn sống và sinh hoạt chung với những nhiễu nhương mà mình không chấp nhận được kia, nên lắm lúc nó lại khơi gợi lên sự ghen tị trong mình. Sao mình phải giữ lằn ranh mong manh của sự đúng đắn mãi thế? Người ta vẫn sống vui vẻ nhởn nhơ với những tội lỗi của mình kia kìa, và người ta vẫn giương giương tự đắc kìa, công bằng nằm ở đâu? Rồi mình lại nhớ đến câu nói mà hồi xưa xửa hồi xưa một người Cô dạy Văn đã nói với lớp cấp hai của mình “Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Đó, vì sợ bản thân sẽ trở thành con người mà mình ghét, nên mình chọn không làm sai giống như nhiều người xung quanh mình đang làm. Mình biết rằng quá trình tiếp theo của mình chắc sẽ khó khăn, vì mình chưa thể nào bỏ ngoài tai hay nhắm mắt cho xong chuyện, nhưng khi nào còn giữ câu nói đó bên mình, thì dù có kiệt sức, mình vẫn tin rằng mình có thể giữ mình không xấu xa.

Nếu như bạn cũng đang chật vật lựa chọn cho mình con đường để đi, hay là lựa chọn lối sống để theo đuổi, mình chỉ mong bạn nhớ rằng cho dù có ngồi hạng thương gia, thì khi máy bay hạ cánh, tất cả chúng ta cũng sẽ phải xuống thôi. Đôi khi ngồi hạng thương gia lại phải suy tính nhiều đến mất ngủ ấy, cũng không sung sướng gì lắm đâu. Hoặc là bạn có thể nhớ đến chỗ này, đâu đó có thể rất gần bạn, có một con bé cũng đang chật vật mỗi ngày để đi theo sự chính nghĩa mà con bé tin tưởng, con bé ấy vẫn sống rất vui vẻ, và bạn biết là bạn không chỉ có một mình.

Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

Tags: No tags

3 Responses

Leave a Reply