Muốn học giỏi phải làm sao? Áp dụng cho mọi lĩnh vực – Phần 2

Điều đầu tiên cần lưu ý là việc học không chỉ là việc của học sinh mà là của tất cả mọi người. Ví dụ như học một kĩ năng mới, học ngoại ngữ, học cách sử dụng một thiết bị hay học nấu ăn, làm bánh. v.v.

Sau bài viết ở phần 1 về việc chọn khoá học và lên kế hoạch thế nào, bài viết ở phần 2 này sẽ đi sâu vào chi tiết quá trình học.

nhacuadi instagram coelho2

Cách ghi chép

Mục đích quan trọng nhất của việc ghi chép là để đọc lại và học từ những ghi chép của mình. Vậy nên hãy ghi chép theo từ ngữ riêng của bản thân chứ đừng viết lại nguyên văn những gì có trong tài liệu.

Thường thì mình sẽ tách những đoạn văn dài thành các bullet point (dấu chấm đầu dòng) để dễ nhớ các ý chính. Đối với các từ vựng hoa mỹ và khó nhớ, mình cũng đổi lại thành những từ quen thuộc. Thay vì “được áp dụng” mình sẽ đổi thành “được dùng vào”, nôm na là mình sẽ paraphrase lại các cụm từ mình cho là khó nhớ trong bài.

Đối với những định nghĩa bằng tiếng Anh, mình chọn lọc ra những chữ cần ghi chú và viết thật vắn tắt. Chẳng hạn như đoạn này:

“Prepare a series of four or five pictures of people which can be easily copied (for example, four men with beards or moustaches of differing ages). Divide the class into pairs. Student A is a witness and B is a police officer.”

Mình viết vào vở là:

Prepare 4-5 pics – easy to copy

Pair – Student A: witness, Student B: police officer

Đừng viết ghi chú thật dài và y chang như trong slide bài giảng, tài liệu hoặc sách. Hãy tóm tắt lại thật dễ hiểu theo ý của bạn.

Ôn tập bằng mục lục

Học một thông tin mới có thể dễ lúc ban đầu, nhưng sẽ khó về sau nếu như không ôn lại. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra điều này. Vì vậy, thay vì mong muốn học thêm thật nhiều thông tin mới, hãy sắp xếp thời gian để ôn lại thông tin cũ. Và lúc này quyển vở ghi chú sẽ phát huy tác dụng.

Mình không tin lắm việc ôn bài thông qua những gạch chân hoặc tô dạ quang trong sách. Vì theo mình, tô dạ quang kĩ như thế nào cũng là tô đậm ý của tác giả, chưa phải là đúc kết của bản thân.

Bạn có thể dán những tờ giấy ghi chú nhỏ bên lề để tóm tắt, hoặc ghi ở đâu bạn thấy thuận tiện. Nhưng điều bắt buộc là phải dành thời gian suy nghĩ về những gì được viết trong tài liệu và ghi chú, nhớ nghen.

Một lỗi sai nhiều người thường mắc phải là đợi đến gần kiểm tra mới học. Mình cũng từng như vậy, và mình thấy nó cực vô cùng.

Mình không kêu mọi người học trước khi kiểm tra đâu, vậy thì nghe sáo rỗng quá. Mọi người hãy nhớ phương pháp “Ôn tập bằng mục lục”.

Mình cần biết rằng mình đang học về cái gì, bài số mấy, bài đó gồm có các đề mục gì là được. Nôm na là mọi người cần biết mục lục của sách và mình đang học đến đâu.

Chẳng hạn như môn Vật lý, Chương 1 có tên là Dao động, trong đó có mấy bài, mỗi bài sẽ nói về lý thuyết nào. Biết được tổng quan bài vở là một cách cực kì hiệu quả trong việc ôn tập sau này.

Bước này có thể được thực hiện bằng cách ghi chú ra một trang giấy. Thường thì mục lục của sách sẽ chỉ có tên chương và tên bài thôi. Nhưng mục lục trên giấy của chúng ta nên có thêm từng đề mục của mỗi bài nữa.

Sau đó, hãy đóng ghi chú lại và nhẩm những thông tin mình vừa ghi chú. Trong lúc nhẩm, nếu có quên hãy mở ghi chú ra xem lại. Và nhẩm đến khi nào có thể nhớ được sườn nội dung tổng quát là được.

Bước này nên được lặp lại nhiều lần để đảm bảo rằng bạn biết bạn đang học cái gì. Đến khi ôn tập để kiểm tra, bạn sẽ thấy quá trình học sẽ được rút ngắn hơn rất nhiều.

Ghi nhớ bằng suy luận, không bằng việc nhồi nhét

Việc nhớ một thông tin nào đó có thể đến từ việc học thuộc, nhưng theo mình, phần lớn sẽ đến từ việc xâu chuỗi các thông tin đã biết và suy luận.

Chẳng hạn như bạn biết thì Quá khứ đơn nằm ở trước thì Hiện tại đơn trên trục thời gian. Vậy thì khi bài tập yêu cầu lùi thì đối với câu Hiện tại đơn, bạn nhìn vào câu mẫu và xâu chuỗi ngay đến thì Quá khứ đơn. Như vậy mỗi khi làm bài tập lùi thì, bạn không cần phải nhớ công thức nữa mà có thể tự ứng biến được.

Chẳng hạn như câu “Let’s go” quen thuộc, cũng là tên một dòng sách tiếng Anh ngày trước, có thể nhắc bạn nhớ rằng sau Let’s là V-0. Vậy thì không có lý do gì chúng ta phải học công thức “Let’s + V-0”. Thay vào đó, hãy học câu “Let’s go” và tự áp dụng cho những trường hợp khác.

Đối với các công thức Toán, hãy quan tâm đến việc vì sao nó lại như thế bằng cách chứng minh. Chứng minh được những điều cơ bản sẽ là nền tảng để bạn học thêm những công thức lúc sau. Chỉ cần bạn luôn tìm cách hiểu những gì mình học, và học thêm từ những hiểu biết cũ thì công thức chưa bao giờ là gánh nặng.

Đối với những công thức Lý hay Hoá, hãy quan tâm đến đơn vị. Nếu như đơn vị của vận tốc là km/h, thì tức là công thức sẽ có đơn vị kilomet chia cho đơn vị hour. Vậy tức là quãng đường đi được chia cho thời gian đi quãng đường đó.

Có rất nhiều cách để ghi nhớ thông tin, hãy sáng tạo theo khả năng của bạn, miễn sao bạn không cần phải học thuộc quá nhiều công thức là được.

Hi vọng những chia sẻ của mình phần nào sẽ giúp mọi người học vui vẻ mà không gian nan.

Mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Nhà của Di.

Tags: No tags

Leave a Reply