nhacuadi-khong-so-cham-chi-so-dung-van-tinh

#22 Review Không sợ chậm chỉ sợ dừng – Quyển sách mới nhất của tác giả Vãn Tình

Không sợ chậm chỉ sợ dừng là tác phẩm mới nhất của nhà văn Vãn Tình. Nhắc đến tác giả Vãn Tình, chắc hẳn mọi người đã có nghe đến tên quyển sách “Bạn đắt giá bao nhiêu” hoặc là quyển “Khí chất bao nhiêu hạnh phúc bấy nhiêu”.

Đã có một thời gian tên của hai quyển sách này được sử dụng rất nhiều để làm tên bài viết của rất nhiều nội dung. Thậm chí, một vài chiến dịch (campaign) sử dụng tên quyển sách làm tên của chiến dịch, với mục đích kêu gọi mọi người yêu thương bản thân nhiều hơn.

Mình đọc sách của chị Vãn Tình lần đầu tiên vào cuối năm 2018 và đã rất ấn tượng với những câu chuyện của chị.

nhacuadi-khong-so-cham-chi-so-dung-van-tinh
Trích dẫn trong quyển đầu tiên mình biết tác giả Vãn Tình

Cách viết của chị không mới, thậm chí là đã có rất nhiều quyển sách theo chủ đề này.

Điểm hay ở sách là những ví dụ mà chị sử dụng.

Thoạt tiên, nhiều người sẽ nghĩ sách dành cho phái nữ, vì từ bìa sách đến phần giới thiệu, thậm chí cả những câu chuyện trong sách cũng là những ví dụ của những nhân vật nữ. 

Nhưng đi sâu vào nội dung, mình nhận ra rằng những câu chuyện của chị áp dụng cho tất cả mọi người.

Vì nó nói về cách cư xử, cách làm việc kỷ luật, cách sống cho tử tế, cách hài lòng với những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Nếu chỉ có phái nữ mới cần trui rèn bản thân thì mình thấy thật không đúng.

nhacuadi-khong-so-cham-chi-so-dung-van-tinh

Vì sao mình muốn nói về quyển sách mới Không sợ chậm chỉ sợ dừng?

Thứ nhất là vì quyển này mới ra, tức là những ví dụ gần gũi nhất với đời sống của tác giả ở thời điểm hiện tại.

Nếu theo dõi tất cả những tác phẩm của nhà văn, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra được sự thay đổi trong phong cách cũng như quan điểm theo thời gian của họ.

Đây cũng chính là điều mà mình thấy hào hứng nhất. Và sự thay đổi của chị Vãn Tình trong quyển Không sợ chậm chỉ sợ dừng này rất rõ rệt.

Thứ hai, mình thấy sau một khoảng thời gian, thị trường Việt Nam cũng đã xuất bản thêm 4 quyển nữa của chị Vãn Tình, như là: Không tự khinh bỉ không tự phí hoài, Lấy tình thâm mà đổi đầu bạc, Không sợ chậm chỉ sợ dừng và một quyển tiểu thuyết tên là Rất thích, rất thích em.

Tuy nhiên, có vẻ độc giả chưa biết đến những tác phẩm này, trừ khi họ đã theo dõi và yêu thích chị Vãn Tình.

Nên mình muốn mọi người có thêm lựa chọn trước khi bắt đầu đọc sách của chị.

Điểm đặc biệt trong tác phẩm mới nhất của Vãn Tình

Không sợ chậm chỉ sợ dừng có cấu trúc tương tự như những quyển sách trước.

Sách sẽ bao gồm các bài viết về những chủ đề quen thuộc trong đời sống, bắt đầu bằng những ví dụ của những người bạn, hoặc là của tác giả.

Sau đó, tác giả bắt đầu phân tích cách xử lý của nhân vật chính trong câu chuyện. Cuối cùng là những quan điểm, những câu nói chỉ dẫn hoặc truyền động lực từ kinh nghiệm sống của chị.

Điểm hay ở sách nằm ở việc tác giả Vãn Tình là một người nói được làm được.

Muốn có được thành quả không có cách nào khác ngoài việc phải cố gắng, cố gắng hết mình.

