nhacuadi-thu-vien-nua-dem

#29 Review Thư viện nửa đêm – Một câu chuyện nhiều bài học đáng giá – Matt Haig

Thư viện nửa đêm là tiểu thuyết được giải Best Fiction 2020 trên cộng đồng sách Goodreads. Và mình nghĩ là nếu muốn tận hưởng quyển sách này, bạn nên hoàn thành nó trong năm nay.

Ban đầu, mình thấy bìa sách rất đẹp nhưng tưởng là quyển sách kể về những điều bí ẩn nên mau chóng quên đi.

Mãi đến khi được đọc những dòng chữ ở bìa sau, mình mua ngay và đọc liền trong tuần mà không chần chừ gì nữa.

Thư viện nửa đêm kể câu chuyện gì?

Để mình trích dẫn đoạn này ở bìa sau sách thì mọi người sẽ nắm được sơ lược nội dung ngay.

Cuộc đời Nora Seed tràn ngập khổ sở và nuối tiếc. Cô có nhiều khả năng nhưng lại ít thành tựu, và luôn cảm thấy mình đã làm mọi người xung quanh thất vọng.

Thế rồi, trong ngày cuối cùng còn trên thế gian, vào lúc chuông điểm nửa đêm, Nora thấy mình xuất hiện ở Thư viện nửa đêm – một nơi “nằm giữa cõi sống và cõi chết”, với những dãy kệ trải dài bất tận và hằng hà sa số cuốn sách giúp Nora có thể sống một cuộc đời khác nếu như cô lựa chọn cho mình những lối đi khác.

Với sự giúp đỡ của một người quen cũ, Nora nắm trong tay cơ hội sửa chữa mọi sai lầm, xóa bỏ mọi hối tiếc để tìm kiếm một cuộc sống hoàn hảo cho riêng mình.

Vậy nhưng, với vô vàn chọn lựa, đâu mới là cách sống tốt nhất, mà ta có nhờ thế mà hạnh phúc hơn chăng?

Cuốn sách kể câu chuyện về quá trình Nora đi tìm một cuộc đời phù hợp nhất với mình.

Nora có quyền lựa chọn mình muốn trở thành ai, hoặc muốn ở bên cạnh ai, hoặc muốn cuộc sống mới như thế nào.

Và bà Elm, thủ thư ở đây cũng chính là người thủ thư ngày xưa ở trường cấp 2, sẽ lấy quyển sách đó đưa cho Nora.

Ở cuộc đời mới, Nora cho rằng mình sẽ tránh được mọi phiền muộn, mọi nỗi đau từ gia đình và đạt được hết những kì vọng của mọi người xung quanh.

Nora tin chắc nó sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều so với cuộc đời mà mình đang sống: sử dụng thuốc chống trầm cảm, không có mục đích, không có tương lai và thậm chí không có người thân.

Mục đích của chuyến hành trình này là để nhắc nhở Nora về ý nghĩa của việc sống. Hãy chỉ sống thôi.

nhacuadi-thu-vien-nua-dem

Đây cũng là câu chuyện mà mình không sợ chiếc review này sẽ làm lộ những chi tiết hay ho trong sách.

Vì kể cho mọi người nghe câu chuyện của sách thì dễ nhưng hiểu những bài học từ sách thì lại phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi cá nhân.

Thế nên mình tin rằng cho dù có biết trước câu chuyện, thậm chí biết từng chi tiết, bạn cũng sẽ muốn đọc Thư viện nửa đêm. Vì chỉ có việc tự đọc mới đem lại trải nghiệm trọn vẹn nhất.

Mình thích gì ở Thư viện nửa đêm

Một là về ngoại hình, bìa sách rất đẹp và cuốn hút.

Mình thấy bìa sách tiếng Việt này đẹp hơn cả bìa bản gốc ấy chứ.

nhacuadi-cover-thu-vien-nua-dem
Thích quá mà không tìm được ảnh nào ưng nên phải chụp cận cảnh

Mình có cảm giác như đang cầm cả một giá sách trên tay.

Nhìn kĩ hơn thì những chi tiết được vẽ trên gáy sách cũng chính là những chi tiết trong cuộc đời của Nora.

