Thử thách viết 14 ngày – Ngày 12 – Viết về “lịch sử Việt, văn hoá Việt”

Thử thách 14 NGÀY VIẾT GÌ ĐÓ ngày 12 là viết 2000 chữ về chủ đề “lịch sử Việt, văn hoá Việt”. Càng về cuối, chủ đề viết càng khó hơn và đòi hỏi mình suy ngẫm nhiều hơn.

Mình đã nghĩ hết một buổi sáng và thấy rằng mình không có những kiến thức hàn lâm về chủ đề này để phân tích. Nói về một điều gì đó mà mình chưa biết rõ thì không hay. Nên mình quyết định sẽ chỉ nói về những trải nghiệm cá nhân của mình, đối với chuyện học lịch sử và chuyện tiếp nhận văn hoá đất nước mình. Vẫn là câu cũ, mọi người hoan hỉ tiếp nhận ý kiến của mình nha.

Trước tiên, mình muốn nêu lên quan điểm đầu tiên là: Lịch sử được viết nên bởi người chiến thắng.

Mình có thích học lịch sử không? Mình thích tìm hiểu lịch sử, nhưng không phải thông qua sách giáo khoa. Sách giáo khoa như một phương tiện để mình biết rằng có những thông tin về sự kiện như vậy. Những phương tiện giúp mình tiếp cận nhiều hơn và yêu mến lịch sử hơn là phim ảnh, chuyện kể bằng tranh và viện bảo tàng.

Lịch sử và văn hoá thông qua Sách Giáo Khoa

Hồi tiểu học, mình học các sự kiện trong sách giáo khoa, nhưng không thật sự hiểu được chuyện gì đang diễn ra, chỉ biết là vào “mùa xuân năm 1010, Lý Thái Tô dời đô từ Đại La sang Thăng Long”. Rồi vào ngày mấy tháng mấy, chúng ta bắn hạ được bao nhiêu chiếc máy bay của địch, đánh bại được bao nhiêu quân giặc.

Mình tin là những bạn xung quanh mình cũng đã tiếp xúc với Lịch sử bằng cách như thế. Và nếu chỉ bằng cách đó không thôi thì Lịch sử thật nhàm chán. Vì một số lý do sau đây:

  • Ta tiếp xúc với sự kiện chứ không phải là câu chuyện và thậm chí ta còn không hình dung được sự kiện đó ra sao. Những chuyện xảy ra lúc ta chưa sinh ra đời, với dữ liệu là hình ảnh trắng đen, những con số và những địa danh ta chưa từng đi đến làm sao có thể thú vị được?
  • Sách giáo khoa trình bày như một dạng sách tổng hợp thông tin và nó có quá nhiều điều mới mẻ. Quá nhiều kiến thức cần phải ghi nhớ mỗi tuần để lên lớp trả bài cho thầy cô là một gánh nặng không hề nhỏ cho học sinh.
  • Lịch sử được xem là môn phụ, trừ những bạn học sinh chuyên Sử và có nguyện vọng học các ngành Xã hội.

Vì vậy, nếu chỉ tiếp cận lịch sử Việt Nam thông qua nguồn sách giáo khoa thì học sinh sẽ không thể thấy được tầm quan trọng của lịch sử. Thậm chí, nhiều từ ngữ trong sách còn làm các em hoang mang vì không hiểu cặn kẽ sách muốn nói điều gì.

Mình từng giúp các em học sinh của mình học bài môn Lịch sử bằng cách phân tích cho các em hiểu câu cú, từ ngữ và hoàn cảnh diễn ra vấn đề này. Từ việc hiểu được vì sao lại như thế, các em mới có thể nhớ và vận dụng nó vào bài thi.

Lịch sử và văn hoá thông qua trò chơi điện tử

Lịch sử Việt Nam thì như thế, nhưng lịch sử thế giới thì có vị trí quan trọng hơn trong lòng các em học sinh hay không? Mình không biết vị trí thì cao hơn không nhưng chắc chắn các em sẽ nhớ nhiều sự kiện nước ngoài hơn hẳn sự kiện Việt Nam. Vì nước ngoài có rất nhiều tác phẩm lồng ghép lịch sử như tiểu thuyết, phim ảnh, trò chơi điện tử và boardgame. Và hình tượng tác giả xây dựng cho nhân vật trong những tác phẩm đó đều rất đẹp, rất lộng lẫy. Người xem, người chơi sẽ ngay lập tức bị ấn tượng với tạo hình bên ngoài, xiêm y, trang bị và cảnh vật.

