Thử thách 14 NGÀY VIẾT GÌ ĐÓ ngày 11 là viết 2000 chữ về chủ đề “tiếng Việt”.
Mình là một người làm Khoa học nhưng bén duyên với Ngôn ngữ từ hồi còn đi học cấp 2, cấp 3 và say mê các tác phẩm văn học. Hồi đó, mình mê mẩn truyện Chiếc lược ngà, Bến quê, Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt, và Những ngày thơ ấu. Có lần mình đã khóc nức nở khi nghe Thầy mình giảng về chi tiết “bé Thu hất cái trứng cái vàng ươm mà ông Sáu cố tình gắp vào chén cho nó”.
Dẫu yêu thích nhưng chủ đề tiếng Việt với mình có vẻ khá là hàn lâm. Thế nên mình quyết định sẽ viết những suy nghĩ của mình về việc sử dụng tiếng Việt. Bài viết này sẽ không có mở đầu cũng không có kết thúc. Mọi người đọc từ đoạn nào cũng được và hoan hỉ tiếp nhận ý kiến của mình nha.
Contents
Những tác phẩm văn học hay
Tiếng Việt với mình luôn rất giàu và đẹp, không biết mình có nói quá lên không. Mỗi khi đọc những tác phẩm văn học hay, mình có cảm giác tâm hồn mình trong lành hơn nhiều.
Thế mà dạo gần đây, dường như người ta không còn chú trọng đến tính văn chương trong tác phẩm nữa. Tính văn chương, theo mình, chính là cảm giác mà tác phẩm đó chạm đến từng ngóc ngách của trái tim mình, làm cho mình thấy cuộc sống này tốt đẹp hơn. Nhưng ngày nay, người ta làm gì với các tác phẩm văn học?
Mỗi khi xuất hiện một tác phẩm mới, người ta sẽ liền lập tức xem xét về tính phù hợp của văn bản, tính nhân đạo cũng như lĩnh vực xã hội – chính trị. Người ta lo sợ tác phẩm sẽ mang tinh thần phi đạo đức, không phù hợp với thuần phong mỹ tục hoặc một số đối tượng nào đó. Người ta dạy con trẻ phân tích tính hiện thực của tác phẩm, chúng gắn liền với giai đoạn lịch sử nào, có những thủ pháp nghệ thuật gì. Sau một hồi phân tích từng câu từng chữ trong tác phẩm, điều gì sẽ đọng lại trong tâm hồn của học sinh, ngoài những dòng phân tích chằng chịt trên sách trên vở?
Chẳng hạn như việc một số người cho rằng truyện của tác giả Nguyễn Nhật Ánh là truyện dành cho trẻ con. Thậm chí mình từng biết một giáo viên dạy Văn đã chê một em học sinh vì em hay đọc sách của chú Ánh. Cô cho rằng sách của chú Ánh “không có giá trị văn học”. Mình không hiểu “giá trị văn học” của Cô như thế nào, nhưng phê bình những tác phẩm đã từng bầu bạn với học trò mình trước lớp là một hành động thiếu tinh tế và cũng không văn minh chút nào. Chưa kể, nếu ai đã từng đọc sách chú Ánh, họ đều biết đây không hẳn là sách dành cho trẻ em mà là sách dành cho những ai từng là trẻ em.
Nhiều người lớn có khuynh hướng coi trọng sự ngay ngắn của quần áo hơn là sự ngay ngắn của tư cách. Bởi quần áo luộm thuộm dễ dàng bị người khác phát hiện còn sự luộm thuộm của tư cách là cái gì đó khó phát hiện hơn và khi bị phát hiện thì lại có vô số lý do để bào chữa.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – Nguyễn Nhật Ánh
Và bởi vì như vậy, người viết cũng rất dè chừng trong việc thể hiện quan điểm. Họ sợ những đánh giá của những nhà phê bình văn học, sợ những chỉ trích và những lời nói cay độc. Ngày nay, người ta chê nhau thì nhiều chứ nói lời tốt đẹp thì có mấy khi? Mình cũng có phân tích về việc “Nhạy cảm” và “Hiệu ứng đám đông” trong bài viết ngày thứ 10 hôm qua.
Nhưng mục đích của văn chương không phải là để che đậy những điều tốt đẹp bằng những điều “đúng đắn”. Và những gì chúng ta học ở trường chỉ là phương tiện để phục vụ cho việc đọc hiểu văn chương. Mục đích và phương tiện là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Vậy mà nhiều khi người ta cứ nhầm lẫn qua lại.
Nếu như không có điều kiện cũng như không được tiếp xúc với các tác phẩm văn học hay, làm sao con trẻ có thể yêu văn chương và viết hay được nhỉ?
