nhacuadi-yeu-trong-tinh-thuc-osho-cover

#3 Review Yêu – Yêu trong tỉnh thức, gắn bó trong niềm tin – Osho

Một trong số những quyển sách về việc thấu hiểu bản thân trong mối quan hệ tình cảm mà mình yêu thích có tên là Yêu – Yêu trong tỉnh thức, gắn bó trong niềm tin của Osho. HIểu mình và hiểu đối phương là sự hiểu biết cần thiết để xây dựng mối quan hệ bền vững.

Chắc mọi người sẽ nghĩ rằng những đề tài này có vẻ xa lạ và mang hơi hướm tâm linh tinh thần.

Nhưng nếu có một lần đọc thử và chiêm nghiệm, mọi người sẽ hiểu rằng chủ đề tâm linh tinh thần chẳng có gì khác với việc quay về thấu hiểu bản thân một cách rõ ràng nhất.

Vì làm sao chúng ta có thể sống một cuộc đời ý nghĩa, biết cách vượt qua được những khó khăn thử thách để học hỏi mà không hiểu được mình là ai, mình muốn gì?

Đây là một quyển sách cực kì thú vị trong chuỗi Review sách của mình.

Osho là ai?

Nói một chút về tác giả Osho.

Ông được mô tả là một trong “1000 người kiến tạo của thế kỷ 20”. Đồng thời, Osho còn được bình chọn là một trong mười người, cùng với Grandhi, Nahru và Đức Phật, thay đổi vận mệnh Ấn Độ.

Osho có rất nhiều tác phẩm, tất cả là những ghi chép từ những bài giảng và những cuộc phỏng vấn của ông.

Quyển đầu tiên mình đọc là Đức Phật, chắc là khoảng mấy năm về trước, lúc đó mình muốn tìm hiểu thêm những khái niệm cơ bản về Phật giáo.

Và thật sự thì sách đã mở mang cho mình nhiều điều.

Lần này, quyển sách mình muốn đề cập đến là Yêu – Yêu trong tỉnh thức, gắn bó trong niềm tin.

Sách này được First News tái bản lần 1 khoảng đầu năm nay và nhận được nhiều đánh giá rất tích cực.

Chủ đề này thì không quá xa lạ với chúng ta, thậm chí mình tin rằng tựa sách này sẽ thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến Osho hơn.

Sách được chia thành ba phần chính, trong mỗi phần lại được chưa nhỏ thành từng chương. Trong mỗi chương, Osho sẽ đưa ra những định nghĩa và những quan điểm về tình yêu, về cách chúng ta yêu bản thân và yêu người khác

Điều mà mình thấy rất ấn tượng về quyển sách này nằm ở những quan điểm và những cuộc đối thoại.

Những quan điểm về tình yêu từ khi chúng ta mới sinh ra, mối liên kết với cha mẹ, cha mẹ đã có những cách hành xử không đúng làm ảnh hưởng đến đứa trẻ như thế nào, rồi chúng ta lớn lên với quan điểm tình yêu sai lệch sẽ như thế nào.

Với độ dày 350 trang, lại nói về chủ đề gần gũi, nên mình đã vừa đọc vừa tấm tắc và ghi chú, tô dạ quang đầy sách. Đây chính là đoạn video mình quay sách của mình.

Sách phù hợp để đọc đi đọc lại nhiều lần, vì có khi quan điểm trong sách đã trùng với suy nghĩ của chúng ta rồi, có khi chưa. Nên việc đọc lại để hiểu sâu hơn theo mình là hoàn toàn cần thiết.

Một số đoạn trong sách tóm tắt lại những điều mình nghĩ thành câu cú có hệ thống và rõ ràng, làm mình lắm lúc cũng chưng hửng.

Từ đoạn này trở về sau, mình sẽ trích vài dòng mà mình yêu thích trong từng chương.

