Quyển sách này đến với mình rất tình cờ, sau khi đặt mua Cởi trói linh hồn, mình thấy những người đọc giới thiệu quyển này và nó nhận được rất nhiều nhận xét rất tích cực. Sau khi đọc qua đoạn giới thiệu trên trang web, mình quyết định mua ngay.
Tiêu đề phụ của sách là “Phương pháp bí truyền để đạt đến thịnh vượng, an khang và viên mãn”. Tựu trung, sách nhắc đến việc bản thân chúng ta có thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào xảy đến với mình, vì vấn đề chỉ là sự phản ánh nội tâm của ta mà thôi. Vậy nên tựa sách mới là Không giới hạn – Zero Limits.
Tiến sĩ Joe Vitale vô tình biết đến phương pháp này thông qua một người bạn, và hai người đã cùng tìm hiểu. Sau đó, ông có dịp làm quen với tiến sĩ Ihaleakala Hew Len – người đã dùng phương pháp này để chữa bệnh cho toàn bộ khoa bệnh tâm thần hình sự mà không hề thăm khám bất kỳ bệnh nhân nào.
Sau đó, Joe đã xin tìm gặp Hew Len để tìm hiểu về phương pháp này và sau đó thì quyển sách này ra đời.
Nội dung phương pháp này đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Vì cơ sở khoa học của phương pháp này là gì? Có ai kiểm chứng chưa? Có thật sự áp là áp dụng những điều được ghi trong sách sẽ thành công hay không?
Mình thì nghĩ rằng tất cả nằm ở niềm tin và nhu cầu của bạn lúc đó. Nếu bạn không thấy tin tưởng và nghĩ rằng đây là một loại tà giáo nào đó, bạn có thể chọn không đọc, không tiếp cận. Về phần mình, mình tin rằng mỗi cá nhân có thể làm chủ cuộc sống của mình, dù ít dù nhiều. Và vì mình muốn tìm hiểu những kiến thức mới, nên quyển này là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của mình ở thời điểm hiện tại.
Để đơn giản nhất có thể, mình sẽ trình bày các khái niệm, và những nội dung chính mà sách đề cập.
Ho’oponopono là một phương pháp thanh tẩy năng lượng ô nhiễm bên trong ta để tạo điều kiện cho những tư tưởng, ngôn từ, hành vi và hành động xuất phát từ siêu nhiên.
“Ho’oponopono nghĩa là “hiệu chỉnh” hoặc “chỉnh sửa lỗi”. Theo người Hawaii cổ xưa, lỗi phát sinh từ những tư tưởng bị suy nhiễm do ký ức đau khổ trong quá khứ. Ho’oponopono là phương cách để giải toả năng lượng của những tư tưởng hoặc lỗi lầm đau khổ này, yếu tố gây mất cân bằng và bệnh tật.”
Có một hình thức cải biên của Ho’oponopono, mang tên là Self I-Dentity Ho’oponopono, tức là chúng ta nhận 100 phần trăm trách nhiệm cho tất cả những gì xảy đến với cuộc đời của chúng ta.
Cụ thể, tiến sĩ có một phần tóm tắt như sau:
Tôi vận hành cuộc sống và các mối quan hệ của tôi theo những sự hiểu biết sau đây:
Vũ trụ vật chất này là một sự hiện thực hoá các tư tưởng của tôi.
Nếu các tư tưởng của tôi mục ruỗng, chúng sẽ tạo nên một tại vật chất mục ruỗng.
Nếu các tư tưởng của tôi hoàn mỹ, chúng sẽ tạo nên một thực tại tràn đầy tình thương.
Tôi chịu trách nhiệm 100 phần trăm về việc đã tạo ra vũ trụ vật chất của tôi như hiện tại.
Tôi chịu trách nhiệm 100 phần trăm về việc hiệu chỉnh những tư tưởng sai lạc dã tạo ra một thực tại bất ổn.
Không có gì ở bên ngoài cả. Mọi thứ đều tồn tại dưới dạng tư tưởng trong tâm trí tôi.
Một tư tưởng cốt lõi mà mình học được từ quyển sách này, đó là mọi vấn đề phát sinh đều là sự phản chiếu của bản thân ta.