Ngày nay, người ta biết và nhớ nhiều nhân vật thời Tam Quốc của Trung Hoa thông qua trò chơi điện tử. Thậm chí, một số trò chơi còn cho người chơi chọn nước ứng với câu chuyện thời Tam Quốc. Tự nhiên người chơi trải nghiệm một thời gian sẽ nhớ hết tất cả các nhân vật lịch sử.

Một tập phát sóng của chương trình Shark Tank Việt Nam đã không đồng ý với tạo hình nhân vật của một boardgame mô phỏng lịch sử Việt Nam. Nhưng trước khi đến được tay người dùng, boardgame đó phải thật sự thu hút và khiến người ta muốn chơi. Từ việc chơi mới đến việc thích và tìm hiểu sâu hơn được.

Chúng ta muốn trẻ con tìm hiểu lịch sử một cách chủ động, chứ chúng ta không ép trẻ con chơi trò chơi chúng không thích chỉ vì đó là trò chơi lịch sử. Chúng ta thích ăn ngon, mặc đẹp nhưng lại bắt con trẻ tiếp xúc với những sản phẩm được thiết kế không đẹp chỉ vì nó là sản phẩm sẽ có ích cho trẻ em (theo quan điểm của chúng ta). Thế thì mất dân chủ quá.

Lịch sử và văn hoá thông qua sách vở

Sách vở thì lại càng tinh vi hơn. Một bộ truyện về chiến tranh thế giới của tác giả Enrich Maria Remarque như là Phía Tây không có gì lạ, Khải Hoàn Môn, v.v đã khắc hoạ rất chi tiết cuộc sống của con người thời chiến tranh thế giới, cũng như câu chuyện của những người lính. Đồng cảm với tác phẩm, người đọc sẽ biết về các sự kiện đã diễn ra và có hứng thú để tìm hiểu thêm. Cách tiếp cận lịch sử này không hề nhàm chán mà còn là một quá trình chủ động, giúp người đọc nhớ lâu hơn.

Lịch sử Việt Nam thì mình rất ấn tượng với bộ truyện tranh về các nhân vật của Nhà xuất bản Kim Đồng. Tuy nét vẽ khá là đơn sơ mộc mạc nhưng truyện cũng phần nào giúp cho trẻ con dễ hình dung về tình hình lúc đó và quan tâm nhiều hơn đến lịch sử.

nhacuadi lichsuvietnam

Nhiều thông tin hơn một chút, ta có những quyển sách về một giai đoạn nào đó trong lịch sử. Trong đó, ngoài những sự kiện, người đọc còn được tiếp cận với những câu chuyện, những hình ảnh và những giả thuyết mà chưa một lần được nghe nói đến.

Mình từng đọc quyển “Madam Nhu – Trần Lệ Xuân – Quyền lực bà Rồng” và biết được Dinh Độc Lập còn có tên gọi khác là Nhà Rồng. Nếu như mình biết thông tin này thông qua sách giáo khoa trên lớp, chắn chắn mình sẽ quên. Nhưng vì mình đã tìm hiểu cả một cuộc đời con người thông qua những năm tháng họ sống ở Nhà Rồng, giống với tên quyển sách, chắc chắn mình sẽ có ấn tượng sâu sắc hơn. Đọc sách xong, mình có mong muốn được đi thăm Dinh Độc Lập để xem người ta kể có chính xác không.

Rất nhiều điều ta muốn kiếm chứng thông qua sách vở theo cách như thế. Và đó cũng là cách hay để mọi người tiếp cận lịch sử. Thay vì học những sự kiện trong sách để quên đi, ta nghe kể chuyện, ta đọc chủ động và đi bảo tàng để kiểm chứng thông tin. Thời khắc ta bắt gặp những gì mình vừa đọc trong sách cũng chính là những gì ta thấy trước mắt ở viện bảo tàng, ta sẽ không bao giờ quên được.