Nhà văn Vãn Tình luôn cho mình một nguồn năng lượng tích cực, từng bước tiến về phía trước.

Chị cũng nhấn mạnh sự khác nhau của người với người chỉ nằm ở khả năng tự kiềm chế và kiên nhẫn với mục tiêu đã đặt ra.

Bài viết cuối cùng của sách mang tên “Càng kỷ luật càng tự do” là bài viết mà mình thích nhất.

Nó nhắc đến mối quan hệ của chị với ba mẹ, là những người mà chị đã từng rất thất vọng khi còn nhỏ đến khi trưởng thành.

Ba mẹ chị rất mê mạt chược và không dành nhiều thời gian để chăm lo và yêu thương chị, nên chị đã phải tự mình lo lắng cho tương lai.

Chính vì vậy, sau này, mẹ chị đã hỏi rằng “Ngày nào con cũng vất vả như vậy sao?”.

Hiểu được sự vất vả cũng như lối sống nề nếp của chị thì ba mẹ đã thay đổi và ngày càng trở nên tích cực hơn.

Đây cũng chính là điều chị mong mỏi nhất. Dù đã thử nhiều cách như bỏ học, bỏ ăn hay khuyên nhủ nhẹ nhàng nhưng ba mẹ vẫn không thay đổi.

Rõ ràng chúng ta không thể ép ai đó sống khác đi nếu như chính họ không muốn.

Thế là chị chuyển trọng tâm vào bản thân mình. Đây cũng là thông điệp xuyên suốt của quyển Biết từ chối chẳng lo thua thiệt.

Ngày ngày làm cho bản thân tốt hơn, trở thành một nguồn năng lượng tích cực để khơi gợi mong muốn thay đổi sâu bên trong của người khác. Và mọi chuyện dần tốt đẹp hơn.

Thay đổi những điều mình có thể thay đổi và chấp nhận những điều mình không thể thay đổi, đó cũng là một loại tri thức. Điều khiến bạn luôn phải bận tâm, nhưng nhất thời chưa thể nghĩ ra cách giải quyết, vậy chi bằng hãy tạm gác nó lại rồi tìm cách khác.

Nhìn lại các tác phẩm của nhà văn Vãn Tình

Vì đã trải qua nhiều thăng trầm, từ chuyện viết lách đến chuyện thương trường, nên những câu chuyện trong sách khác hẳn những quyển đầu tiên.

Ở hai quyển đầu, chị sẽ nhắc nhiều đến chuyện mới ra trường, chuyện hai vợ chồng đã bắt đầu cuộc sống hôn nhân thế nào, chuyện viết lách từ những ngày đầu, xuất bản cuốn sách đầu tiên, mở cửa hàng đá quý và đi lấy hàng có những khó khăn nào.

Ở quyển thứ ba, chị sẽ nhắc nhiều đến công việc kinh doanh của mình, chuyện làm ăn, chuyện thương trường.

Trong quyển Lấy tinh thâm mà đổi đầu bạc, quyển thứ tư, chị nhắc nhiều đến chuyện gia đình, vợ chồng chị và những người xung quanh. Đây là quyển mà chị tiết lộ nhiều về cuộc sống của chị và A Ngạn, chồng chị.

Quyển gần nhất này thì nói nhiều đến cuộc sống sau khi công việc viết lách và kinh doanh đã ổn định, đến việc gia đình họ hàng chị đã thay đổi ra sao khi chị thành công hơn.

Lúc này, mình có cảm nhận rằng chị đã trở thành một người phụ nữ độc lập cả trong suy nghĩ, trong đời sống, trong tài chính và trong những sự ràng buộc với bản thân mình.

Quyển sách này như một sự cập nhật đời sống của Vãn Tình với độc giả. Mình nghĩ đây là quyển nên đọc nhất nếu như bạn mới biết tác giả này.

Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Nhà của Di.

PS: Nếu mọi người làm việc ở nhà thấy chán, muốn có người làm việc hay đọc sách cùng thì có thể tham khảo Youtube của mình nhe

https://www.youtube.com/c/nhacuadi

Leave a Reply