Thử thách viết 14 ngày – Ngày 8 – Viết về chủ đề “sống hạnh phúc”

Ngày 8 – Viết 1500 chữ về chủ đề “sống hạnh phúc”.

Sáng giờ mình ngồi loay hoay mãi mà chưa biết rõ định nghĩa sống hạnh phúc với mình là như thế nào thì vô tình đọc được một bài viết trên Facebook với tựa đề “Huỷ hoại một đứa trẻ có thể đơn giản như thế nào?”

Câu chuyện của hạnh phúc

Bài viết đó có thể tóm tắt lại như thế này.

Một bạn nhỏ đã xếp 1000 ngôi sao cho người ông đang nằm viện vì em nghe nói như vậy sẽ được đổi một điều ước: ông bà và bố mẹ luôn khoẻ mạnh.

Em mang nó về quê, nhưng chưa đưa được cho ông thì một người em họ nằng nặc đòi lấy.

Người bố đã quát lên kêu em phải nhường đi, chỉ là đồ chơi thôi mà.

Thế là em nhìn thấy người em họ lên tầng cao rải hết 1000 ngôi sao xuống nhà, trong đó có cả ngôi sao mà em ghi điều ước.

Em tìm ngôi sao có điều ước khắp nơi, tìm đến khi trễ giờ cơm trưa, bị người bố quát rằng tại sao không ngoan ngoãn được như con nhà người ta, đến giờ cơm mà còn không chịu vào ăn.

Bạn nhỏ lớn lên với tổn thương lúc bé đó đã ra sức bảo vệ những người em họ sau này.

Những người lớn trong nhà không thể nào hiểu được vì sao một thanh niên như cậu lại ra sức lấy lại món đồ chơi cho một đứa trẻ như thế.

Vì ngày xưa, khi ông bà từ bệnh viện về nhà, đã gom hết tất cả ngôi sao bạn nhỏ gấp, cả những ngôi sao rớt xuống bể cá, ướt mèm và lấp lem bùn đất cất vào trong ngăn tủ đầu giường.

Ông bà đã trở thành anh hùng của bạn nhỏ đó, cho bạn niềm tin rằng những gì bạn làm đều quý giá.

nhacuadi-song-hanh-phuc

Câu chuyện này đã tác động đến mình rất nhiều, và mình khóc như mưa.

Phần vì chưa từng có người ông hay ai đó làm anh hùng của mình khi mình còn nhỏ, phần vì mình giận cách cư xử của người lớn trong câu chuyện kia.

Mình gửi câu chuyện này cho một vài người bạn, trong đó có một hồi đáp làm mình suy nghĩ “Chắc hồi nhỏ ai cũng trải qua điều tương tự, nhưng rồi sau này lại bắt con cái mình trải qua những điều đó”.

Câu nói này vô tình lại giống như những gì câu chuyện kia muốn truyền tải: người lớn từ thế hệ này đến thế hệ khác cùng nhau lăn bánh xe trong vô thức để gây tổn thương cho con trẻ.

Vì chính họ cũng từng trải qua những chuyện như vậy nên không biết có cách hành xử nào khác hơn.

Và thế hệ tiếp nối thế hệ, họ làm tổn thương tâm hồn mong manh của con trẻ mà không hay biết.

Phía dưới bài viết đó, có một bình luận mà mình rất đồng cảm.

Bạn kể rằng lúc nhỏ bạn hay chơi bài Yugi-Oh.

Bạn đã sưu tầm rất vất vả để có được bộ sưu tập đó.

Đến khi có em họ sang chơi thì mẹ của bạn lấy bộ bài đưa cho em, và người em họ đó đã mang luôn về nhà.

Sau đó, mẹ bạn đưa cho bạn 10 nghìn và kêu là cầm tiền đi, coi như trả tiền cho đống giấy lộn đó.

Nhưng mà bác ơi, đống giấy lộn mà bác nói đó là báu vật đối với một đứa trẻ, mà 10 nghìn của bác không thể nào có thể đổi lại được.

Và cả sự thất vọng của đứa nhỏ khi biết mẹ mình chính là người đã cư xử như vậy, thay vì bảo vệ báu vật của nó, mẹ mình đem cho như thể báu vật đó là một mớ giấy lộn cần vứt đi.

Kể đến đây thì mình hiểu ra được định nghĩa “sống hạnh phúc” với mình, và mình tin là với nhiều người trong chúng ta, rất đơn giản.

