nhacuadi-hoa-troi-tren-song-nuoc-nguyen-phong

#28 Review Hoa trôi trên sóng nước – Một quyển sách “sực tỉnh cơn mê” – Satomi Myodo – Nguyên Phong phóng tác

Hoa trôi trên sóng nước là quyển hồi ký của ni sư Satomi Myodo được Nguyên Phong phóng tác. Đây là quyển sách kể về hành trình tìm đạo đầy gian khổ kéo dài hơn 40 năm. Đến cuối cùng, ni sư đã trở thành “ni sư lỗi lạc nhất của Thiền tông Nhật Bản”.

À hành trình trong sách được kể lại chỉ vọn vẹn hơn 200 trang một chút chứ không lê thê nha.

Những dòng đầu tiên mình dành để nói về quyển sách này chính là: xuất hiện kịp lúc.

Khoan chưa kể đến việc sách có dành cho độc giả là người theo đạo Phật hay không, vì quyển sách này không nhằm vào mục đích đó.

Đối với mình, sách giống như một tấm gương phản chiếu lại cách sống của bản thân. Mình như người đang mơ chợt sực tỉnh khỏi chuỗi mộng mị.

nhacuadi-hoa-troi-tren-song-nuoc-nguyen-phong
Hoa trôi trên sóng nước có bìa rất đẹp

Quyển sách mà mình cầm trên tay là một hồi ký rất cuốn hút. Đây cũng là một màu sắc nữa trong chuỗi các bài Review sách của Nhà của Di.

Hoa trôi trên sóng nước cuốn hút vì?

Văn phong trau chuốt và mượt mà.

Tác giả Nguyên Phong thật sự là một bậc thầy về ngôn ngữ.

Nhiều thuật ngữ liên quan đến những tác phẩm cổ ngày xưa ở Nhật Bản, Trung Hoa đều được tác giả kể lại rõ ràng và không cảm thấy chán.

Thường thì những quyển sách nói về những chuyện ngày xưa, những sự kiện lịch sử và tên những tác phẩm văn học dễ làm cho người đọc lướt qua.

Nhưng đối với những đoạn này, mình càng đọc kĩ hơn nữa vì cách truyền đạt thật sự dễ hiểu và gãy gọn.

Tác giả Nguyên Phong kể gì trong Hoa trôi trên sóng nước

Cuộc đời của ni sư trải qua rất nhiều sự kiện, nhưng chưa một lần độc giả thấy ni sư bỏ cuộc.

Nếu như tìm được cách thực tập nào, ni sư đều kiên trì thực tập nhiều năm, đều đặn và kỉ luật.

Nhiều lúc mình còn tự hỏi, vì sao với phương pháp cực kì gian khổ mà ni sư có thể theo đuổi nhiều năm như thế.

Sau đó, ni sư sẽ có bước nhìn nhận lại, để xem bản thân đã đi đến đâu.

Đây cũng là điều mà quyển sách hấp dẫn mình: không có chuyện gì cả thèm chóng chán mà đem lại thành quả, cũng không có sự cố gắng nào là vô ích.

“Ai dám bảo rằng 99 lần bắn hụt không liên quan gì đến lần thứ 100 bắn trúng hồng tâm?”

Những trải nghiệm học đạo của ni sư và những đoạn hội thoại của ni sư với những người xung quanh cũng đã dạy mình nhiều điều.

Những đoạn này nằm ở nửa sau của cuốn sách, khi ni sư bắt đầu tìm hiểu Phật giáo.

Sự học phải đi kèm với sự hiểu.

Ví dụ mà sách đề cập chính là việc tụng kinh niệm Phật.

Chúng ta không thể đọc kinh mà không hiểu kinh muốn nói điều gì.

Cũng y như việc không thể nào chỉ học vẹt, học thuộc lòng mà không hiểu mình đang học gì.

Có nhiều khái niệm mà người khác dặn ta không cần hiểu, chỉ cần nhớ và tin như vậy là được.

Nhưng sự học vốn không được xây dựng như thế.

Sự hiểu biết không bao giờ là đủ.

Khi thấy mình đã học đủ, tức là có điều gì đó mình chưa biết.

Có một câu chuyện về mười bảy vị tăng đi tìm đạo ở đỉnh Tuyết Sơn.

Họ xuất phát từ Nhật Bản, đi đến chân núi Tuyết Sơn thì quay về vì nghĩ mình đã học được đạo rồi, cần phải đi cứu khổ chúng sinh.

Nhưng thật sự thì họ chưa tìm được con đường cứu khổ cho bản thân mình, làm sao có thể cứu người khác.

“Một khi nghĩ rằng “đã đủ”, nghĩa là bằng lòng với cái mình có, thì không bao giờ người ta có thể vượt qua bờ bên kia được.”

“Trong việc học, tuổi tác không có nghĩa gì cả. Việc quan trọng là mình có muốn học hay không mà thôi.”

Điều quan trọng nhất về cuộc đời của ni sư, cũng là tinh thần của quyển sách, chính là việc thay vì đi tìm điều này điều kia bên ngoài, hãy tập quay vào bên trong, để nhận ra vốn dĩ bản thân ta đã có đầy đủ những điều đang tìm kiếm rồi.

Hoa trôi trên sóng nước đã tả một hình ảnh rất hay.

Ánh sáng chân lý thì vẫn ở đó, luôn luôn chiếu sáng cho tất cả mọi nơi với ánh sáng như nhau.

Việc tâm con người không phản chiếu được ánh sáng đó là do đã bị khuấy động.

Hình ảnh này đã làm mình xúc động.

Vốn dĩ câu trả lời luôn nằm ở trong thâm tâm mình, nhưng mình vẫn muốn hỏi người này người kia, rồi dẫn đến sự hoang mang không cần thiết.

Hoa trôi trên sóng nước không hề khó đọc, nhưng sẽ hơi kén độc giả, vì định kiến rằng đây là sách Phật giáo.

Nhưng nếu nhìn rộng ra, ta sẽ thấy sách dạy cho ta nhiều điều để áp dụng vào cuộc sống hiện nay, chứ không phải là dạy giáo lý nhà Phật.

Mình đọc xong Muôn kiếp nhân sinh tập 2 trước quyển này.

Mình dự định viết về Muôn kiếp nhân sinh trước, nhưng bản thân mình được thôi thúc phải đúc kết ngay Hoa trôi trên sóng nước.

Vì lúc quyển sách này khép lại cũng là lúc tâm mình rộng mở hơn một chút.

Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Nhà của Di.

Podcast mới ra lò của Nhà của Di ở đây.

Những review sách khác có thể bạn sẽ thích:

#27 Review Tôi vỡ tan để ánh sáng ngập tràn – Một quyển sách ngọt ngào về tình yêu bản thân – Bianca Sparacino

#19 Review Xin bạn hãy ôm lấy trái tim mình trước đã – Một quyển sách nhẹ nhàng nhưng để lại nhiều thông tin giá trị – Dae Hyun Yoon

#8 Review Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya – tác giả Phía sau nghi can X – Higashino Keigo

#7 Review 3 người Thầy vĩ đại – tác giả Đời ngắn đừng ngủ dài – Robin Sharma

Leave a Reply