Và nếu muốn những vấn đề bên ngoài thay đổi, ta phải thay đổi bản thân mình. Đừng đi giải quyết những việc bên ngoài mà quên đi việc ngồi lại với bản thân mình, để xem liệu còn những tổn thương nào bên trong cần được chữa lành.
Nếu như bản thân ta chưa hoàn mỹ, thì những tình huống bên ngoài sẽ còn xuất hiện để nhắc cho ta nhớ về vấn đề bên trong của bản thân.
Sách làm mình nhớ đến câu nói “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” mà mình có dịp được nghe cô Đàm Lê Đức chia sẻ trong hôm Lễ ra quân năm mình học khối 12.
Đó là ngày cuối cùng của tụi mình ở trung tâm bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng, trước khi ra về, tụi mình xuống sân để nghe chia sẻ của những thầy cô, của cô Đức và nghe tiếng trống xuất quân. Có thể với nhiều người, những buổi như thế này thật vô bổ và phí phạm thời gian.
Mình thì luôn trân trọng những dịp được nghe những người lớn dày dạn kinh nghiệm chia sẻ về vấn đề gì đó. Tan lễ, cô Đức còn đứng ở trước cổng trường, vẫy tay từng tốp học sinh ra về, để thay cho lời nhắn nhủ “Làm hết sức mình con nhé”.
Hôm đó, Cô có nhắc đến câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, có nghĩa là nếu có việc gì xảy ra, thì chúng ta nên trách bản thân trước, rồi sau đó mới được nghĩ do người khác. Nhưng Cô sửa lại thành “Tiên trách kỷ, hậu cũng trách kỷ”, và mình ấn tượng đến tận hôm nay, chắc cũng phải gần 10 năm rồi ấy chứ.
Những vấn đề, rắc rối xảy đến với cuộc đời, một phần cũng là lỗi do mình, nên trách nhiệm phải nằm ở bản thân mình chứ không phải là ai hết. Hiểu được như vậy, chúng ta mới có cách để giải quyết và sửa chữa.
Vì sửa mình thì dễ, chứ làm sao có thể sửa được người khác? Vậy mà rất nhiều người mang mong muốn này, lúc nào cũng là tại anh, tại cô, tại xã hội, tại những người xung quanh.
Những chương sau, tác giả trình bày về những buổi trao đổi mà ban đầu có tưởng như có rất ít người tham gia, khi đó thì Joe và Hew Len là hai người chia sẻ chính. Những người tham gia đã thu về nhiều kết quả tích cực trong cuộc sống khi thực hành những điều được hướng dẫn, tất cả chỉ xoay quanh tình thương mà thôi.
Những điểm mình không thích ở quyển sách này:
_ Một số chỗ tác giả trình bày hơi dài dòng, như kiểu lặp lại lời mình vừa nói trước đó. Phần này có thể tạm hiểu là do tác giả muốn nhắc lại nhằm khắc sâu hơn những điểm cốt lõi của phương pháp này.
_ Vì đây là phương pháp gây nhiều tranh cãi, nên có lẽ tác giả muốn đưa vào nhiều những trường hợp đã áp dụng và có thể thay đổi cuộc sống, nên mình thấy hơi ngộp.
Điểm hay ở sách nằm ở việc trước mỗi chương, tác giả lại đưa ra những câu trích dẫn. Chẳng hạn như
“Mỗi người đều lấy giới hạn tầm nhìn của chính mình làm giới hạn của thế giới”
Arthur Schopenhauer
“Ai nhìn ra ngoài thì mộng mị, ai nhìn vào trong thì tỉnh thức”
Carl Jung
Một vấn đề cũng được Joe đặt ra, đó là lúc trước, ông viết quyển Hệ số hấp dẫn và khuyên người ta nên kiểm soát cuộc sống của chính mình. Giờ đây, Joe biết rằng “đồng thuận với cuộc sống chính là một bí mật lớn lao để có được hạnh phúc, chứ không phải kiểm soát cuộc sống”. Vậy thì Joe có cần phải thu hồi tất cả quyển sách trước đây hay không?
Tiến sĩ Hew Len đã trả lời một câu rất hay
“Các cuốn sách của anh giống như những bậc thang bằng đá. Người ta ở vào những giai đoạn khác nhau trên đường đi. Sách của anh nói chuyện với họ ở vị trí của họ. Khi cuốn sách giúp họ trưởng thành, họ sẽ sẵn sàng cho cuốn tiếp theo.”
