Khi chưa làm tốt được việc gì, có phải ta thường hay nản chí và nghĩ mình không đủ khả năng không? Dẫn đến việc ta cứ liên tục làm sai và càng ngày càng tin rằng mình dở thiệt.
Để mình kể mọi người nghe một ví dụ.
Mấy hôm nay mình có dịp thử nghiệm phương pháp mới khi làm bài tập tiếng Anh phần Reading, nhất là Reading trong IELTS nên muốn chia sẻ lại trải nghiệm này.
Phương pháp này là Bảng từ đồng nghĩa giữa câu hỏi và bài reading. Chắc là mọi người cũng không quá xa lạ với bảng này, nhất là những bạn đang ôn thi IELTS.
Bảng này sẽ có 2 cột. Cột bên trái tên là “In Question”, tức là những từ hoặc cụm từ xuất hiện trong câu hỏi. Cột bên phải là “In Reading”, tức là những từ đồng nghĩa với câu hỏi nhưng nằm trong bài đọc.
Cụ thể như hình dưới đây. Mình đã kẻ bảng minh hoạ cho bài Reading Test 2 trong sách Cambridge IELTS 16.
Ban đầu mình chưa nghĩ ra được lợi ích nào khác của cách này, ngoại trừ việc cung cấp từ vựng mới.
Trước đây khi chưa quen cách làm này, mình đọc theo cảm tính và đôi khi hay sai những câu rất hiển nhiên. Cho đến lần làm đề tiếp theo, mỗi khi đọc câu hỏi, trong đầu mình lập tức đi tìm những cụm từ đồng nghĩa trong bài đọc. Dẫn đến việc mình không thể chọn đại một thông tin nào khác làm đáp án khi chưa thật sự xác định được vị trí chính xác. Cứ như vậy, mình ít sai hơn hẳn khi làm bài.
Một số học trò hay bạn bè của mình cũng than phiền rằng quá trình học điều gì đó mới rất nản và rất khó. Và họ nghĩ rằng họ không có khiếu để làm việc đó.
Mình tin rằng khi ta chưa làm tốt được chuyện gì đó, vấn đề nằm ở chỗ ta nôn nóng kết quả khi chưa biết được phương pháp cũng như công cụ phù hợp.
Không thể yêu cầu học sinh lớp 6 làm bài tập của lớp 9 cũng như không thể yêu cầu một bạn trình độ IELTS 6.5 làm đúng 40/40 câu Reading trong đề thi thử.
Phải làm dần dần từ những điểu nhỏ nhất, đơn giản nhất như học lại ngữ pháp, học thêm từ vựng, tập nghe từng đoạn nhỏ, tập đọc từng bài Reading thôi, để luyện võ công cho cao cường đã.
Chọn được phương pháp phù hợp thì làm từ từ sẽ đến đích thôi, việc gì cũng vậy cả.
Chẳng hạn như mấy ngày đầu tiên tập edit video và sử dụng phần mềm thiết kế ảnh, mình loay hoay mãi vẫn không biết làm sao cho đẹp. Nhưng rồi mình phát hiện ra phần mềm đang dùng nó không hỗ trợ những nhu cầu của mình. Thế là khi đổi sang phần mềm khác thân thiện với người dùng hơn, mình mày mò 2, 3 ngày là thành thạo ngay.
Bởi vậy mới nói, khi thôi cho rằng mình yếu kém, ta mới nhìn thấy khả năng ở khắp mọi nơi.
Mình mong là dù cho có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.
Nhà của Di.