nhacuadi-tieng-trieu-dang

#2 Review Tiếng triều dâng – Một câu chuyện tươi sáng của văn học Nhật Bản – Mishima Yukio

Tiếng triều dâng là một quyển sách mà đọc tựa và nhìn bìa là người đọc có thể đoán được nó liên quan đến biển hoặc miền sông nước. Và không biết sao mình có cảm giác đây là câu chuyện rất êm đềm, thậm chí là hơi u ám và có phần thê lương.

Nhưng mà nó không chính xác hoàn toàn như mình dự đoán dựa trên kinh nghiệm nghiền ngẫm rất nhiều tác phẩm văn học Nhật Bản.

Câu chuyện bên lề của Tiếng triều dâng

Quyển này được Nhã Nam xuất bản gần đây.

Hồi chuẩn bị cho ra lò, Nhã Nam có thực hiện một cuộc khảo sát nho nhỏ trên fanpage về việc chọn bìa cho tác phẩm này.

Lúc đó, fanpage đăng hai hình: 1 là bờ biển dưới ánh trăng, 2 là hình những căn nhà.

Cả hai bìa nhận được sự ủng hộ như nhau, thế là, Nhã Nam cho xuất bản 2 cái áo bìa khác nhau luôn.

Vì sách là phiên bản bìa cứng, nên bên trong là bìa chính, bên ngoài là bìa áo với 2 lựa chọn cho người đọc.

Tính ra Tiếng triều dâng có ba bìa tất cả.

nhacuadi-tieng-trieu-dang
Ảnh bìa Tiếng triều dâng. Nguồn: Nhà sách Cá Chép

Còn đây là phiên bản Tiếng triều dâng mình đã chọn nhân dịp đi hội sách.

nhacuadi-tieng-trieu-dang
Một buổi chiều mưa bên ngoài, mình lại chìm đắm vào không gian của riêng mình với Tiếng triều dâng

Nhắn nhủ trước khi đọc Tiếng triều dâng

Quyển này chỉ khoảng 200 trang thôi, cũng khá ngắn nhưng mình vẫn đọc rất chậm.

Một phần là truyện có mấy đoạn không cuốn lắm nên mình cứ đọc không chạy chữ.

Sở thích đọc của mình là những đoạn tự sự. Mình thích những đoạn nói chuyện của các nhân vật, hoặc là những đoạn kể về các sự kiện.

Đối với các phần miêu tả cảnh vật hay địa điểm, mình cảm thấy chán và sẽ đọc lướt qua cho nhanh.

Đoạn trích ở bìa sau của Tiếng triều dâng dễ gây hiểu lầm đây là một tác phẩm dung tục và trần trụi.

Hồi còn nhỏ, mình cũng khá là ngại ngùng khi cho người khác thấy mình đang đọc sách gì. Cũng chính vì những đoạn như sau đây.

“Cậu ôm trọn cơ thể cô gái vào lòng. Họ nghe thấy trong tấm thân trần trụi của người kia nhịp tim đang đập dồn dập. Chàng trai vẫn chưa thỏa khát khao, một nụ hôn dài càng hành hạ chàng, nhưng bất chợt từ lúc nào, nỗi khổ tâm trong lòng đã trở thành cảm giác hạnh phúc lạ lùng.

Ngọn lửa hơi yếu đi thỉnh thoảng lại bập bùng. Đôi trai gái trẻ lắng nghe tiếng lửa và cả tiếng rú rít của cơn bão vút qua cửa sổ trên cao hòa nhịp cùng tiếng hai trái tim đập rộn ràng.

Giờ đây, đối với Shinji, cơn say men tình lâng lâng bất tận này, tiếng sóng gầm gừ dữ tợn ngoài kia, tiếng gió lay những ngọn cây run rẩy, tất cả dường như đang dâng trào mãnh liệt trong cùng một âm sắc cao vút của thiên nhiên. Trong lòng chàng trai chan chứa một niềm hạnh phúc thuần khiết khôn nguôi.”

Đây là trích đoạn trong sách được in ở bìa sau

Đọc qua thì chắc rằng nhiều suy nghĩ sẽ vụt qua trong đầu, như kiểu tác phẩm này quá trần trụi và mang đầy màu sắc nhục dục.

Nhưng không, nó không hề giống những đoạn miêu tả quá chi tiết đôi lần làm người đọc ngại ngùng trong Rừng Na Uy của Haruki Murakami.

Những đoạn tả thực thế này trong tác phẩm thậm chí không làm mình khó chịu mà còn làm mình hiểu rõ hơn về bối cảnh và tính cách của những nhân vật.

Nếu hỏi mình có nên mua quyển Tiếng triều dâng này để đọc không, thì mình nghĩ rằng nên.

Nhưng với một điều kiện, bạn đừng mong cầu một câu chuyện gây cấn hoặc có nhiều chi tiết mới mẻ.

Câu chuyện này đẹp, nhưng rất đỗi đời thường, chỉ là thông qua đời sống của nhân vật, tác giả khắc họa được những sự kiện xã hội, nội tâm sâu kín của những nhân vật và nêu ra quan điểm của ông. 

