nhacuadi-nhu-cau-duoc-can-den

#10 Nhu cầu được cần đến – The need to be needed

Nhu cầu được cần đến (tên tiếng Anh là The need to be needed) là một trong những nhu cầu của con người, bên cạnh 5 nhu cầu cơ bản trong tháp nhu cầu Maslow mà chúng ta đã biết.

Mình nhận diện được nhu cầu này, nhưng mãi chẳng biết phải gọi tên thế nào cho đúng thì vô tình gặp được hai câu chuyện có liên quan. Vậy nên chuỗi bài viết Câu chuyện chữa lành hôm nay sẽ nói về nhu cầu này.

Một lần trong bộ phim One of us is lying đang chiếu trên Netflix và lần thứ hai là trong quyển sách A beautiful day in the neighborhood của Mister Roger.

Nhu cầu được cần đến là gì?

Trước khi đi vào nội dung chính, mình muốn trích dẫn câu nói nổi tiếng này.

He who has a why to live for can bear almost any how.

Friedrich Nietzsche

Ai có lý do để sống có thể vượt qua mọi nghịch cảnh.

Câu nói trên là của triết gia người Đức, Nietzsche. Ông cũng có một số quyển sách được dịch và xuất bản ở thị trường Việt Nam.

Sau này, trong tác phẩm Đi tìm lẽ sống, tác giả Viktor cũng có trích dẫn lại.

Một cách dễ hiểu, chúng ta cần lý do để có điểm tựa cho những khi chông chênh và mất phương hướng.

Lý do đó, trong hai ví dụ mình sắp kể ra dưới đây, đều cùng hướng một điểm chung.

Đó chính là cảm giác bản thân có giá trị hoặc hiểu nôm na là có ai đó cần đến sự tồn tại của chúng ta.

Mà nhu cầu này thì được những nhà tâm lý gọi là nhu cầu được cần đến (The need to be needed).

Câu chuyện từ One of us is lying

Đây là một bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ tác giả Karen M. McManus.

Nội dung liên quan đến một vụ giết người, cụ thể là một học sinh nam. Các tập phim sẽ dần dần mở ra những vấn đề xoay quanh những học sinh cấp 3, bạn của cậu bé.

Trong đó, hai chị em Bronwyn và Maeve làm mình chú ý.

nhu-cau-duoc-can-den
Maeve bên trái và Bronwyn bên phải

Bronwyn là chị còn Maeve là em. Đối với Maeve thì Bronwyn như một thái cực khác, học giỏi và có một tương lai đáng mơ ước.

Còn Maeve vì mắc bệnh bạch cầu nên dành rất nhiều thời gian trong bệnh viện để thực hiện các đợt hoá trị. Cũng chính vì vậy mà Maeve có một mặc cảm rất lớn.

Đến tập 4, trong phân đoạn hai chị em cãi nhau về việc Maeve gửi cho người khác những tấm hình khoả thân, khi được hỏi vì sao lại làm như vậy, Maeve đã nói:

Maybe I was relieved to finally have something to show off.

Maeve – One of us is lying

Có lẽ là do em cảm thấy nhẹ nhõm khi cuối cùng cũng có gì đó để thể hiện ra bên ngoài.

Maeve chia sẻ rằng khoảng thời gian sau khi điều trị, em mắc phải những triệu chứng làm cho bản thân thấy tự ti. Và chỉ có bằng cách này thì em mới cảm thấy bản thân mình có gì đó hay ho.

Xem đến đoạn đó, mình chợt giật mình.

Vì sao cô bé lại chọn cách như vậy?

Vì cô bé chưa từng cảm nhận được thứ tình cảm không điều kiện.

Vì chưa từng có ai cho cô bé cảm giác họ cần cô bé, cần sự tồn tại của cô bé bất kể ngoại hình hay tài năng.

Thú thật, mình cũng từng chứng kiến rất nhiều đứa em quen biết chuyển đổi từ hình tượng hồn nhiên đúng lứa tuổi thành một phiên bản hoàn toàn khác.

Mình tin rằng ai cũng có toàn quyền quyết định nên làm gì với cơ thể của bản thân. Tuy nhiên, động cơ đằng sau những hành động đó là gì?

Có phải các em nghĩ rằng, chỉ bằng cách này, mình mới níu giữ được trái tim của ai đó hoặc là mới có ai đó cần mình hay thậm chí chấp nhận mình?

Không thiếu những trường hợp các bạn nữ bị lạm dụng và đối xử rất tệ bạc trong chuyện tình cảm. Cho dù đối phương có làm gì thì các em cũng không buông tay để cho mình một lối thoát.

Ngẫm lại những trường hợp của những em mình biết, hầu như các em không hề có tiếng nói trong gia đình và thường được cha mẹ sắp đặt sẵn.

Một số em thì sống dưới áp lực mình là gánh nặng cho cha mẹ. Mình rất vô dụng, làm gì cũng sai nên cha mẹ cũng không cần mình.

