nhacuadi-dam-bi-ghet-quotes

#8 Dám bị ghét – Koga Fumitake và Kishimi Ichiro – Thế giới cực kỳ đơn giản và ai cũng có thể hạnh phúc

TĐCNTH&MCSVC là viết tắt của Tớ đọc cái này thấy hay và muốn chia sẻ với cậu. Một quyển sách mà mình đọc lại dịp gần đây là Dám bị ghét của tác giả người Nhật, Koga Fumitake và Kishimi Ichiro.

Ichiro là nhà triết học, còn Fumitake là người viết tự do.

Anh đã dựa trên những cuộc đàm đạo với ông Ichiro mà cho ra đời hai tác phẩm là Dám bị ghét và Dám hạnh phúc.

Đừng nghĩa là Triết học thì sẽ khô khan và nhàm chán. Vì chủ trương của Triết học Alder là về Tâm lý con người, nên những quan điểm của ông gần như là những điều đời thường và dễ tiếp cận.

Cuốn sách này tóm tắt tư tưởng của Alfred Adler (tâm lý học Adler), người được mệnh danh là một trong “ba người khổng lồ của tâm lý học”, sánh ngang với Fred và Jung, qua hình thức câu chuyện “cuộc đối thoại giữa Chàng thanh niên và Triết gia”.

Một chút trích dẫn hay từ chương đầu tiên:

Con người có thể thay đổi, thế giới cực kỳ đơn giản và ai cũng có thể hạnh phúc.

Đó không phải bản thân thế giới phức tạp, mà là cậu đang thấy thế giới phức tạp.

Nếu chỉ chú ý đến nguyên nhân trong quá khứ, giải thích sự việc bằng nguyên nhân, vậy thì sẽ rơi vào quyết định luận.

Nghĩa là cho rằng hiện tại rồi cả tương lai của chúng ta đều đã được quyết định bởi những sự kiện trong quá khứ, không thể thay đổi được.

Trích dẫn rất hay trong Dám bị ghét

Chương này có bàn luận về việc con người khi muốn hợp thức hoá một dạng hành động nào đó của bản thân, sẽ lấy quá khứ làm nguyên nhân.

Chỗ này làm mình có một chút so sánh về việc trong các phương pháp trị liệu tâm lý. Người ta cần nhớ về các ký ức quá khứ để chữa lành.

Vậy hai quan điểm này có mâu thuẫn với nhau không? Theo mình, hai quan điểm này hoàn toàn không mâu thuẫn nhau.

Quan điểm đầu tiên là những người người nhầm lẫn quá khứ và hiện tại.

Họ sống trong những suy nghĩ và tác động của quá khứ, rồi lấy đó làm lý do cho việc bỏ bê và quên mất hiện tại. Họ chìm sâu vào vết thương chưa khép miệng đó để trốn tránh thực tại.

Quan điểm thứ hai là dành cho những người có vết thương sâu nhưng đã bỏ mặc và phủ nhận mình từng có quá khứ đau buồn.

Điều đó làm họ hay có cảm giác trống rỗng và tìm quên bằng nhiều phương pháp khác. Họ cần hiểu những tổn thương quá khứ, để chấp nhận và tha thứ cho bản thân mình. Từ đó, họ sẽ sống an vui hơn.

Quá khứ không xấu. Chỉ là chúng ta dùng quá khứ vào mục đích gì thôi.

Hôm nay đến đây thôi. Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

2 Responses

Leave a Reply