Chuyện chính tả
Thời gian gần đây, mạng xã hội cũng rộ lên những bức ảnh rất dễ thương của Biệt đội “Cảnh sát chính tả” chuyên phát hiện những lỗi sai và chỉnh lại cho đúng. Một bộ phận người trẻ ngày nay cũng rất quan tâm đến vấn đề này và nói không với teencode (cách viết trại đi những chữ tiếng Việt thông dụng bằng việc thay những con số hoặc những chữ không có trong bảng chữ cái tiếng Việt). Và điều này làm mình thấy vui.
Việc viết đúng chính tả hoàn toàn là một nỗ lực không hề nhỏ nhưng cần phải được thực hiện đều đặn trong một thời gian dài. Đôi khi ta chống chế rằng viết sai là viết cho vui thôi chứ không phải là không biết. Vui mà quen dần thì sẽ khó có thể viết đúng nữa ấy. Nhất là những chữ đơn giản trong đời sống thì càng phải hạn chế việc viết sai.
Một cách hay để ít khi viết sai chính tả là đọc sách vở hoặc các trang thông tin chính thống. Đọc để lấy thông tin và đọc vì thích thôi nhưng lâu dần sẽ hình thành sự ghi nhớ những chữ đó, từ đó viết đúng khi nào không hay.
Ngoài ra, chuyện viết đúng, tưởng dễ nhưng lại không dễ. Vì nếu cho rằng muốn viết đúng chính tả thì chỉ cần nói chuẩn là được thì chắc là không nhiều người làm được. Hầu hết ta sống ở những địa phương khác nhau, cách nói và cách dùng từ cũng khác nhau nên việc học viết từ việc nói chuẩn gần như không khả thi. Chưa kể, giọng chuẩn là giọng Hà Nội gốc, mà để phân biệt và nói được giọng Hà Nội gốc cũng khá khó nếu không chuyển ra Hà Nội sinh sống. Vậy nên không có cách nào khác là phải học từ vựng, như học tiếng nước ngoài vậy ấy.
Nhắc đến tiếng nước ngoài lại phải nói đến tiếng Anh, là một thứ tiếng mà đôi khi đọc một đằng viết một nẻo không biết đâu mà lần. Nên người học tiếng Anh chỉ còn một cách là đọc thật nhiều và thực tập thật nhiều để thành thạo mà thôi.
Chuyện ngữ pháp
Nếu chính tả khó một thì ngữ pháp chắc là phải khó đến một trăm. Dạo này, mình lưu ý nhiều đến việc viết đúng ngữ pháp, nhất là chuyện câu đã có đủ chủ ngữ và vị ngữ chưa. Riêng chuyện thiếu chủ ngữ của câu là chuyện xảy ra nhan nhản nhất. Mọi người xem thử những ví dụ sau đây:
a. Hôm nay mệt quá và chẳng muốn làm gì.
b. Hôm nay tôi mệt quá và chẳng muốn làm gì.
Rõ ràng câu a thiếu chữ “tôi”. Không có chủ ngữ “tôi”, câu a sẽ trở nên tối nghĩa vì người nghe / người đọc sẽ không biết ai là người “mệt quá và chẳng muốn làm gì”.
Trường hợp sau đây cũng là một ví dụ khá hay:
a. Không những chưa hoàn thành chương trình tiểu học, cô A còn phát hiện ra học trò B đã gian lận trong thi cử.
b. Không những chưa hoàn thành chương trinh tiểu học, học trò B còn bị cô A phát hiện hành vi gian lận trong thi cử.
Ở câu a, nếu không quá để ý tiểu tiết, ta vẫn có thể hiểu là học trò B vừa chưa hoàn thành chương trình tiểu học, vừa gian lận trong thi cử. Nhưng thật sự thì hiểu như vậy không đúng. Lỗi ngữ pháp của câu a nằm ở việc sai chủ ngữ. Trong tình huống này, câu a đang muốn nói rằng “Cô A chưa hoàn thành chương trình tiểu học”. Vậy câu a phải được viết lại thành câu b thì mới đúng.
Đọc tới đây, mọi người sẽ cho rằng mình là một người để ý tiểu tiết. Tại sao mình lại bắt bẻ chuyện nhỏ nhặt như thế?
Vậy mọi người có để ý câu “Đọc tới đây, mọi người sẽ cho rằng mình là một người để ý tiểu tiết” khá giống với trường hợp mình ví dụ không?
Ai là người đọc đến đây? – Mọi người.