Ngoài sách về câu chuyện thực tế, tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam cũng rất cuốn hút. Chẳng hạn như tác phẩm “những ngã tư và những cột đèn” và “Đêm núm sen” của tác giả Trần Văn Dần (Trần Dần – cây cổ thụ trong làng văn học và đặc biệt là Thơ Việt Nam nửa sau năm 1945). Truyện vừa có yếu tố lịch sự vừa có yếu tố văn hoá của con người Việt Nam giai đoạn đó luôn. Nếu như Vụ án và Hoá thân của Frank Kafka làm mình choáng ngợp thì hai tác phẩm này của bác Trần Dần làm mình mắt chữ A mồm chữ O luôn đó.

Lịch sử và văn hoá thông qua phim ảnh – phần này theo mình là khá quan trọng

Một số bộ phim về lịch sử mà mình thấy có nhiều thông tin bổ ích, tình tiết gây cấn và diễn viên kì cựu là Những đứa con thành phố, Vó ngựa trời nam, Dưới cờ đại nghĩa, Về đất Thăng Long. Các bộ phim khắc hoạ đời sống của con người Việt Nam thì phải kể đến các bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Người xem sẽ bắt gặp được cách nói chuyện, cách dùng từ ngữ của người xưa cũng như những lễ nghĩa, phép tắc mà người ta phải tuân theo.

Phim thì mình xem từ hồi nhỏ bằng cái TV ở nhà những buổi sáng ở nhà một mình. Không biết vì lý do mình rất thích cách triển khai của những bộ phim này. Câu chuyện, nhân vật, lời thoại rất lớp lang và có ý nghĩa.

Ngoài ra, những bài hát có lồng ghép một xíu lịch sử như Không thể cùng nhau suốt kiếp liên quan đến Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu cũng là một chất liệu rất dễ tiếp cận đến đại chúng. Mình đã Google tất cả những thông tin về Vua Bảo Đại và Hoàng hậu để hiểu thêm về giai đoạn này, cũng như học thuộc lá thư 66 chữ mà Nam Phương Hoàng hậu viết cho Lý Lệ Hà đó. Vì thư hay quá nên mình xin trích ở đây nha.

Em Lý Lệ Hà thân quý.

Chị ở xa đức Cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc Cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi Cựu hoàng, ta còn gặp lại nhau. Đức Từ cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em.

Chị Nam Phương.

Sau này, có dịp nói chuyện với những người bạn, mình phát hiện ra bạn mình cũng từng thích những bộ phim như vậy, nhất là Dưới cờ đại nghĩa. Vì vậy mình nghĩ là nếu để cho các em nhỏ bây giờ học lịch sử hiệu quả hơn, ta cần giải thích cho các em các từ ngữ mà sách giáo khoa đang dùng, cũng như phân tích sự kiện lịch sử từ các khía cạnh như động cơ, câu chuyện ẩn đằng sau hoặc giao cho các em bài tập là xem một, hai tập phim liên quan rồi lên lớp cùng thảo luận. Tiếc là thời gian cho tiết học không đủ nhiều và cũng không phải em học sinh nào cũng hứng thú với các vấn đề như vậy.

Năm 2015, mình từng có một chuyến trao đổi sinh viên ở Hàn Quốc và được học một khoá Lịch sử. Giáo viên dạy mình là một Cô người Hàn nói tiếng Anh rất hay. Trong khoá học mình, lớp mình được nghe Cô kể chuyện, giới thiệu những bộ phim và có chuyến đi tham quan bảo tàng. Vừa đi Cô vừa kể cho lớp mình nghe những câu chuyện rất hay ho. Đó chắc chắn là lớp lịch sử mà mình yêu thích nhất.

Trên đây mình liệt kê những cách tiếp cận lịch sử và văn hoá của mình. Chúng ta có thể không cần biết quá cặn kẽ, nhưng ít ra cũng nên biết những sự kiện lớn hoặc những triều đại lớn của nước mình. Không phải vì chúng là những chuyện quá khứ mà ta không cần quan tâm, mà ta cần học từ quá khứ để không lặp lại những sai lầm cũng như đúc kết cho mình những bài học mà không cần đến chiến tranh.

Ngày khó nhằn cuối cùng của thử thách cũng đã qua. Hẹn gặp lại mọi người với bài viết về công việc vào ngày mai nha.

Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Nhà của Di.

Leave a Reply