nhacuadi-yeu-nhung-dieu-khong-hoan-hao-haemin

#3 Yêu những điều không hoàn hảo – Đừng phớt lờ cơn phẫn nộ của mình

TĐCNTH&MCSVC là viết tắt của Tớ đọc cái này thấy hay và muốn chia sẻ với cậu. Hôm nay, mình đọc được những trang này trong Yêu những điều không hoàn hảo của Đại đức Haemin nói về việc chữa lành rất hay mà nhiều lần đọc trước đã bỏ qua.

Chắc cũng bởi vì lúc trước, mình đọc với tâm thế thưởng thức một quyển sách hay để xoa dịu tâm hồn.

Nay mình đã thật sự cảm nhận được những vết thương sâu của bản thân, và đọc thêm nhiều tài liệu khác thì nhận ra đây chính là hướng dẫn gãy gọn và dễ hiểu nhất cho vấn đề này.

Mọi người cùng đọc thử nha.

nhacuadi-yeu-nhung-dieu-khong-hoan-hao
Yêu những điều không hoàn hảo – Haemin

Yêu những điều không hoàn hảo – Khi gặp những người khó có thể tha thứ

Thực ra, bước đầu tiên để chữa lành vết thương sâu trong lòng chính là thừa nhận cơn phẫn nộ đang trào dâng trong bạn.

Khi vết thương càng sâu, cảm xúc oán giận và phẫn nộ hướng về người đã gây ra vết thương là loại cảm xúc sáng suốt nhất giúp cái tôi đã bị tổn thương tự đứng lên bảo vệ mình, vạch rõ ranh giới với đối phương.

Cơn phẫn nộ có vai trò như một bức tường chắn, nó giữ nhiệm vụ này cho đến khi vết thương của bạn khép miệng và dần hồi phục.

Nếu bạn cố tự thuyết phục bản thân rũ bỏ cơn phẫn nộ ấy, chưa biết chừng đối phương sẽ càng được thể mà mang đến một vết thương khác cho bạn đấy.

Tuy nhiên sẽ có một vấn đề khác, nếu bạn đã mang trong mình vết thương từ rất lâu nhưng vẫn giậm chân tại chỗ, liên tục nhớ về nó và tự nhốt mình trong cái khung của người bị hại.

Càng nhớ về những ký ức đau thương, bạn sẽ càng thấy chán ghét chính bản thân mình vì không có sức lực để kháng cự và chỉ biết nhận đòn như kẻ ngốc.

Và bạn sẽ mãi vẫy vùng trong quá khứ u ám với cơn thịnh nộ mà để vuột mất hiện tại.

Thường những lúc như thế, cho dù bộ óc ta có quyết tâm tha thứ và quên đi quá khứ thì trái tim vẫn không thể dễ dàng mở ra.

Hơn nữa, vì chúng ta chưa từng được dạy cụ thể phải tha thứ như thế nào nên trái tim và bộ óc hành xử hoàn toàn trái ngược nhau, khiến chúng ta đau khổ.

Chính cảm xúc phẫn nộ và oán ghét sẽ kéo quyết tâm tha thứ từ trên đầu xuống trái tim bạn.

Đừng phủ nhận sự phẫn nộ và oán ghét dâng trào trong bạn mỗi khi nghĩ đến người đó, cũng đừng tự đắm mình trong những cảm xúc ấy mà sống, hãy chấp nhận và theo dõi những cảm xúc của mình.

Để làm được điều đó, bước đầu tiên bạn cần phải đối diện với những cảm xúc oán ghét mình đã đè nén bấy lâu nay.

Khi những cảm xúc ấy dâng trào, đừng vùng vẫy trong chúng mà hãy ngắm nhìn chúng bằng ánh mắt ấm áp của lòng từ bi, xem năng lượng của niềm oán ghét ấy sẽ hiển hiện dưới hình hài nào bên trong bạn.

Hãy theo dõi cảm xúc của mình, như người mẹ dõi theo cảm xúc của đứa con.

Và điều kỳ diệu sẽ xảy ra.

Khi ngắm nhìn cơ phẫn nộ và nỗi oán ghét trong mình, bạn sẽ nhìn thấy cảm xúc nằm sâu bên trong chúng lộ ra từng chút từng chút một như khi ta bóc vỏ hành tây.

Với cá nhân tôi, bên dưới cơn phẫn nộ của mình tôi cảm nhận được mỗi buồn và sự đau khổ, và khi tiếp tục nhìn ngắm kỹ với ánh mắt từ bi độ lượng tôi đã nhận ra rất sâu dưới gốc rễ của cơn phẫn nộ ấy chính là nỗi cô đơn và sợ hãi những cuộc đoạn tuyệt.

Cứ như thế, khi bạn ngắm nhìn cảm xúc của mình với ánh mắt từ bi, trái tim đã đóng băng của bạn sẽ dần tan chảy và bắt đầu rộng mở.

Sau đó, vẫn với ánh mắt từ bi ấy, hãy ngắm nhìn chính người đã làm bạn tổn thương.

Hãy nhìn xem đối phương mang trong mình nỗi đau gì mà khiến họ đối xử với bạn như thế.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những lỗi lầm họ gây ra cho bạn sẽ được xí xoá, cũng như không có nghĩa là bạn sẽ phải tha thứ cho họ.

Mục đích của sự tha thứ là tự tháo bỏ những xiềng xích đang trói buộc cảm xúc của bạn vào những tổn thương trong quá khứ.

Tức, ta tha thứ không phải vì đối phương, mà vì ta muốn trở nên tự do, hoàn toàn thoát khỏi những đau đớn và ấm ức bên trong mình.

Để đạt được sự tự do ấy, việc hiểu đối phương đóng vai trò quyết định.

Khi bạn mở lòng mình và quan sát đối phương, bạn sẽ bất ngờ vì nhìn thấy những điều trước kia bạn không hề cảm nhận được.

Ví dụ như người hay làm bạn tổn thương thực ra là một người cũng đã phải chịu nhiều tổn thương khi còn nhỏ, dưới vỏ bọc hay xem thường bạn là một linh hồn từng bị người khác khinh thường vì ngoại hình, học lực, gia cảnh.

Khi khám phá ra những sự thật sâu kín ấy, bạn sẽ cảm thấy thanh thản hơn.

Bạn sẽ hiểu rằng ai cũng có những nỗi đau không khác gì mình, và nỗi đau trong bạn sẽ dần biến thành sự từ bi hướng tới chính bản thân bạn và tất cả mọi người trên thế gian này.

Hôm nay đến đây thôi.

Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

Tags: No tags

Leave a Reply