Quy tắc 5 KHÔNG (Ôn thi #1)

Mùa thi đến rồi, mùa lo đến rồi…

Thời điểm này mọi năm đã là hè rồi, không cần phải cắp sách đến trường nữa. Nhưng năm nay vì dịch bệnh, lịch thi bị dời lại, mà bài học thì ngày càng chất đống nên mình xin phép chia sẻ một số cách học mà mình đã áp dụng từ đó đến nay.

Mình gọi đây là quy tắc 5 KHÔNG với 5 tiêu chí như sau:

  1. KHÔNG ĐỢI ĐẾN NGÀY THI MỚI HỌC
  2. KHÔNG CHỦ QUAN VỚI MÔN DỄ
  3. KHÔNG HỌC PHIÊN BẢN TÓM TẮT
  4. KHÔNG DỒN DẬP
  5. KHÔNG SỢ, KHÔNG CUỐNG, KHÔNG HOANG MANG

Không đợi đến ngày thi mới học

Lịch thi sẽ được công bố ít nhất là 2 tuần trước ngày thi. Việc của mình là sắp xếp thật khoa học ngày ôn thi sao cho môn nào cũng được ôn đầy đủ, ít nhất là 2-3 ngày. Mình đính kèm ở đây một cái ảnh lịch ôn thi hồi mình học đại học. Trong đó, mình chia 1 ngày thành 3 buổi và xếp các môn vào. Môn nào quan trọng thì số buổi phải nhiều hơn những môn khác. Vì lịch thi của mình có trước 1 tháng, nên mình dành hẳn 1 tháng để ôn thi dần dần.

lich on thi hoc ki
Trong này có thesis là tiểu luận của mình, phải lên lab nghiên cứu và viết thành đề tài nên minh dành thời gian nhiều cho nó. Thứ bảy là ngày mình xả hơi hoàn toàn, mình sẽ không ôn thi quá nặng nề vào ngày này.

Không chủ quan với môn dễ

Chắc chắn trong lúc học sẽ có những môn khá dễ với khả năng của mình, hoặc là đã làm quen bài tập ở lớp. Nhưng chính những môn này lại có thể là môn thấp điểm nhất khi thi. Lý do là khi chủ quan, ta thường không ôn lại những dạng bài đã học, hoặc tính ẩu, làm sai. Tuyệt đối không được xem thường bất kì môn học nào. Vì kết quả của môn nào cũng quan trọng như nhau.

Không học phiên bản tóm tắt

Thường thì mỗi môn học sẽ đi kèm 1, 2 cuốn giáo trình (hoặc với học sinh là sách giáo khoa) và tài liệu được phát ở lớp. Mọi người thường hay học những bản tóm tắt ở tài liệu được phát, mà quên luôn sách và giáo trình. Đây là một quyết định sai lầm. Vì tài liệu được tóm tắt từ sách sao cho cô đọng nhất có thể, nên nó chỉ phản ánh những ý cốt lõi. Còn diễn giải, ví dụ, bài tập và mở rộng thì nằm trong sách và giáo trình. Nhưng đi thi thì bạn biết rồi đó, mấy khi được hỏi 1+1 bằng mấy đâu. Toàn hỏi những câu hỏi cao siêu không ấy.

Không dồn dập

Không nên học 1 môn liên tục trong cả 2, 3 ngày vì dễ gây nản và quên. Hãy sắp xếp các môn xen kẽ, vừa kích thích sự hứng thú lại vừa giúp cho cơ thể không bị mệt mỏi. Điển hình, mình thường xếp các môn học bài xen kẽ các môn tính toán. Ví dụ sau khi làm Toán khoảng 1 tiếng, mình sẽ học Sử 30 phút.

Không sợ, không cuống, không hoang mang

Lịch ôn thi đã có, thì cứ làm theo như vậy thôi. Hãy để cho tâm lý thoải mái. Đừng sợ vì sớm muộn gì chẳng thi, mình lại chuẩn bị sớm thế này, có gì nữa mà sợ.

Không cuống cuồng trong lúc học. Hãy giữ tâm trạng bình tĩnh để việc học trong 1 hay 2 tiếng cũng đem lại hiệu quả tốt nhất.

Không hoang mang. Đừng bao giờ lo lắng liệu đề thi có khó hay không, rồi dành thời gian học để lật giở hết quyển tập này đến quyển sách kia. Hãy tập trung vào từng nội dung. Đề thi thì đến hôm thi mới biết được, hoang mang sớm cũng không để làm gì.

Hãy nhớ quy tắc 5 KHÔNG trên để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kì thi nhen.

Mình mong là dù như thế nào đi chăng nữa thì mọi người cũng sẽ được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

Tags: No tags

No Responses

Leave a Reply