Phía dưới đây, mình sẽ nói cụ thể về những chi tiết mà mình thấy ấn tượng nên đôi chỗ sẽ bị xem là “spoil”. Mọi người cân nhắc trước khi đọc tiếp nha.

Bối cảnh của câu chuyện

Mở đầu của Tiếng triều dâng là đoạn miêu tả về biển cả và hoạt động đánh bắt cá của người dân trên đảo.

Vì vùng đảo này khá hẻo lánh, nên những hoạt động của người dân đều xoay quanh biển, như đánh bắt cá hay lặn biển để bắt hải sản.

Ở đây, người dân bị phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Hôm này biển động hay có bão thì mọi hoạt động sẽ bị ngưng trệ.

Tác giả có nhắc đến một ý rất hay, về việc ở những thành phố, người dân thuần phục thiên nhiên và làm chủ nó, còn ở đảo này thì ngược lại.

Hai nhân vật chính xuất hiện, nảy sinh tình cảm nhưng vì chênh lệch gia thế nên bị ngăn cấm. Rồi một vài sự khó khăn diễn ra, cuối cùng thì kết thúc có hậu.

Vậy nên Tiếng triều dâng mới chính là một tác phẩm rất tươi sáng của văn học Nhật Bản mà mình nhắc phía trên.

Mình cũng hơi ám ảnh nên khi đọc đến những đoạn hơi trắc trở tí, mình sẽ nghĩ ngay đến biến cố không thể cứu vãn như tự tử, bị làm nhục hoặc là sẽ có người chết vì tai nạn. Ôi, mình đã tiêu cực đến thế cơ đấy!

Các nhân vật trong Tiếng triều dâng

Với mình, điểm đặc biệt nhất của tác phẩm là nhân vật. Nhân vật nam chính Shinji rất mạnh mẽ và chính trực, phải gọi là có khí chất, kiểu người mà chắc chắn sẽ làm được chuyện lớn ấy.

Ngay cả tác giả cũng đã nhận xét như vậy thông qua lời thoại của một nhân vật khác:

“Đàn ông phải có khí lực. Chỉ cần có khí lực là đủ. Đàn ông của đảo Utajima này là phải như thế. Gia thế hay tài sản thì cũng chỉ là thứ yếu. Bà trạm trưởng thấy có đúng không. Shinji là đứa có khí lực.”

Lời thoại của bố nữ chính – ông Terukichi

Nhân vật nữ chính Hatsue lại là một người rất khôn khéo và biết cách cư xử, lấy được cảm tình của cả mẹ chồng và cả làng ấy chứ.

Nhưng mình có cảm giác bạn nữ này, tuy bảo là mới lớn chưa biết bạn trai là gì, nhưng hơi bạo dạn trong một số tình huống mới gặp gỡ nam chính.

Nhân vật mình ấn tượng nhiều là Chiyoko, một nhân vật nữ phụ thích nam chính từ khi còn nhỏ nhưng không có cơ hội tiếp xúc nhiều do Chiyoko đi học xa nhà.

Bố mẹ gửi Chiyoko đi học ở đại học trên Tokyo, phần vì mong muốn của con, phần vì người mẹ muốn con mình thực hiện nốt ước mơ học hành của bà ấy.

“Và cũng vì vậy mà bà không nhận ra nỗi bất hạnh nhỏ nhoi trong lòng cô… Bên cạnh bếp sưởi, mẹ cô đang thêu thùa, bố cô thì im lặng hút tẩu. Bên ngoài là bão tố, bên trong là gia đình. Nhưng không ai nhận ra nỗi bất hạnh của cô”.

Suy nghĩ của Chiyoko trong một hôm giông bão

Chiyoko thì hay tự nhận là mình xấu xí, dù cô không phải như thế. Điều này cũng chứng tỏ một điều là Chiyoko không có niềm tin vào bản thân và thấy giá trị bản thân rất thấp.

Nên mới có chuyện chỉ cần nghe nam chính nhận xét mình đẹp là cô đã vui đến không nói nên lời. Trên quãng đường quay trở lại thành phố, cô nghĩ

“Người ấy đã thật sự khen mình như vậy. Bấy nhiêu thôi cũng mãn nguyện rồi”.

Suy nghĩa của Chiyoko khi quay lại thành phố – Mình đã rất buồn khi đọc đến đây.

Những đoạn miêu tả các nhân vật khác như mẹ Chiyoko, mẹ nam chính hay những người phụ nữ ở đây cũng rất thú vị. 

Đoạn kết của truyện rất có hậu và ấm áp.

Nhân vật nam chính sau khi trải qua thử thách suýt chết ngoài biển thì được đường hoàng lấy nữ chính làm vợ. Và sau trải nghiệm nguy hiểm đó, anh có niềm tin rất lớn vào bản thân mình.

Thậm chí có những đoạn, anh không hề vì xa người yêu mà bi luỵ, vì anh chọn lấy chính mình làm mục tiêu để cố gắng và để sống thật tốt.

Bài viết này là một chút suy nghĩ của mình về quyển sách này. Nếu bạn có quan điểm muốn trao đổi, thì comment cho mình biết với nhé.

Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Nhà của Di.

Leave a Reply