nhacuadi-sa-mon-khong-hai

#1 Review Sa môn Không Hải thết yến bầy quỷ Đại Đường – Một câu chuyện phiêu lưu không hoang đường

Mình đã phát hiện bộ sách Sa môn Không Hải thết yến bầy quỷ Đại Đường khi Nhã Nam xuất bản lần đầu tiên, nhưng mình đã dặn lòng rằng:

“Đây không phải là thể loại sách mà mình muốn đọc. No – không hề”.

Thế rồi bây giờ kế bên mình, có một chồng 4 quyển đủ bộ còn thơm mùi giấy mới vì mình đọc xong trong 4 ngày.

Vì sao vậy?

nhacuadi-sa-mon-khong-hai-thet-yen-bay-quy-dai-duong
Trọn bộ Sa môn Không Hải thết yến bầy quỷ Đại Đường của mình

Đây là bài viết đầu tiên trong chuỗi bài viết Review sách của mình. Để mình kể mọi người nghe về câu chuyện mình gặp gỡ Sa môn Không Hải lần đầu tiên như thế nào.

Mình có dịp ghé nhà sách Phương Nam nhân dịp lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5 và vô tình ghé quầy sách trinh thám cũng như truyện phiêu lưu.

Trên kệ sách, mình bị ấn tượng bởi quyển này, và vì mình đang muốn tìm hiểu xem sao cái tựa sách lại dài như thế – Sa môn Không Hải thết yến bầy quỷ Đại Đường của tác giả Yumemakura Baku, nên mình đã cầm lên đọc thử.

Sa môn nói nôm na thì là Nhà sư. Không Hải là tên của nhân vật chính. Thết yến là động từ. Bầy quỷ Đại Đường ý chỉ những con quỷ ở đất nước Trung Hoa xa xôi ngày xưa, cái thời Huyền Tông hoàng đế, thời Dương Quý phi thích ăn lệ chi (trái vải) ấy.

Hiểu được tựa đề rồi, mình vào đọc một vài trang đầu về nguồn gốc của câu chuyện này. Chao ôi, nhân vật sa môn Không Hải là một nhân vật có thật, là lưu học tăng từ Oa quốc (Nhật Bản) sang Đại Đường (Trung Quốc) để học Mật giáo.

Thời đó, Nhật Bản chỉ là một quốc gia hẻo lánh, chưa có nhiều sự phát triển như ngày nay nên các nhân tài ở đây sẽ được cử sang Trung Quốc để học tập. Thời gian sinh sống để có thể học tiếng và học kiến thức tối thiểu là hai mươi năm.

Trong chuyến đi sang Đại Đường đó, có hai nhân vật là sa môn Không HảiQuất Dật Thế – riêng anh này thì sang Đại Đường để học Nho giáo.

Ở Oa quốc, ngoài sa môn Không Hải, Dật Thế cũng là một học sĩ rất tài giỏi và thuộc diện ưu tú.

Thời gian ở Đại Đường, chỉ vài ngày đầu tiên mà hai nhân vật đã tham gia vào những chuyện ly kì xảy ra ở thành Trường An – kinh đô của Đài Đường, như là chuyện con mèo biết nói, chuyện con mèo tiên đoán về sự qua đời của Hoàng đế, chuyện những tiếng nói kì lạ vọng lên từ lòng đất của cánh đồng bông,…

Và thế là hai người họ đã tham gia vào một bí mật to lớn của Đại Đường mà cả Không Hải ban đầu cũng không ngờ đến.

Vì sao mình thấy bộ sách này hay?

_ Vì đây là những sự kiện lịch sử có thật, mốc thời gian diễn ra những sự kiện này đều được ghi chép lại trong các sách sử của Trung Quốc.

Thậm chí tác giả còn trích dẫn hẳn hoi những đoạn nói về sự kiện đó và những bài thơ liên quan.

Do đó, mình cảm thấy khá là thú vị khi có thể kể một câu chuyện phiêu lưu dựa trên toàn điều có thật như vậy. Những chi tiết nào là truyền thuyết, hay chỉ là đồn đoán của người thời đó, tác giả cũng nói rất rõ ràng.

_ Tuy là câu chuyện liên quan đến lịch sử, nhưng cách kể chuyện rất cuốn hút. Đây như một dạng page-turner, một khi đã cầm lên thì người đọc khó có thể nào mà buông xuống được.

_ Câu chuyện phiêu lưu của sa môn Không Hải thực chất là một cách để tác giả lồng vào đó những triết lý đến từ Đạo giáo hay Nho giáo.

Đọc Sa môn Không Hải thết yến bầy quỷ Đại Đường, mình như hiểu thêm về những điều hay ho liên quan đến vũ trụ và con người.

Chẳng hạn như việc Không Hải nêu ra quan điểm rằng khoảng cách từ vũ trụ đến Không Hải, đến Dật Thế hay đến cái cây bên đường kia hoàn toàn không khác nhau. Tất cả đều giống nhau mà thôi.

Hoặc là quan điểm về việc cái gì là Dật Thế?

Cánh tay của Dật Thế không phải là Dật Thế.

Cái chân của Dật Thế không phải là Dật Thế.

Vậy nếu bỏ tay bỏ chân thì cái gì mới là Dật Thế?

Nếu tháo từng bộ phận của Dật Thế ra thì có còn Dật Thế không?

