ĐI TRỐN CHÍNH MÌNH

Lần trước, mình có đề cập đến chuyện làm thế nào để duy trì niềm tin tích cực. Trong đó, mình có nói là chúng ta tự tạo ra rất nhiều những trở ngại cho mình trên con đường được hạnh phúc và bình an.

Vậy thì những trở ngại đó là những điều gì? Mình sẽ kể 2 điều ở đây thôi, 2 điều mà mình thấy thường xuyên gặp ở mình và những người xung quanh.

Chúng ta luôn đặt điều kiện cho hạnh phúc của mình.

Không biết những câu nói như “Ráng học đi để mai mốt sướng”, “Bây giờ chịu khó một chút để mai mốt khoẻ” có làm ta thấy quen không?

Những câu nói hứa hẹn rằng bây giờ phải làm điều này điều nọ, để ngày mai ngày mốt ta sẽ được khoẻ, được thành tựu, được lợi ích. Và khi đã có những cái lợi ích đó rồi ta mới được quyền hạnh phúc, mới được bình an, được tận hưởng.

Nhưng thật sự không phải như vậy.

Tại sao không được bình an ở ngày thời điểm này, ngay lúc làm những việc này, lúc đi, lúc đứng, lúc ngồi, lúc nằm, lúc ăn cơm, lúc đi học, lúc làm việc? Mà phải chờ đến khi ép bản thân làm được cái này cái nọ, có được thành tích ABC thì mới được?

Và ngay chính cái cách mà chúng ta ru ngủ tâm trí và bản thân mình mỗi ngày bằng những lời động viên đó, tưởng chừng như vô hại, nhưng thật ra là cách chúng ta ép mình dẹp đi bản thân, đặt nó đứng phía sau những ngoại cảnh bên ngoài. 

Hồi lúc còn đi học, mình có đặt ra một quy luật cho bản thân là nếu như có bài kiểm tra nào điểm thấp, thì mình không được dùng máy nghe nhạc (ipod) trong 1 tuần. Mà ipod chính là phương tiện thư giãn của mình mỗi tối. Khi làm như vậy, chắc phải là mình dẹp qua một bên tâm trạng vui buồn của mình hay không?

Chính mình không ưu tiên hạnh phúc của mình, làm sao có thể duy trì suy nghĩ và niềm tin tích cực.

Mà không phải tự nhiên mà chúng ta sống theo “lập trình” như vậy đâu. Những câu nói đó đã xuất hiện từ khi ta còn nhỏ, lúc mà cách ta suy nghĩ cũng chính là cách mà thế giới xung quanh đặt vào, những người lớn xung quanh đặt vào.

Vì bố mẹ và những người lớn quanh ta cũng đang tự ép bản thân theo những câu nói như vậy. Nếu như, chỉ là nếu như thôi, ta không nhận ra và vẫn dùng những câu nói này, thì thế hệ tiếp nối sau này cũng sẽ vẫn tin như vậy.

Ta tạo ra ảo ảnh bận rộn để tránh những lúc đối diện với chính mình

Mình tin rằng nhiều người trong chúng ta đã từ rất lâu rồi không chầm chậm ăn, chầm chậm uống và chầm chậm trò chuyện.

Trò chuyện ở đây là những câu chuyện về chính bản thân, về những nỗi niềm, về những trăn trở và băn khoăn. À, mọi người đừng nghĩ rằng trò chuyện là cần phải có người hợp ý, rồi sợ người khác không hiểu những điều mình nói để rồi giấu nhẹm đi nỗi lòng của mình.

Lúc mình nói ra điều gì đó cho người khác nghe, thì mình mới thật sự là đối tượng đang nghe đó. Nói ra là một hình thức mình thành thật với mình, lắng nghe mình, vỗ về và thấu hiểu mình.

Không biết mọi người có trải qua chuyện lúc định hỏi ai đó một vấn đề gì, gặp người ta rồi, giải thích xong xuôi thì mình tự giải quyết được vấn đề đó luôn chưa?

Mình chuyên gia như vậy lúc còn đi học. Nhiều lần giải hoài không ra bài Toán, quyết định gọi sang cho nhỏ bạn để đọc đề và nhờ bạn chỉ hộ. Vừa đọc và giải thích xong là mình tìm ra cách giải luôn.

Vì khi đó, mình cố gắng trình bày một cách dễ hiểu nhất vấn đề mình đang gặp phải, đồng thời mình cũng đang sắp xếp lại những dữ kiện trong đầu. Thế là đến lúc vấn đề phải sáng tỏ thôi.

Biết lợi ích của những lúc chầm chậm sống là như vậy, nhưng sự bận rộn ta tự dựng xây vẫn không buông ta ra một chút nào.

Không có thời gian để dừng lại nghỉ ngơi, ngẫm nghĩ về những gì đã qua, về cảm xúc của mình, sắp xếp và cắt nghĩa từng chút, thì thời gian đâu để nhận biết suy nghĩ tiêu cực và tích cực là cái nào.

Sự bận rộn đó bảo vệ ta khỏi những lúc nhìn lại mình, khỏi những tổn thương và suy nghĩ tiêu cực ngày trước, làm cho ta quên đi. Khi không giải quyết gốc rễ vấn đề bên trong, niềm tin tích cực sẽ không có cơ hội mà lấp đầy bản thân ta nữa.

Vậy nên là, mình luôn kết thúc bài viết của mình bằng câu viết:

Mình mong là dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

Tags: No tags

Leave a Reply