Đọc xong quyển sách và ngẫm lại từng chi tiết trên bìa cũng là một việc rất thú vị.

Hai là câu chuyện cuốn hút từ những trang đầu tiên.

Dạo gần đây, những quyển tiểu thuyết ít khi cuốn được tâm trí mình.

Nhưng vừa hay khi mới đọc được một quãng là mình bị lạc ngay vào Thư viện nửa đêm vốn nằm lưng chừng giữa cõi sống và cõi chết (tên sách cũng là tên của thư viện mà Nora đi đến).

Mà khi lạc vào rồi, mình rất muốn đi tiếp để tìm hiểu cách vận hành của thư viện cũng như chuyện gì xảy ra đối với Nora.

Điểm hấp dẫn chính là chỗ này.

Ba là khi dẫn dắt người đọc vào một câu chuyện tưởng chừng như kì ảo, thực chất Matt Haig muốn truyền tải những thông điệp về cuộc sống.

Bằng chứng là Thư viện nửa đêm có nhiều trích dẫn của các triết gia. Thế mà lại không hề khô khan miếng nào.

nhacuadi-thu-vien-nua-dem
Triết lý từ triết gia yêu thích của Nora trong Thư viện nửa đêm

Cuốn sách đầu tiên mà Nora được chạm tay vào là quyển Cuốn sách của những nuối tiếc. Nó vừa dày vừa nặng và rất chi tiết không sót một ý nào.

Đây hẳn là quyển sách nặng nhất của Thư viện này.

Mình tin rằng nếu chúng ta lọt vào đây, chúng ta có khi cầm không nổi quyến sách nuối tiếc của chính mình mất.

Vì sao có nhiều sách đến như vậy?

Vì mỗi quyết định của Nora sẽ sinh ra mỗi cuộc đời khác nhau.

Đoạn này, tác giả có dùng phép ẩn dụ bằng hình ảnh bàn cờ vua.

Mỗi nước cờ sẽ mở ra biết bao nhiêu trường hợp khác nhau. Và dù chỉ còn một quân cờ thì cũng vẫn còn cơ hội.

nhacuadi-thu-vien-nua-dem
Trong Thư viện nửa đêm, hình ảnh bàn cờ vua xuất hiện rất nhiều.

Việc kể về cuộc đời Nora thông qua nhiều hoàn cảnh, nhiều công việc, nhiều môi trường sẽ gián tiếp đưa ra một góc nhìn.

Bốn là câu chuyện không có nhiều nhân vật nhưng mỗi nhân vật đều được Matt Haig khai thác triệt để.

Vì trải qua nhiều cuộc đời, nhưng người thân và vòng tròn bạn bè thân thiết vẫn như cũ, Nora được nhìn thấy những lựa chọn khác nhau của những người xung quanh.

Cũng nhờ vậy mà Nora phát hiện ra những hiểu lầm của chính bản thân mình về họ.

Mình học được gì ở Thư viện nửa đêm

Quyển sách này đã lấy đi nước mắt của mình, vì nhiều đoạn mình nhìn thấy bản thân trong đó, dù ít dù nhiều.

Phần này, mình sẽ viết về những bài học mà mình rút ra từ sách.

Có thể bạn sẽ muốn đọc sách xong đã rồi mới đọc phần này nhưng cũng có thể bạn sẽ muốn biết quan điểm của những độc giả khác (chẳng hạn là mình) để có cái nhìn tổng thể về sách. Nếu vậy thì mời bạn đọc tiếp thôi.

Một là, điều quan trọng của cuộc sống này chính là sống. Chỉ thế thôi.

nhacuadi-thu-vien-nua-dem
Thư viện nửa đêm có nhiều trích dẫn rất hay.

Sẽ không thể có điều kỳ diệu nào xảy ra nếu như chúng ta không muốn sống hoặc không còn sống.

Đôi khi chúng ta nghĩ quá nhiều, nào là về ngày mai, về những thành tựu lớn lao trong tương lai mà quên mất việc sống cho hiện tại.

Tệ hơn, chúng ta lo lắng về quá khứ và nghĩ rằng, nếu như lúc đó mình làm khác đi, cuộc sống mình chắc chắn sẽ tốt hơn.