Vậy quay lại ví dụ ở câu a nhé. Ai là người không những chưa hoàn thành chương trình tiểu học? – Cô A. Câu trả lời cho câu hỏi đọc hiểu này là “Cô A” chứ không là “học trò B”.
Nó vô lý quá, phải vậy không? Mọi người còn thấy mình để ý tiểu tiết nữa hay không?
Nhiều người hung hăng lắm. Họ chưa nghe mình giải thích gì hết thì đã nhanh nhảu bắt bẻ mình rồi.
Một ví dụ về cách dùng từ nữa mà mình muốn chia sẻ với mọi người. Quan điểm này là của tác giả Cao Xuân Hạo, một Nhà Ngôn ngữ học và là một Dịch giả mà mình rất ngưỡng mộ. Mình đã đọc hai sách dịch là Đèn không hắt bóng và Khải Hoàn Môn, cùng với một quyển sách của ông là Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt. Ông đã có một bài viết rất hay về chuyện dùng chữ “dù” và “tuy”.
“Tuy” chỉ một chuyện có thật, ta mặc kệ chuyện có thật đó và thực hiện hành động.
Tuy trời mưa, tôi vẫn quyết định đi cắm trại. (Tức là bây giờ trời đang mưa)
“Dù” chỉ một giả định chưa biết có xảy ra hay không, ta vẫn quyết tâm thực hiện hành động.
Dù ngày mai trời mưa, tôi vẫn quyết tâm đi cắm trại. (Tức là ngày mai trời mưa hay không thì ta vẫn đi)
Lúc đọc bài viết này, mình như một người “mù” được “sáng mắt” vậy đó. Quyết tâm học lại đàng hoàng ngữ pháp tiếng Việt của mình lại dâng cao hơn bao giờ hết.
Mình không dám nhận mình là một người viết đúng hoàn toàn. Nhưng mình đang phấn đấu mỗi ngày để không gặp phải những sai lầm nho nhỏ như phía trên.
Hi vọng chúng ta cùng nhau tôn trọng ngữ pháp tiếng Việt và nỗ lực dùng tiếng Việt cho thật chính xác nhen.
Biết chữ là một điều may mắn
Mình sinh ra ở Việt Nam và ngôn ngữ mẹ đẻ của mình là tiếng Việt. Tuy mình rất thích tiếng Anh, nhưng mình chưa bao giờ có mong muốn được sinh ra ở nước nói tiếng Anh. Vì ngôn ngữ nào cũng có thể học đến nơi đến chốn. Hơn nữa, tiếng Việt khó như vậy mà mình còn thành thạo được, thì mình cũng sẽ chinh phục được những thứ tiếng khác thôi, nếu mình muốn.
À, có một nghiên cứu khá thú vị về chứng khó đọc của trẻ em (dyslexia) đối với hệ chữ cái ABC. Người ta đổi từ việc dạy chữ cái ABC sang việc dạy tiếng Hoa. Kết quả khá ngạc nhiên là các em không còn bị khó đọc nữa. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng chứng khó đọc của trẻ em Trung Quốc hiếm gặp hơn chứng khó đọc của trẻ em học hệ chữ cái ABC. Mọi người có thể tìm kiếm từ khoá “dyslexia research” sẽ ra rất nhiều bài báo về chủ đề này.
Thế nên việc thành thạo hệ chữ cái ABC, nhất là tiếng Việt, không phải là chuyện dễ. Nhờ biết chữ, ta có thể học tập và làm việc thuận lợi hơn. Ta còn đọc được rất nhiều thông tin và những quyển sách hay ho nữa. Thậm chí, ta còn viết ra được những suy nghĩ của mình. Viết tay hay đánh máy đều là hành trình thú vị với con chữ. Tuy ngày nay, chức năng nhận diện giọng nói và biến nó thành những câu chữ nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo đã quá phát triển, nhưng việc tự mình trải nghiệm quá trình tập viết vẫn có sức hút riêng.
Mình cũng đã thử nghiệm chức năng chuyển đổi từ chữ sang giọng nói nhờ công nghệ này ở trên blog của mình. Bài viết này cũng lâu lắm rồi, mọi người có thể nghe thử xem sao. Đây hoàn toàn là giọng của máy tạo ra chứ không phải giọng đọc của mình đâu. Bài viết đó tên là “Nhiều khi kiệt sức vì gắng giữ mình không xấu xa”.
Dài dòng một chút về tiếng Việt vậy mà mình đã viết được 2261 chữ rồi ấy. Hẹn gặp lại mọi người vào ngày mai nha.
Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc. Mình có dùng chữ “dù” trong câu này. Ý chỉ những giả định về điều chưa chắc có xảy ra hay không ấy.
Nhà của Di.