Những tác động này vô hình dẫn đến mong muốn đi tìm kiếm sự công nhận ở người khác.

Thế nên chỉ cần biết có ai đó ngoài kia cần mình, khen mình, các em sẽ nghe theo và nhất quyết không rời đi.

Vì đó cũng là lý do để các em tồn tại cơ mà.

Câu chuyện từ quyển sách của Mister Rogers

Nhắc đến cơ duyên mình biết đến Mister Rogers chắc chắn phải nhắc đến lần mình dịch sách.

Câu chuyện của ông Fred Rogers (lúc đó chỉ là một thanh niên ngoài 20) thuyết phục một vị lãnh đạo vào năm 1969 để chương trình dành cho thiếu nhi không bị cắt giảm ngân sách đã làm mình cảm động.

Nếu có thời gian, mình mời mọi người xem phần trình bày ngắn gọn nhưng rất cảm động này nha.

Chương trình mà Fred Rogers thực hiện mang tên Mister Rogers’ Neighborhood đã là một người bạn thật sự của trẻ em Mỹ trong khoảng thời gian rất dài.

nhu-cau-duoc-can-den-mister-rogers
Mister Rogers

Rất nhiều trẻ em đã học, đã chơi, đã lớn lên và trưởng thành cùng những bài học của ông Rogers.

Trong đó, thông điệp mà ông luôn luôn chia sẻ, từ khi mới thành lập chương trình cho đến khi nói lời chào tạm biệt đó là:

I love you just the way you are.

Mister Rogers

Chương trình được thực hiện rất đơn giản, chỉ là những cảnh quay ông Rogers trong khu nhà được dựng ở phim trường. Ở đó, ông gặp gỡ mọi người và nói về những điều bình dị trong cuộc sống.

Ông cũng chia sẻ những điều mà cha mẹ cảm thấy khó lòng làm cho con cái hiểu, chẳng hạn như sự mất mát người thân, chuyện li dị hoặc chiến tranh.

Chắc chắn mình sẽ có một bài viết cụ thể để nói về chương trình này của ông.

Trong một lần dạo nhà sách, mình vô tình thấy quyển sách duy nhất tổng hợp tất cả những câu thoại của ông trong chương trình và đã mua ngay.

nhu-cau-duoc-can-den-mister-rogers
Mister Rogers do Tom Hanks thủ vai trong bộ phim cùng tên sách.

Và mình đọc được dòng này đây:

Children do not develop in a healthy way unless they have the feeling that they are needed – that they enhance the life of someone else, that they have value apart from anything that they own or any skill that they learn.

Mister Rogers

Trẻ em không phát triển một cách lành mạnh trừ khi các em có cảm giác rằng mình cần thiết – rằng em nâng cao cuộc sống của người khác, rằng giá trị của em nằm ngoài bất kỳ thứ gì em sở hữu hoặc bất kỳ kỹ năng nào em học được.

Đọc xong câu này xong mình khóc tu tu như một đứa trẻ.

Rõ ràng, nhu cầu được cần đến là một nhu cầu cơ bản của việc tồn tại. Cảm thấy sự tồn tại của mình có ý nghĩa với những người xung quanh thì mới quý trọng sự tồn tại của bản thân mình.

Có rất nhiều người, thậm chí là một vài bậc cha mẹ, xem sự tồn tại của con mình là điều hiển nhiên. Chắc hẳn vì họ cũng xem sự tồn tại của bản thân mình là điều hiển nhiên.

Thế nên mới có chuyện họ hay nhìn vào những thành tích bên ngoài mà đánh giá và nhìn nhận một người.

Nếu như không được đáp ứng nhu cầu được cần đến đó, con người có xu hướng làm tất cả những gì có thể để làm hài lòng người khác.

Cũng tương tự như trường hợp của Maeve phía trên. Và tương tự như những người em mà mình biết.

Ngay cả chuyện chúng ta cố gắng làm hài lòng cha mẹ cũng là một trong những biểu hiện của việc thiếu cảm giác được cần đến.

Nếu con không làm được việc này, nếu con không được điểm 10 hay nếu như con không được hạng Nhất thì ba, mẹ sẽ abc.

Điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải làm gì đó mang lại giá trị, thì bạn mới xứng đáng có được tình thương của ba mẹ.

Nếu như bạn có vô tình đọc được bài viết này, mình chỉ muốn nhắn với bạn rằng, sự tồn tại của bạn rất quý giá.

Và bạn không cần phải trở thành ai đó khác, hay phải làm điều gì đó cho ai chỉ để cảm thấy bản thân mình có giá trị.

I’m proud of you. And I hope that you are proud of you too.

Mister Rogers

Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì bạn vẫn luôn được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Ngọc Diệu – Nhà của Di.

Tags: No tags

4 Responses

Leave a Reply