AI – trí tuệ nhân tạo chắc hẳn không phải là một cái gì quá xa lạ với mọi người thời gian gần đây. Nhưng ứng dụng của AI thế nào thì mình nghĩ là không phải ai cũng hiểu rõ.
Trong bài viết ở phần 1 chuyên mục Học tập này, mình xin chia sẻ về một trong những điều trí tuệ nhân tạo đã làm được và đã ứng dụng trong đời sống của chúng ta.
Contents
Vì sao mình chia sẻ về trí tuệ nhân tạo?
Mùa tuyển sinh đại học, mùa tuyển dụng, mùa lựa chọn nghề nghiệp đã đến. Mình được nghe rất nhiều nguyện vọng chọn học ngành Khoa học máy tính vì lương cao, vì những tiềm năng trong tương lai.
Bảng phía dưới cũng có thông tin cho thấy nguyện vọng vào ngành Máy tính đứng thứ 2, sau nhóm ngành Kinh doanh và quản lý.
Cụ thể trong đó, nhiều em nói rằng sau này mình muốn làm Kỹ sư máy tính, chuyên về mảng Trí tuệ nhân tạo.
Nhưng khi hỏi cặn kẽ xem mọi người có biết thật sự ứng dụng của AI – trí tuệ nhân tạo giúp ích được gì trong đời sống không thì hầu như mọi người không rõ.
Mình không phải là người làm trong lĩnh vực công nghệ, nhưng là người sử dụng những sản phẩm công nghệ có liên quan đến AI. Nên mình xin chia sẻ dưới góc độ người sử dụng, và giải thích một chút cho những ai quan tâm.
Zalo – Sản phẩm của người Việt cho người Việt
Chắc hẳn không ít người trong chúng ta sử dụng ứng dụng chat dành cho người Việt mang tên Zalo.
Ngày xưa, mình từng là một người bài xích sử dụng Zalo.
Vì mình nghe nói môi trường trên đó không được lành mạnh, đầy những hình ảnh và thông tin liên quan đến mại dâm hay bạo lực.
Hình ảnh của một ứng dụng dành cho người Việt trở nên xấu dần trong mắt mình, và thậm chí là trong mắt những người xung quanh mình.
Vô hình trung, đây là một nơi không chính thức quảng cáo cho những hoạt động đồi truỵ.
Vì sao mình sử dụng Zalo?
Đối với mình, Zalo có tốc độ gửi tin nhắn và các tập tin đính kèm rất nhanh. Nhiều lúc Facebook còn chưa tải nổi tin nhắn thì bên đây mình đã gửi xong các văn bản cần thiết rồi.
Kế đến là trong khi làm việc, mở Messenger để chat sẽ bất tiện hơn nhiều vì có nhiều yếu tố phân tâm.
Trong khi Zalo thì chỉ kết bạn với người khác thông qua số điện thoại, và như vậy thì hầu như là kết bạn vì mục đích việc làm. Nên từ hồi đi làm mình dùng ứng dụng này nhiều hơn.
Nhưng mình có thành kiến nhất định với sản phẩm này vì những lý do nêu trên.
Thật sự ra, sau này mình mới biết, để ngăn chặn những nội dung như vậy, có một đội chuyên nhận diện những nội dung này và ra thông báo cấm tài khoản.
Nhưng sức người thì có hạn, mà thủ đoạn lách luật và cung – cầu trong ngành nghề này rất nhiều. Vậy nên, để dọc và duy trì môi trường trong sạch cho người dùng rất khó khăn.
Ứng dụng của AI nằm ở đây
Lúc này là lúc mà trí tuệ nhân tạo phát huy tác dụng của nó.
Các dạng dữ liệu khác nhau mà nó có thể xử lý bao gồm hình ảnh (image), âm thanh (audio), video, chữ (text), số (number).
Trong phần hình ảnh, phải nhắc một khái niệm là Image Classification, nôm na là phân loại hình ảnh.
Để dễ hiểu hơn, mình sẽ giải thích quá trình này thông qua bức hình dưới đây.
Đầu tiên, bạn phải gắn nhãn cho những bức hình và quá trình này tên là Labeling. Ở đây có 2 loại là trái táo (apple) và bánh cupcake.