Sống hạnh phúc có nghĩa là sống tự do, dù là một đứa trẻ hay là một người trưởng thành.

Hạnh phúc là tự do

Một đứa trẻ cần gì nhỉ?

Lúc còn đỏ hỏn, chắc chắn là cần sự chăm sóc và bảo vệ từ cha mẹ và người thân.

Vì khi đó ta không tự làm được việc này.

Ta cần được nuôi dưỡng trong một khoảng thời gian để trở nên cứng cáp hơn.

Trong giai đoạn này, ta làm đủ cách để thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh, từ khóc toáng lên đến quậy phá khắp nơi.

Vì đó là cách giao tiếp trước khi ta biết đến ngôn ngữ.

Ta xác nhận sự tồn tại của bản thân và xác nhận sự an toàn của môi trường xung quanh thông qua cách cư xử của cha mẹ.

Bởi vậy mới nói, nếu như từ lúc còn ở trong bụng mẹ, đứa trẻ cảm nhận được rằng mình không được chào đón thì sẽ dễ dẫn đến những ảnh hưởng tâm lý sau này.

Lớn hơn một chút, ta khám phá thế giới xung quanh và bắt đầu có nhận thức.

Lúc này, ta cần được tiếp xúc với tất cả những thứ trong tầm ngắm, miễn là nó không quá nguy hiểm.

Ta không cần được chăm bẵm quá mức như một con búp bê trong lồng kính.

Ta cần được trải nghiệm, và được hỗ trợ để có thể trải nghiệm một cách đúng đắn.

Ta cảm nhận được tình thương của cha mẹ, và ta sẵn lòng đáp lại tình thương đó, nhưng phải được diễn ra một cách tự nguyện.

Không phải bắt đầu bằng câu chuyện người mẹ suốt ngày nói vào tai con mình rằng “Vì mẹ đã vất vả sinh con ra và chăm sóc cho con, nên con phải yêu thương mẹ”.

Không, theo mình thì điều này không đúng.

Việc sinh con là lựa chọn của cha mẹ, việc thương con là lựa chọn của cha mẹ, và khi con cảm nhận được đủ đầy tình thương đó, tự khắc con cũng sẽ thương yêu cha mẹ.

Từ khi nào ta lại nhân danh cha mẹ để tước đi quyền tự do của con trẻ như thế?

Lớn hơn một chút nữa, khi đã bắt đầu đi học và tiếp xúc với môi trường rộng hơn, ta cần có quyền tự do lựa chọn những gì chúng ta thích và không thích.

Nhiệm vụ của cha mẹ là hướng dẫn, định hướng và cho lời khuyên, còn quyết định là nằm ở con trẻ.

Làm sao con trẻ sống hạnh phúc được khi mong muốn của đứa trẻ là trở thành doanh nhân trong khi cha mẹ nằng nặc muốn con mình phải là bác sĩ nối nghiệp gia đình?

Làm sao con trẻ sống hạnh phúc được khi cha mẹ hết lần này đến lần khác tước đi quyền tự do của đứa trẻ này để chiều lòng một đứa trẻ khác, một anh chị em nào đó chẳng hạn?

Làm sao cha mẹ có thể yêu cầu con mình phụng dưỡng và hiếu thảo với mình trong khi mình liên tục phớt lờ những cảm xúc của con trẻ?

Người trưởng thành, những ông bố bà mẹ, thật ra cũng giống như những đứa trẻ.

Vì họ từng trải qua những chuyện đau lòng như vậy, nên trong bộ nhớ của họ không có cách cư xử nào khác hơn.

Họ cũng từng là nạn nhân của những câu chuyện bất công như thế, nên đây là cách phản ứng duy nhất mà họ biết.

Chỉ khi nào họ gặp một tình huống bất ngờ, như trường hợp anh thanh niên kia ra sức phản đối và lấy lại món đồ chơi cho em họ mình, họ mới có dịp nhìn nhận lại cách hành xử của mình.

Mình nghĩ rằng họ sẽ suy nghĩ rất nhiều, vì họ cũng từng mong rằng giá như ngày xưa có ai đó đứng ra bảo vệ mình như vậy.

Cách duy nhất để không lăn theo bánh xe này của người lớn là nói ra những chuyện bất công và cảm nhận thật sự của chính mình.