Đây cũng là cảm giác của chính mình khi đọc những quyển sách này. Nếu là mình của một năm về trước, chắc là mình sẽ không tìm đọc những nội dung thế này.
Cuộc sống của mình từ cuối năm ngoái có nhiều thay đổi tích cực, mình yêu đời hơn và kết nối với bản thân nhiều hơn. Từ thời điểm đó, những quyển sách như thế này đến với mình, và mình đón nhận nó trên hành trình của mình.
Mình sẽ không trích dẫn thêm nữa, vì sợ sẽ làm mất sự tò mò của mọi người. Nếu mọi người cũng đang trên những bậc thang giống mình, hãy tìm đọc quyển sách này nhé.
Đây là tập đầu tiên trong bộ 2 quyển của tác giả Joe Vitale về đề tài Ho’oponopono. Ngày mai, mình sẽ nói về quyển thứ hai.
Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được giống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.
Di.
Tập 2 của quyển sách này:
#5 Review Trở về không – Trải nghiệm Ho’oponopono – Joe Vitale
trời ạ, theo mình biết về Ho’oponopono thì nó chẳng có cái gì tâm linh với siêu nhiên với thanh tẩy gì cả. Với người bản địa Hawaii, về cơ bản nó là một phương pháp tiếp cận để giải quyết mâu thuẫn, hòa giải các mối bất hòa xã hội được họ sử dụng lâu nay rất có hiệu quả. Thực chất, nó là một phương pháp lập trình tư duy thôi. Mình không hiểu (thực ra là hiểu) tại sao người ta phải gán ghép cho nó quá nhiều ý nghĩa viễn tưởng cao xa nhưng không liên quan gì đến nguồn gốc ban đầu như thế.
Mình nghĩ do cách truyền đạt của sách với lại một vài hình thức Marketing để kinh doanh. Mình cũng thấy việc quay vào bên trong bản thân để giải quyết những vấn đề là hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Thế mà nhiều người lại bảo làm như thế là mê tín dị đoan, là theo tôn giáo này kia, tà đạo các thứ. Nên mỗi khi chia sẻ các thể loại sách như thế này đôi khi mình hay bị nói là truyền đạo. Nghĩ cũng lạ.
bạn nên cẩn thận với những loại sách như thế này, cũng như sách của Osho, Krisnamurti… Theo những gì mình biết và trải nghiệm của mình, nó là loại triết lý phù phiếm mượn những cái vỏ sang trọng. Như Osho, Krisna là cái vỏ Thiền đạo, Phật giáo nhưng nó diễn giải theo cách rất là sai lệch. Cái Hop’o pocolo này cũng thế. Cách để nhìn sâu vào trong chính mình và tìm được sự tĩnh lặng không phải là qua những khái niệm nghe leng keng, lóng lánh kiểu này. Mình không theo Phật giáo hay bất kì tôn giáo cụ thể nào, nhưng mình nghĩ bạn nên bắt đầu từ những thứ đơn giản, gần gũi và thực tế hơn, vì nó có thể kiểm chứng được, đừng tin vào bất kì cái gì phù phiếm như những thuật ngữ thần chú, pháp lực, siêu nhiên, mật truyền… Hầu hết nó đều vô giá trị. Quá trình đi vào bên trong là quá trình cởi bỏ, không phải trói buộc bản thân vào những khái niệm đó, không phải chất lên ba lô những công cụ, dụng cụ tưởng như có vẻ hữu dụng mà không phải là bản chất.
Mấy lời khó nghe, mong bạn không phiền.
Cảm ơn bạn nhiều nè. Thật ra mình không hề cảm thấy phiền vì bạn nói đúng như những gì mình nghĩ. Mình cũng mong mọi người chỉ cần sống đơn giản và biết yêu thương bản thân thôi, các bài review sách mình cũng đều nêu lên những quan điểm như vậy.
Một lần nữa cảm ơn bạn nhé. Hi vọng có dịp trao đổi thêm ở những bài viết sau.
[…] như quyển “Không giới hạn” mình giới thiệu hôm qua nói đến một số khái niệm của Ho’oponopono một […]