Sau đó, bạn đào tạo cho máy hiểu đâu là hình trái táo, đâu là hình bánh cupcake.
Sau khi máy đã hiểu và học xong, khi bạn đưa cho máy nhận diện một bức hình bất kỳ. Trong ví dụ này là một bức hình bánh cupcake chưa được gắn nhãn.
Máy có nhiệm vụ trả về kết quả rằng đây là bức hình bánh cupcake.
Như vậy, nếu như chúng ta áp dụng được Image Classification vào trong Zalo thì sẽ lọc được những bức hình nhạy cảm không nên xuất hiện.
Cụ thể hơn, chúng ta sẽ có thể phân loại những bức ảnh trên Feed của Zalo. Feed thì tương tự như newsfeed mà chúng ta dùng bên Facebook, chính là những gì bạn đăng lên tường ở chế độ Công khai.
Thế là team Zalo AI vào cuộc ngay.
Trước tiên, những bức ảnh nhạy cảm sẽ được gắn nhãn để biết nó thuộc vào loại nội dung gì. Phần này thì phải có sự can thiệp của con người.
Sau đó, những mô hình sẽ được xây dựng (đây là phần liên quan đến những dòng code và những kĩ thuật khó nhằn) để dạy cho máy biết đây chính là những bức ảnh thuộc nội dung nhạy cảm nè.
Lần sau, khi đưa ảnh chưa được gắn nhãn, máy phải bắt được những bức ảnh tương tự như vậy nghe chưa.
Sau khi dạy máy xong thì cũng phải trải qua quá trình thử nghiệm, dạy đi dạy lại. Vì dạy một lần thì cũng chưa ổn lắm.
Và khi đã xong xuôi hết rồi, thì sau này không còn cần phải phân loại bằng tay nữa, nhất là với lượng dữ liệu khổng lồ như ở Zalo.
Hiện tại, mọi người có thể thử tính năng Image Classification trên trang web chính thức của Zalo AI. Mình để thông tin ở đây.
Mình nghe những người bạn trong team Zalo AI kể, một ngày Zalo phải xử lý đến 20 triệu bức ảnh và đều làm bằng tay.
Từ khi có em “máy” này, giờ đây các bạn nhân viên chỉ cần rà soát lại những bức ảnh máy chưa chắc chắn. Còn phần lớn, máy đã tự động lọc và ra lệnh cấm với những tài khoản đăng ảnh trái phép rồi.
Việc tự động hóa đã tiết kiệm được rất nhiều nhân lực và chi phí. Đồng thời, máy xử lý được những nội dung mà thậm chí gây khó chịu cho người xem.
Không biết mọi người có còn nhớ vụ việc nhân viên Facebook đã từng đệ đơn kiện vì họ phải kiểm duyệt nhiều nội dung độc hại trong môi trường làm việc không? Vào năm 2020, họ nhận được một khoản bồi thường là 52 triệu đô la Mỹ cho những tổn thất về tinh thần ấy.
Nội dung độc hại đó chính là những bức ảnh không hay ho và thậm chí là rất kinh tởm ấy. Việc tiếp xúc với những hình ảnh đó mỗi ngày về lâu về dài sẽ có ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của con người.
Nay đã có máy giúp sức thực hiện công việc này rồi. Lợi hại ghê chưa?
Giải thích đơn giản cho dễ hiểu, và cũng là cách mà mình hiểu được ứng dụng của AI đã giúp ích cho cuộc sống của con người nói chung và người Việt mình nói riêng.
Mình vẫn luôn tự hào và biết ơn những điều hay ho như vậy. Và vẫn còn nhiều lắm những điều hay ho mà công nghệ và những kỹ sư công nghệ mang đến cho cuộc sống của chúng ta.
Mình hiểu rằng để có được một sản phẩm chất lượng và duy trì được môi trường mạng xã hội lành mạnh, những bên có liên quan phải làm việc rất vất vả, đau đầu nặng óc chứ không đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ.
Hẹn gặp lại mọi người ở phần 2. Mình sẽ chia sẻ tiếp về các ứng dụng khác nữa, như nhận diện khuôn mặt (FaceID), trích xuất thông tin từ ảnh thành chữ hoặc từ chữ thành giọng nói chẳng hạn.
Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người vẫn luôn được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.
Ngọc Diệu – Nhà của Di.