#20 Review Thuật nói chuyện hằng ngày – Quyển sách về cách ăn nói duyên dáng – Hoàng Xuân Việt

Cách đây hai năm, mình có một lớp học tiếng Hoa ở trung tâm SHZ kế bên Nhà sách Minh Khai. Thế là cứ mỗi chiều thứ Bảy và Chủ nhật, mình lại đi học sớm hơn 30 phút và về trễ hơn 30 phút để dành thời gian lượn lờ bên trong Nhà sách Minh Khai và Nhà sách Cá Chép.

Vô tình một ngày mình đọc thử quyển Thuật nói chuyện hằng ngày và mê nó luôn. 

Thuật nói chuyện hằng ngày là một trong những quyển sách của bác Hoàng Xuân Việt. Bác Việt trước đây từng là một học giả lớn, nghiên cứu về nhiều lĩnh vực xã hội. Bác từng đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng của Trường Nhân Xã Học Làm Người. Bác là một trong bốn học giả nổi bật của tủ sách “Học làm người” cùng Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Phạm Cao Tùng. Bác mất vào năm 2014.

nhacuadi thuat noi chuyen hang ngay

Thuộc dòng sách “Học làm người”, lại là người ở thế hệ trước nên điều không thể tránh khỏi là: văn phòng của bác dùng nhiều từ ngữ xưa, sẽ hơi phức tạp và khó hiểu cho độc giả. Một vài người bạn của mình đã bảo rằng tại sao sách lại phải dùng những từ ngữ cao siêu gây khó khăn cho người đọc như thế. Nhưng theo mình, vì sách đã được viết từ rất lâu, thêm vào đó, cách hành văn của một người cũng đã ăn sâu vào máu thịt. Huống hồ chi bác còn là một học giả, là nhà văn, nhà nghiên cứu nên việc dùng nhiều từ ngữ ở thời đó cũng là điều dễ hiểu. Mà những từ ngữ thời đó thì nay không còn dùng nữa trong giao tiếp hàng ngày rồi. Chẳng hạn như các từ “thày lay”, ý chỉ hành động xen vào việc của người khác hay “già hàm”, ý chỉ việc nói quá nhiều.

Riêng mình, mình thích cách viết của bác lắm. Bởi vì nhiều điều cần phải được học ngày nay thì chúng ta không được dạy. Sách bao gồm từng chủ đề nói về chuyện phải biết cách ăn nói thế nào khi giao tiếp với người khác để không làm mất đi thiện cảm của đối phương. Đây cũng là một cách tu tâm dưỡng tính, vì học kiến thức thì có thể dễ dàng nhưng học làm người thì phải học cả đời.

Bìa sau quyển sách có đoạn trích sau đây:

Người ta có thể căn cứ vào lời bạn nói, các bạn cười, cử chỉ, điệu bộ, thái độ của bạn, lúc tiếp chuyện để đánh giá con người bạn. Vậy, để gieo uy tín, thiện cảm, nhất định bạn phải biểu lộ nhân cách cao thượng của mình trong tất cả những phương thế phô diễn tâm tưởng ấy. Sự biểu lộ này rất hệ trọng cho danh giá, mà nhiều người chẳng để ý gì.

Một số người đọc đến những dòng sẽ cho rằng việc thay đổi cách giao tiếp sẽ trở nên giả tạo, không còn là con người thật của mình nữa. Vậy nếu như cách nói chuyện của chúng ta đa phần là xóc mỉa, châm chọc và khiêu khích người khác, thì chẳng khác nào chúng ta tự nhận mình là những người vô duyên và thích kiếm chuyện với người khác. Bạn mình đã nói một câu mà mình thấy rất hợp trong tình huống này “Lòng có đầy thì miệng mới nói ra”. Phải chăng luyện tập cách ăn nói sao cho nhã nhặn cũng là một cơ hội để chúng ta tu tâm dưỡng tính?

Một số bài viết rất hay trong sách với các tựa đề như là: Đừng làm người ta ngượng, Đừng làm thầy đời, Đừng “bổn cũ soạn lại”, Đừng cướp lời, v.v

Trước mỗi bài viết sẽ có một câu danh ngôn hoặc trích dẫn phù hợp, chẳng hạn như ở bài viết Đừng có giọng “thầy đời”, bác đã trích câu “Người đức càng cao, tài càng rộng, thì lời nói càng khiêm tốn” của Manwater. Mình đọc đến đây đã mắt chữ O mồm chữ A rồi.

Cách viết của bác là như sau: Bác sẽ trích dẫn một vài câu nói của người xưa, một ví dụ trong lịch sử hoặc là một câu chuyện của người bạn, anh hàng xóm để làm tình huống cho bài viết. Sau đó bác sẽ phân tích tâm lý cũng như cách hành xử của những người trong cuộc. Đoạn cuối cùng, bác thường hay nói rằng chúng tôi biết bạn không phải là một người hồ đồ như thế. Nhưng mà trong đời, biết đâu bạn sẽ rơi vào tình huống như vậy. Dẫn dắt đến đó xong thì bác sẽ khuyên chúng ta nên làm gì.

Sách này phù hợp với những ai muốn cải thiện khả năng ăn nói, cũng như một hình thức nhắc nhở chúng ta đừng mắc phải những lỗi như sách đã đề cập khi giao tiếp với người khác.

Nhược điểm của sách là lối viết cũ, sẽ làm cho nhiều bạn cảm thấy sách này lỗi thời rồi. Văn phong cũng không gần gũi với cách nói chuyện ngày nay và một số từ ngữ không còn được dùng nữa. Chính vì vậy đây chính là rào cản cho người đọc. Nhưng nếu ngôn ngữ với bạn không phải là vấn đề thì quyển này rất nên đọc.

Ngoài Thuật nói chuyện hằng ngày, mình còn đọc thêm hai quyển nữa là Nên thân với đời Đầu tư tương lai. Đây cũng là hai tác phẩm khá hay nói về việc sắp xếp cuộc sống, nhưng một lần nữa cũng là văn phong kiểu cũ, sẽ hơi kén độc giả.

Riêng mình thì mình rất quý những quyển sách như thế này, vì những bài học làm người chưa bao giờ là cũ, là không cần phải học cả. Nếu như câu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã quá quen thuộc nhưng chúng ta không biết nó đúng trong trường hợp này, thì đây chính là lúc như vậy.

Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

Leave a Reply