#6 Review “Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi…” – Lê Nguyễn Nhật Linh

Đầu tiên, xin được phép nói với mọi người đây là tản văn không nói về chuyện yêu đương diễm tình như dự đoán theo tên sách. Nếu không thì mình sẽ chẳng mua quyển sách này đâu.

“Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi…” có thể là một câu nói của bất kỳ ai trong chúng ta, vào những thời điểm chênh vênh, mông lung và mong muốn có ai đó lắng nghe và hiểu được tâm tư mình.

nhacuadi giangaythangaycosnguoihieutoi
Nhân một hôm ngồi cà phê, mang theo quyển này đọc là một lựa chọn sáng suốt.

Tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh là một chị ngoài Hà Nội mà mình rất ngưỡng mộ. Mình biết chị thông qua những bài viết chia sẻ những kỉ niệm bên Nhật trên Facebook. Mình dõi theo hành trình của chị từ khi chị mới có người yêu, cho đến bây giờ thì họ đã cưới nhau và có hai em bé kháu khỉnh rồi.

Trên trang cá nhân, chị chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống, từ đời sống hàng ngày, chuyện công việc, chuyện yêu đương. Mình thích chị đơn giản vì cuộc sống tự do mà chị xây dựng từ những ngày còn làm việc vất vả bên Nhật, lúc mà chị chỉ có một mình. Rồi những đoạn tin nhắn tình cảm của chị với ông xã hiện tại từ hồi hai người mới cưa cẩm nhau, những lần chị khẳng định không phải là người đàn ông này thì chị sẽ không chịu ai hết. Những đoạn tin nhắn dù chỉ ngắn vài ba câu như ngày nay cũng không che giấu được sự hạnh phúc, bình yên của gia đình chị. Dù mình biết cuộc sống sẽ khó mà dễ dàng với bất kỳ một ai, nhưng dõi theo những điều tích cực của một ai đó cũng cho mình nhiều động lực trong cuộc sống.

Chị có nhiều tác phẩm đã xuất bản, nhưng không biết sao đây là quyển đầu tiên mà mình đọc của chị. Mình bị ấn tượng bởi tựa sách này, nó như đúc kết lại rất nhiều tâm tư, những dồn nén từ lúc nhỏ trong gia đình, khi đi làm ở nước ngoài và những nuối tiếc khi không ở cạnh những người quan trọng vào lúc họ trầm cảm.

Thể loại của sách là tản văn nên mỗi câu chuyện sẽ kéo dài khoảng 2 đến 3 trang. Điểm mình thích ở quyển tản văn này là câu chuyện và những nhân vật. Sách không phải là những dòng cảm xúc của riêng nhân vật tôi hoặc là những dòng tâm sự, miêu tả cảnh vật mà khi đọc sẽ làm tâm trạng hơi chùng xuống. Các nhóm nhân vật được chia thành cô, anh, tôi, bạn, chúng ta và sau đó mới là những bài viết tản mạn. Trong mỗi chương, các nhân vật xuất hiện với nhiều hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng tựu trung họ đều cảm thấy lạc lõng, không được lắng nghe, bị người khác áp đặt cuộc sống và chịu nhiều tổn thương.

Mình nghĩ chúng ta sẽ tìm thấy mình trong đó, trong những dòng chữ viết về cuộc đời của một ai đó khác. Mình tìm thấy mình những năm trước đây trong những đoạn nhân vật nói về việc không được lắng nghe, không được sống một cuộc đời đơn giản.

Nam có, nữ có, lứa tuổi nào cũng có, từ thành đạt có địa vị đến một bà mẹ bỉm sữa ở nhà chăm con. Từ một cô vợ, một anh chồng mẫu mực luôn hết lòng vì gia đình nhưng không được công nhận đến những người mẹ trẻ nuôi con một mình, từ những bạn trẻ xa nhà đến một nơi xa lạ để kiếm sống đến những trẻ lạ lẫm trong chính căn nhà mình, họ đều cần được lắng nghe.

Chị Linh có cách dùng câu chữ rất hay, những đoạn mô tả và những phép so sánh nhiều lần làm mình phải trầm trồ.

Mình sẽ trích một đoạn rất hay mà mình phải highlight trong sách ở đây:

“Không có ai có thể miêu tả chính xác đớn đau, nếu không bị đâm thủng bởi nó. Mỗi người đều có một hạn ngưỡng chịu đau khác nhau. Có người làm quá, có người giấu nhịn, có người sẽ bung bét xổ toạc… Đôi lúc. là chính mình với cả nỗi đau, cũng là một cơ hội chữa lành, thay vì tô đậm hay để trắng. Thi thoảng, cứ thật thà với cả khổ sở, mệt mỏi quá, thì dừng lại, dù chỉ để thở, bởi vì nhịn thở cũng là một sự chịu đựng tra tấn quá sức mình!”

Sách dày 200 trang, không quá dài cho một buổi tối thư giãn trên giường và sẽ đủ cuốn hút để không thể đặt xuống nếu chưa đọc xong.

Thứ tư thật nhẹ nhàng với một quyển sách như vậy thì cũng không tệ nhỉ?

Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

Leave a Reply