Cách duy nhất để không bị người khác làm tổn thương là nói với họ mình đang bị họ làm tổn thương.

Phim ảnh tặng bài học về hạnh phúc

Một người bạn giới thiệu cho mình xem phim Reply 1988 của Hàn Quốc.

Nhưng mình là một người dễ buồn ngủ khi xem phim có phụ đề, nên chỉ mới xem được vài tập.

Có một phân cảnh nhân vật Deok-sun phải tổ chức sinh nhật cùng với người chị, xưa đến nay cả hai chị em chỉ có một cái bánh kem vì bố mẹ muốn tiết kiệm.

Thế là Deok-sun nói rằng mình muốn có bánh kem riêng, còn người chị thì muốn mua một cặp kính cận đắt tiền, dù mới được thay kính cách đây không lâu.

Đến hôm sinh nhật, chỉ có một cái bánh kem, và bố mẹ đã đổi kính cho chị.

Deok-sun đã thể hiện sự bất bình của mình ra ngoài, làm cho cả gia đình không hiểu được vì sao chỉ có một cái bánh kem mà phải ầm ĩ lên như thế.

Deok-sun đã nói là “Con là dạng người có thể tuỳ tiện đối đãi thế nào cũng không có vấn đề gì hay sao?” cùng một loạt những câu hỏi khác, về những lần mà Deok-sun bị gạt ra khỏi sự quan tâm của bố mẹ.

Nhưng mà mọi người biết không, cái bánh kem hay cái trứng ốp la mà Deok-sun nhắc đến chỉ là một ẩn dụ cho tình thương thôi.

Deok-sun đâu có muốn cái bánh kem. Deok-sun muốn được cảm nhận tình thương và sự quan tâm của bố mẹ.

Thế là sau đó có một phân cảnh, người bố đã chờ Deok-sun về để đưa cho Deok-sun cái bánh kem.

Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như sau đó, bố Deok-sun không nói thế này “Bố mẹ có lỗi với con. Là vì không biết…Bố cũng không phải vừa sinh ra đã làm bố. Bố cũng là lần đầu tiên làm bố nên là con gái à, hãy lượng thứ cho bố nhé”.

Chính câu nói này đã chữa lành được tổn thương trong lòng của đứa trẻ mang tên Deok-sun và trong lòng của những đứa trẻ có cùng tổn thương khi xem đến đoạn này, trong đó có mình.

Từ hồi 5 tuổi, mình không còn có bánh kem trong dịp sinh nhật, ngày hôm đó cũng không có chuyện gì đặc biệt xảy ra.

Mãi cho đến tận năm 3 đại học, một người bạn của mình vô tình biết được câu chuyện này, đã mua cho mình một cái bánh kem nhỏ.

Và một người bạn khác đã vẽ cho mình cái bánh kem, với đốm lửa giấy trên từng cái nến, để mình thổi thì sẽ bay đi giống như hiệu ứng tắt nến.

Từ đó đến nay, cũng phải hơn 5 năm rồi, người bạn của mình vẫn luôn mừng sinh nhật với mình bằng bánh kem, để cho đứa trẻ là mình đây cảm nhận được tình yêu thương.

nhacuadi-song-hanh-phuc
Nguồn: Geegemic

Phải nói ra tâm tư trong lòng mình, với những người mình yêu thương, thì tổn thương đó mới lành lặn được.

Xin đừng bỏ rơi cảm xúc của bản thân, vì muốn được hạnh phúc, phải được tự do là chính con người mình.

Và nếu như có thể, hãy là anh hùng của một ai đó, một đứa trẻ con hay một người bạn.

Nếu như có thể, hãy đứng ra ngoài vòng quay của bánh xe gây ra tổn thương đó, thiếu sức người, bánh xe đó sẽ không quay mãi đâu.

Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Tái bút: Lúc đầu mình cũng không biết có viết được 1500 chữ để nói về hạnh phúc hay không. Nhưng bài viết này dài 2000 chữ hơn. Nên là chuyện gì cũng có thể cả, miễn là viết từ trái tim thì sẽ chạm đến trái tim. Mình mong rằng sẽ lan toả được thông điệp sống hạnh phúc này đến với mọi người.

Nhà của Di.

Ngày hôm qua, mình cũng đã có bài viết 1000 chữ về chủ để anh hùng, mọi người có thể đọc ở đây.

One Response

Leave a Reply