Chứng hay quên hay còn gọi là bệnh đãng trí có vẻ như không còn xa lạ với chúng ta. Thế nhưng, bạn đã biết vì sao mình hay quên chưa?
Thứ 4 vừa rồi, mình có thu một tâp podcast về cách ghi nhớ. Thế thì hôm nay, nhân một dịp mình đọc được những thông tin thú vị về não bộ, mình sẽ chia sẻ về việc hay quên và cách để khắc phục.
Contents
Chúng ta ghi nhớ như thế nào?
Trước khi hiểu được vì sao ta quên, chắc là phải truy ngược một chút về việc trí nhớ được hình thành như thế nào.
Nói ngắn gọn, chúng ta ghi nhớ nhờ vào những kết nối giữa các tế bào thần kinh trong não bộ.
Các sự kiện và thông tin trong cuộc sống sẽ được chuyển đổi thành dạng năng lượng, lan truyền theo các dây thần kinh và hình thành những mối liên hệ với các bên liên quan.
Xin phép được lược bỏ những thuật ngữ khoa học. Vì hôm qua ăn gì ta còn chưa nhớ, huống hồ chi là những món rối rắm này.
Các kết nối này trước tiên sẽ được hình thành trong một khoảng thời gian ngắn, chừng vài giây đến vài phút, gọi là trí nhớ tạm thời.
Sau đó, tuỳ vào điều kiện sinh hoạt hoặc mong muốn cá nhân, chúng sẽ được nâng cấp lên một khoảng thời gian dài hơn, gọi là trí nhớ dài hạn.
Lý do của chứng hay quên
Có bao giờ bạn rơi vào tình huống này chưa?
Bạn nhớ rất rõ những sự việc đã diễn ra vào ngày bạn biết tin mình đậu đại học. Nhưng bạn lại không thể nào nhớ nổi tối hôm qua mình ăn cơm với món gì.
Hoặc to lớn hơn là những gì bạn vừa đọc trong cuốn sách gần nhất đã bay đi đâu mất rồi.
Có rất nhiều lý do cho hiện tượng hay quên này.
1. Tuổi tác
Càng lớn tuổi, các tế bào thần kinh trong não bộ sẽ yếu dần và chết đi.
Đồng thời, quá trình tái tạo lại những tế bào này cũng sẽ chậm hơn rất nhiều so với khi còn trẻ.
Vì vậy, những liên kết đã được hình thành có nguy cơ bị đứt gãy. Những liên kết mới thì lại càng khó hình thành hơn.
Và như mình đã nói, một khi không còn liên kết, thông tin sẽ không có ai dẫn đường, và bạn sẽ quên.
2. Sự tập trung
Khi chúng ta không có chủ đích hoặc mất tập trung trong quá trình ghi nhớ, những thông tin ta tiếp nhận sẽ như những chú chim bay lạc không tìm được tổ để trở về.
Kết quả là những thông tin ở vùng trí nhớ tạm thời sẽ mất đi trước khi được đưa vào vùng trí nhớ dài hạn. Và chúng ta quên.
3. Thông tin cần nhớ không có ý nghĩa
Đối với những môn học yêu thích, hoặc những lĩnh vực ta quan tâm, dường như ta nhớ dai hơn.
Đó là bởi vì những thông tin này được xem là quan trọng, và ta liên tục lặp lại nó trong tâm trí.
Dẫn đến việc chúng mau chóng được chuyển từ vùng trí nhớ ngắn hạn đến vùng trí nhớ dài hạn.
Nghiên cứu của vấn đề này mình để link ở đây.
Chưa kể, từ việc yêu thích, ta tìm hiểu nhiều hơn.
Những thông tin tưởng chừng như rời rạc sẽ kết nối với luồng thông tin chính, tạo thành một mạng lưới vững chắc trong não bộ và khó lòng mà đứt gãy.
Nhưng một khi bạn không tìm thấy ý nghĩa của những gì cần ghi nhớ, quá trình trên sẽ không diễn ra. Và hay quên là một điều tất yếu.
4. Căng thẳng kéo dài
Những ảnh hưởng to lớn của chứng căng thẳng – stress – đã được nhắc đến rất nhiều.
Khi ta căng thẳng, cơ thể ta sẽ tiết ra những chất hoá học để báo động, sinh ra những triệu chứng như mất ngủ, chán ăn, xanh xao, v.v…
Lúc này, cơ thể đang trong tình trạng báo động đỏ. Não bộ cũng sẽ dừng ngay những hoạt động đòi hỏi nhiều năng lượng như học tập hay ghi nhớ.
Chính vì vậy, chúng ta sẽ khó ghi nhớ thông tin.
5. Trầm cảm hoặc đắm chìm trong quá khứ
Đừng xem thường những cảm xúc u uất hay đau buồn của bản thân.
Chúng ta sẽ khó lòng tập trung vào những giây phút của hiện tại khi còn đang bận lòng với những niềm đau cũ.
Tâm trí lúc này cũng sẽ không thể thực hiện được hoàn chỉnh chức năng của nó.
Chúng ta sẽ rơi vào trạng thái hoang mang, mơ màng không biết mình đã ăn hay chưa, mình đã hoàn thành công việc được giao chưa.
Đây chính là những biểu hiện của bệnh hay quên.
6. Sự cô độc
Một nghiên cứu của trường Đại học Harvard đã chỉ ra rằng những người lớn tuổi có đời sống tinh thần thoải mái bên những người bạn sẽ quên chậm hơn những người sống một mình.
Vẫn chưa có những giải thích rõ ràng cho nghiên cứu này.
Tuy nhiên, họ cho rằng có thể do quá trình giao tiếp với người khác, người lớn tuổi có cơ hội suy nghĩ và truy xuất thông tin. Giống y hệt như việc họ cho não bộ tập thể dục vậy.
Làm sao để cải thiện chứng hay quên
1. Tăng cường vận động
Tác dụng của vận động đã được nhắc đến rất nhiều, chẳng hạn như tăng lượng máu lên não, tăng lượng oxy lên não, giảm việc sản sinh các hormone gây stress, …
Và những tác dụng đó vừa hay lại chính là những cách tốt nhất để ngăn ngừa lý do hay quên.
2. Chế độ ăn uống lành mạnh
Đợt giãn cách vừa rồi, đời sống của chúng ta thay đổi 180 độ.
Không còn cơm hàng cháo chợ, không còn trà sữa được giao đến tận nhà, cơ thể chúng ta dường như được nhẹ nhàng hơn.
Giảm thiểu những tác nhân ảnh hưởng đến sức khoẻ và não bộ cũng là một cách giảm thiểu chứng hay quên.
3. Tăng cường tập thể dục cho não bộ
Hãy luyện tập cho não bằng cách thách thức nó thực hiện những nhiệm vụ mới.
Học một ngoại ngữ mới hoặc chơi các trò chơi tính toán cũng là những cách hay.
Việc liên tục truy xuất thông tin từ những liên kết não bộ cũ và học hỏi để hình thành liên kết mới là 2 cách cực kì hữu hiệu để tăng cường trí nhớ.
Hy vọng những thông tin trên phần nào đã giúp ích cho mọi người.
Mong rằng dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người vẫn luôn được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.
Nhà của Di.