Mình tự hỏi mình có quan tâm bản thân đủ chưa? Khi đặt tay lên bàn phím để viết những dòng này, mình đang trải qua quá trình nhìn nhận lại tất cả những vấn đề đã xảy ra với mình, để tìm hiểu nguyên nhân cho những hành động và quan trọng hơn hết là những cảm xúc lúc đó của bản thân.
Và mình nhận ra một điều là mình đã cư xử theo một lập trình cũ từ bé đến lớn. Lập trình này đã âm thầm chi phối cách mình phản ứng lại với những việc xảy ra mà mình không nhận ra. Vậy lập trình là gì?
Lập trình giống như những pattern, những mẫu có sẵn, đã đến từ những niềm tin sai lệch khi chúng ta còn bé.
Một ví dụ dễ hiểu mà mình thấy trong phim Trường Luật – Law School nằm ở những tập cuối. Cô sinh viên Kang Sol B đã có buổi trị liệu tâm lý cùng với ba mẹ và bác sĩ.
Buổi trị liệu đó chỉ đơn giản là những sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Người mẹ không cho con mình ăn bánh ngọt một cách gay gắt vì sợ cô sẽ dễ buồn ngủ, không thể thi tốt. Dù muốn ăn nhưng cô chỉ nói rằng “Con sẽ thi đỗ mà” và giật lại đĩa bánh ngọt.
Bác sĩ đã chỉ ra 2 điểm: một là việc tại sao đến giờ người mẹ vẫn muốn can thiệp vào cuộc sống của con, và hai là việc vì sao Kang Sol B không nói mình muốn ăn bánh ngọt mà lại đưa ra một điều kiện. Phải thi đỗ thì cô mới được ăn bánh ngọt hay sao?
Chỉ với một cảnh quay ngắn thôi mà mình như nhận ra nhiều điều. Chúng ta luôn luôn có những hành động và lời nói không nhất quán với tâm trí và tiếng nói bên trong của mình. Và không phải ai cũng muốn nhìn ra những điều đó.
Nếu bạn không tin, thì hãy dành 5 phút để ngẫm nghĩ lại những lần bạn không nói thật suy nghĩ trong lòng mình xem. Hoặc có những lần nào bạn làm một điều gì đó trong bực dọc, khó chịu mà vẫn chưa hiểu vì sao không? Hoặc có những lúc nào mà bạn thấy buồn vô cớ, như thể không có điều gì làm mình vui được, hay nếu vui thì cũng chỉ trong chốc lát rồi mọi việc lại quay về như cũ không?
Mình nghĩ đây cũng là lý do mà những chương trình giải trí hay trò chơi điện tử ngày nay rất đa dạng. Vì những món đó sẽ làm cho bạn cảm thấy vui và giết thời gian, để bạn không phải trải nghiệm cảm giác khó chịu lâu hơn nữa.
Nhưng đó có phải là trốn tránh không? Cứ lúc nào thấy chán, thấy buồn, chúng ta lại mở tivi, mở điện thoại để lướt cái này cái kia, rồi chúng ta lại cười, đến khuya rồi lại đi ngủ.
Còn những cảm xúc khó chịu kia phải dằn lại mà nén xuống và chưa một lần được ôm ấp hay hỏi han.
Các bà mẹ hay làm gì nhất khi chăm em bé? Đó là bồng đứa trẻ lên và ôm ấp nó khi nó khóc trước khi biết nguyên nhân là gì. Chính vì trải qua sự khó chịu nhất định nào đó nên em bé mới khóc, và điều em bé cần là sự quan tâm, chứ không phải là quăng cho cái điện thoại và rồi kêu “Nín đi”, vì điều đó không hiệu quả.
Còn chúng ta làm gì với bản thân mình? Mỗi khi cơ thể mỏi mệt, khó chịu và muốn được khóc để bày tỏ sự khó chịu đó, chúng ta cho rằng đó là sự yếu đuối. Và chúng ta ném bản thân vào điện thoại, vào những chiếc màn hình mà không quan tâm xem mình thật sự có vấn đề gì. Lập trình chính là những lúc mình không dừng lại để hiểu mình như thế đó.
Quan tâm mình và hiểu mình là những điều rất quan trọng với bất kỳ ai. Khi hiểu rồi, chúng ta mới có những cách cư xử cho phù hợp và từ đó không đè nén hay dằn vặt bản thân mình.
“Người vì vài lần đau đớn bắt lòng mình lặng im” – bài viết cũ của mình cũng từng nói về vấn đề gần giống với hôm nay. Lúc đó mình còn hơi mơ hồ về việc hiểu bản thân, nhưng nay mình quyết đi tìm cho được những niềm tin sai lệch của bản thân và nuôi dưỡng lại những điều tốt đẹp bên trong bản thân mình.
Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.
Di.