Nhưng thông qua cuộc đời của Nora, mình nhận ra nhiều lúc sự tồi tệ đều do tâm trí tự vẽ ra.

Và không có cuộc sống nào là hoàn toàn như ý cả.

Hai là, chúng ta sống vì kỳ vọng của người khác quá nhiều, nhất là những người thân xung quanh.

nhacuadi-thu-vien-nua-dem

Câu chuyện của Nora là một lời cảnh tỉnh.

Khi mà cho dù Nora có đạt được đến nấc thang cao nhất của danh vọng, nhưng mà là danh vọng của bố, của mẹ, của anh trai thì Nora vẫn cảm thấy bế tắc và sống trong trầm cảm.

Ba là, đôi khi chúng ta muốn quá nhiều chỉ bởi vì chúng ta đang thấy thiếu thốn.

Sự thiếu này vẫn luôn âm ỉ trong ta và được diễn giải ra ngoài bằng sự mong muốn.

Nhưng càng lắp đầy những mong muốn bên ngoài, ta lại càng muốn có thêm nhiều nữa.

Bốn là, nhiều sự hiểu lầm không đáng có sẽ giết chết mối quan hệ.

Câu chuyện giữa Nora và anh trai là một ví dụ điển hình cho việc này.

Cả hai anh em đã tự mình dựng nên những bức tường thành vững chắc từ những sự hiểu lầm.

Năm là, có những sự việc phải xảy ra, cho dù chúng ta có tác động đến nó hay không.

Câu chuyện chú mèo và cửa tiệm Lý thuyết dây là hai ví dụ cho điều này.

Nhiều hối tiếc của chúng ta vốn dĩ không có thật mà chỉ là ảo ảnh của bản thân mà thôi.

Do vậy, cần phải nhìn rõ được những điều này để đừng ân hận mãi những điều không có thật.

Nora có chăm sóc tốt cỡ nào thì chú mèo vẫn phải ra đi vì căn bệnh tim bẩm sinh.

Cửa hàng Lý thuyết dây không có Nora vẫn sẽ phải đóng cửa.

Sáu là, sự tồn tại của chúng ta đều có một ý nghĩa nhất định với ai đó cho dù chúng ta không nhận ra.

Bà Elm là một thủ thư hay chơi cờ với Nora ở thư viện.

Bà cũng đã động viên và an ủi Nora lúc cô còn đi học.

Nhưng bản thân bà, ở những trang cuối sách, đã nói rằng mình là một người vợ và người mẹ rất tệ.

Vào ngày Nora tìm ra được niềm vui của việc được sống, Nora đã đến viện dưỡng lão chơi cờ và cảm ơn bà vì nhờ những ngày tháng ở bên bà, Nora cảm nhận được sự ấm áp.

Và không thể không kể đến cậu bé học đàn với Nora và ông hàng xóm.

Vì Nora đã mang lại điều tốt đẹp cho họ dù không hề nhận ra.

Thật ra, thư viện nửa đêm không hề tồn tại, nó chỉ là hình ảnh được cụ thể hoá cho dễ hình dung.

Nó cũng có thể là cửa hàng video (như một nhân vật cũng có trải nghiệm tương tự với Nora kể lại), một cửa hiệu đồ chơi, hoặc là một quán cà phê.

Bà Elm, hay một ai đó có ý nghĩa với bạn, xuất hiện ở nơi đó như một người dẫn đường.

Một người sẽ giúp bạn chốt lại những bài học sau mỗi trải nghiệm sống.

Trên thực tế, việc tự mình chốt lại bài hoc riêng cho bản thân sau mỗi sự kiện diễn ra là một việc cần thiết.

Vì nếu không, cho dù có trải nghiệm ngàn cuộc đời, chúng ta vẫn sẽ hoang mang đi tìm một cuộc đời không có thực.

Quá nhiều bài học rồi, nếu mà ngồi viết nữa mình nghĩ chắc review này sẽ dài lắm.

Mình nghĩ rằng quyển sách này rất hợp với không khí cuối năm. Vì cuối năm là dịp chúng ta nhìn lại bản thân mình mà.

Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người vẫn luôn được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Ngọc Diệu – Nhà của Di

4 Responses

Leave a Reply