Nếu như muốn review tự truyện, thì mình chắc chắn phải nói về quyển Hồi ký Lý Quang Diệu (bao gồm 2 tập). Bộ sách đó theo mình là khá đồ sộ, và để tóm gọn vào vài câu review ở đây thì không thể nào nói được cho hoàn chỉnh.
Đắn đo mãi, mình nhớ đến quyển sách mà mình có dịp đọc vào năm 2017, trong chuyến đi trao đổi sinh viên ở Nhật. Và quyển sách này đã thay đổi nhiều suy nghĩ của mình về sự lãnh đạo cũng như cách làm việc và cách hành xử.
Vâng, mình đã đọc sách về một nhân vật tầm cỡ của Singapore khi ở Nhật, nhưng thôi đều là người châu Á với nhau cả.
Mà hồi năm 2017, sách chưa được tái bản lại nên mình không thể mua được, dù chỉ là sách cũ. Thế là mình phải đọc online trên chiếc điện thoại màn hình bé xíu. Đến năm 2018, mình mua được bản in lần thứ 10 này đây.
Đối thoại với Lý Quang Diệu là cuốn sách đầu tiên trong dự án Những người khổng lồ châu Á. Chuỗi sách dạng đối thoại này của Tom Plate làm mình rất ấn tượng. Bởi vì những nhân vật tham gia phỏng vấn cũng như những câu hỏi mà Tom Plate đặt ra.
Rõ ràng, để có thể ngồi trao đổi trong hai ngày với những nhân vật như Lý Quang Diệu, Tom Plate không thể là một tay lơ mơ. Những câu hỏi được ông đặt ra rất thẳng thắn, không hề tâng bốc cũng như không hề đi vòng vo.
Một đoạn trích nhỏ ở mặt sau của cuốn sách mà mình rất thích. Đây là những lời mà Lý Quang Diệu nói với Tom Plate trong buổi giải lao của ngày phỏng vấn thứ hai. Mà để nói ra những câu này Lý Quang Diệu cũng rất đắn đo:
Tom này, trong sách phải có sự phê phán, có chi tiết tiêu cực. Tôi biết, anh đừng lo cho tôi. Anh cứ viết về tôi đúng như những gì anh thấy. Đừng lo ngại về hậu quả. Anh hãy nói sự thật, anh thấy thế nào thì viết thế ấy. Đó là tất cả những gì tôi cần.
Còn đây là những dòng Tom viết trong sách để đáp lại lời yêu cầu đó:
Đây không phải là cuốn sách về người sáng lập ra nước Singapore hiện đại – một nhân vật gây nhiều tranh cãi – dưới góc nhìn của hầu hết giới báo chí phương Tây. Thực tế, cuốn sách này sẽ mô tả trung thực, đầy đủ về Lý Quang Diệu mà tôi biết. tôi hy vọng nó tạo được sức nặng về khía cạnh quan điểm và cảm xúc. Tôi biết nó ít nói về những “khiếm khuyết”. Tôi không rõ liệu Lý Quang Diệu có thất vọng không, nhưng tôi hết sức mong rằng bạn đọc sẽ không thất vọng.
Thất vọng làm sao được khi mà những câu hỏi của Tom đều được Lý Quang Diệu trả lời rất thẳng thắn, bao gồm cả những cách thức quản lý đất nước mà nhiều người cho là độc tài, để đem lại một Singapore như ngày hôm nay. Nhưng trên hết, tất cả những cách mà ông đáp dụng đều là vì đặt nhân dân lên hàng đầu.
Có một quan điểm của Lý Quang Diệu mà mình luôn áp dụng trong công việc của mình, nhất là khi làm việc với mọi người trong team:
Việc của nhà lãnh đạo như anh là phải tạo cảm hứng, phải khích lệ mọi người chứ không phải tâm sự những nỗi phiền muộn của anh. Như thế sẽ làm cho người dân mất hết tinh thần.
Một quan điểm nữa mà mình rất thích đó là việc ông tuyệt đối khinh thường một lãnh đạo nhà nước có nguy cơ mất chức vì vi phạm đạo đức với phụ nữ. Cách mà ông cư xử cũng như thái độ với phụ nữ trước công chúng rất rõ ràng. Chưa từng có một vụ bê bối nào liên quan đến ông. Đồng thời, ông cũng luôn chú trọng và tạo điều kiện cho phụ nữ được công bằng về cơ hội và thành tựu so với nam giới. Ông không đẩy phụ nữ lên làm lãnh đạo để có hình ảnh đẹp. Ông chỉ thật lòng mong muốn là những thế hệ sau của Singapore sẽ có ngày càng nhiều phụ nữ hơn làm lãnh đạo.
Đến ngày phỏng vấn thứ hai, khi được hỏi về việc người ta gọi mình là Tiểu Hitler của Đông Nam Á, ông cảm thấy thế nào? Lý Quang Diệu đã nói rằng:
Không. Chỉ là vớ vẩn thôi. Tại sao tôi lại phải bực mình? Anh biết đấy, khi một người phải dùng đến cách sỉ nhục người khác để nói lên ý kiến của mình thì người đó đã đuối lý. Đó là điều đầu tiên tôi học được khi làm nghề luật sư. Không bao giờ được hạ mình đi cãi vã to tiếng vì như vậy là anh đã đuối lý.
Một trong những người con của Lý Quang Diệu là Lý Vỹ Linh – một bác sĩ và là một người Singapore ngoan cường. Quyển sách Singapore của tôi – Câu chuyện của một phụ nữ Khách gia cũng là một tác phẩm mà mình khuyên mọi người nên đọc.
Đây là review ở Goodread của mình hồi tháng 8 năm 2017.
Đây là một quyển sách mà mình ước là mình đã được đọc sớm hơn, vì biết đâu nó đã giúp ích cho mình trong những năm tháng trước.
Cuộc phỏng vấn kéo dài 2 ngày làm cho mình thấy choáng ngợp trước tầm nhìn cũng như óc phân tích của Lý Quang Diệu. Mà sách lại không hề khó đọc, ngẫm nghĩ một tí sẽ thấy được lý do vì sao Singapore có thể phát triển như vậy.
Cuộc phỏng vấn hai người này còn có những suy nghĩ riêng của tác giả, được lồng ghép ngay tại từng thời điểm nên mình có cảm giác nó rất thật.
Và bên cạnh Lý Quang Diệu, mình còn được tìm hiểu thêm những sự kiện chính trị cũng như những con người có tầm ảnh hưởng đến cả một khu vực thậm chí là thế giới.
Dài dòng vậy thôi chứ tóm gọn lại là quyển này nên đọc, và phải đọc nếu bạn cũng có một khát khao to lớn nào đó.
Mình hi vọng cả nhà đã có thêm một lựa chọn nữa cho tủ sách của mình.
Mình mong rằng dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.
Di.
mình sẽ không bao giờ quên Lý Quang Diệu là người dành nhiều nhiệt huyết chu cấp hỗ trợ cả về phần xác và phần hồn cho quân Khmer Đỏ, là người nhiệt thành tán dương việc quân đội Trung Quốc tấn công Việt Nam từ biên giới phía Bắc, và nhiệt tình bưng bô cho Thủ tướng Chu Ân Lai. Nhìn chung, Lý thể hiện một bộ mặt con buôn người Hoa điển hình – hiểu theo nghĩa tiêu cực của danh xưng này.
Cảm ơn thông tin của bạn. Bàn về chuyện lịch sử sẽ có nhiều vấn đề khác nhau. Mình thì vẫn học ở ông những điểm tốt cho mình.