Trích Sa môn Không Hải thết yến bầy quỷ Đại Đường

Câu trả lời của sa môn Không Hải là Dật Thế là phần linh hồn, tất cả những thứ bên ngoài mình nhìn nhận đều là thể xác mà thôi, từng bộ phận riêng rẽ không phải là chúng ta, khi ghép lại hoàn chỉnh cùng với linh hồn mới tạo ra ta.

_ Những đoạn đối đáp, đoạn suy luận của nhân vật rất khôn khéo, nhất là trong lúc gặp huyễn thuật – thuật làm cho người ta mê muội. Mình đã phải “ồ, à” khi đọc những đoạn đấy.

_ Bản dịch của Uyên Thiểm rất hay, ở cách trau chuốt trong ngôn từ và cách diễn đạt. Nhiều bài thơ tiếng Hán nhưng chị đã dịch lại rất mượt mà, làm mình thêm yêu thơ ca ngày xưa.

Về review từng quyển, mình có đăng trên Goodreads. Mình xin trích ra thành từng đoạn như sau:

Quyển 1: Ngày 10 tháng 5 năm 2021

Phải nói là quá hay ấy chứ. Ban đầu mình không ấn tượng với series này vì không thích các thể loại phiêu lưu kỳ ảo.

Nhưng hôm lễ, có dịp đọc cọp một đoạn thế là mình quyết định mua luôn.

Cách hành văn cũng như bản dịch của dịch giả Uyên Thiểm thật sự rất ấn tượng, không thừa không thiếu một câu một dòng nào.

Cách diễn đạt trơn tru, câu cú gãy gọn, mình cứ bị cuốn vào mạch truyện. À, mặc dù viết theo ngôn ngữ xưa nhưng không hề khó đọc.

Mình có cảm giác như đang theo dõi một bộ phim về kinh đô Trường An ngày xưa, từng địa điểm, từng chi tiết cứ lần lượt hiện lên trong đầu mình theo từng đoạn mô tả của truyện.

Phải mua liền tập 2 thôi.

Quyển 2: Ngày 15 tháng 5 năm 2021

Quyển 2 này lại thật sự là một kiệt tác khi có nhiều nhân vật xuất hiện hơn, và kể câu chuyện về 2 nhân vật là Huyền tông hoàng đế và Dương Quý phi.

Chuyện An Lộc Sơn tạo phản ra làm sao, lúc bấy giờ vì sao Dương Quý phi lại phải chết.

Điểm rất hay mà cuốn mình vào câu chuyện là tác giả dùng các sự kiện lịch sử có thật, nhân vật thật và các mốc thời gian thật, sau đó lồng vào đó câu chuyện của tác giả kể.

Đồng thời, tác giả cũng trích dẫn rất nhiều những lời kể trong sử sách, cả bên Trung Quốc và bên Nhật Bản để làm rõ hơn điều mình muốn nói.

Rồi qua đoạn đối thoại giữa các nhân vật, những quan điểm sống được nêu ra, làm mình cứ tấm tắc mãi.

Sa môn Không Hải chắc chắn là bộ truyện phiêu lưu kì bí mà mình ấn tượng nhất đến thời điểm hiện tại.

Quyển 3: Ngày 16 tháng 5 năm 2021

Quyển này hấp dẫn ở những chỗ dùng huyễn thuật, của Bạch Long, của pháp sư Huệ Quả, của Đan Ông với Tôn Nhân.

Những đoạn đối đáp mà mình phải thật sự thán phục.

Lá thư của Cao Lực Sĩ viết cho ngài Triều Hành chứa nhiều nội dung giá trị, nhưng dài dòng lê thê quá.

Ngẫm nghĩ lại, tâm sự của một người lớn tuổi sắp chết thì phải thế thôi, kiểu như muốn được người khác lắng nghe ấy mà.

Quyển 4: Ngày 17 tháng 5 năm 2021

Gấp sách lại, một sự khoan khoái vừa chảy tràn trong cơ thể mình, cùng với đó là niềm hân hoan và sự tiếc nuối khó tả.

Và mình tin rằng mình trước khi đọc và sau khi đọc Sa môn Không Hải thết yến bầy quỷ Đại Đường đã là 2 người hoàn toàn khác nhau.

Nhiều bình luận mình đã đọc được cho rằng cái kết này có vẻ còn nhẹ nhàng và không mấy hấp dẫn, làm cho quyển cuối này không li kì như những tập trước.

Nhưng cá nhân mình nghĩ, cái kết này như một điều tất yếu phải đến của những con người đã không còn mấy thời gian để tồn tại trên cõi đời này, hoặc giả là không còn lý do gì để níu giữ họ ở lại.

Mọi thù hận từ con người mà ra, thì cũng phải từ con người mà kết thúc.

Sa môn Không Hải như một cây cầu nối, bắt qua hiện tại với quá khứ, để ai nấy cũng đều thổ lộ được nỗi lòng.

Mình đọc hết 1 mạch trong ngày, trừ quyển 1 ra thì các quyển còn lại mình đều hoàn thành trong ngày.

Đây xứng đáng là bộ truyện hay nhất năm mà mình đọc được.

Dài dòng một xíu cho bộ sách mà mình yêu quý. Nếu mọi người thấy hứng thú có thể tìm đọc nhen.

Mình mong là cho dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Ngọc Diệu – Nhà của Di.

Leave a Reply