Phần 1 của Yêu trong tỉnh thức: Hành trình từ “tôi” đến “chúng ta”

Không phụ thuộc cũng không bị chi phối – Thoát khỏi vỏ bọc của cái tôi

Quan điểm về cái tôi cá nhân. Cái tôi sẽ trở thành rào cản trong quá trình yêu thương giữa bạn và người kia. Và bởi vì cái tôi được sinh ra từ sự yếu đuối và dựa dẫm. 

Chính vì suy nghĩ “Tôi là trung tâm của vũ trụ” mà chúng ta thường xuyên xung đột với người khác, ngay cả trong quan hệ yêu đương, chúng ta cũng mong muốn mình là người làm chủ, người nắm quyền.

Con người nên phát triển đến mức cao nhất về mặt nhận thức, nhưng không được để cho những cảm xúc tiêu cực làm chủ mình.

Muốn như vậy, ban đầu, khi được sinh ra, đứa bé cần ý thức được cái tôi thông qua sự yêu thương của cha mẹ và những người xung quanh.

Cái tôi như lớp vỏ bảo vệ đứa trẻ. Lớp vỏ đó không thể trở thành lớp bảo vệ cuối cùng, nếu không thì hạt giống sẽ chết.

Sống và yêu – Các giai đoạn tự nhiên

Các giai đoạn phát triển của con người theo từng lứa tuổi.

Ở đây, Yêu trong tỉnh thức của Osho cũng nói về những chủ đề liên quan đến tình dục một cách rất tự nhiên. Vì bản thân tình dục nếu được diễn ra đúng cách, sẽ làm cho đời sống con người tốt lên chứ hoàn toàn không gây hại hoặc nguy hiểm như mọi người hay dặn các bạn nhỏ.

Chương này cũng nhắc đến tầm quan trọng của 7 năm đầu đời, giai đoạn trẻ con sẽ phát triển vượt bậc nếu được chăm sóc đúng cách.

Ở độ tuổi mười mấy, các em thường được cha mẹ ngăn cấm làm quen với bạn bè khác giới, như vậy là đi ngược lại với sự phát triển bình thường của con người. 

Ngọn nến tỉnh thức

nhacuadi-yeu-trong-tinh-thuc-osho

“Làm cách nào để bắt đầu hành trình tiến tới tình yêu đây? Hãy tỉnh táo về hành động của bạn, về các mối quan hệ của bạn, về các cử động của bạn.”

Nội dung phần này cũng giống như những gì thầy Minh Niệm hay nhắc đến trong các bài giảng, rằng chúng ta nên ý thức được từng bước chân, từng hơi thở, từng món ăn chúng ta đưa vào miệng.

Chưa cần phải nghĩ đến điều gì cao siêu cả, chỉ cần chú ý đến đời sống thường ngày là được.

Phần 2 của Yêu trong tỉnh thức: Tình yêu là cơn gió mát lành

Những ý nghĩa vô hình trong đầu bạn

Tự do là giá trị cao nhất và nếu như tình yêu không mang đến cho bạn sự tự do, thì đó không phải là tình yêu.

Vậy mà đàn ông luôn tìm cách để người phụ nữ không quan tâm đến ai khác ngoài họ, còn phụ nữ cũng làm điều tương tự, thế là cả hai phát điên lên.

“Yêu là đau khổ” và những hiểu lầm khác

nhacuadi-yeu-trong-tinh-thuc-osho-quotes

Dạo gần đây, khi nghe một vài người bạn chia sẻ về câu chuyện tình yêu của họ, mình sẽ không khuyên họ như trước, rằng ráng lên, thử làm điều này điều kia xem sao.

Bây giờ, mình chỉ nói với họ rằng yêu là phải cảm thấy hạnh phúc, đó là điều cơ bản, là điều kiện bắt buộc.

Sao bạn có thể yêu ai đó mà chính bạn còn cảm thấy bất hạnh như vậy?

Lực hút và lực đẩy

Chương này có nhiều khái niệm về tình dục rất hay. Nhưng hay nhất vẫn là đoạn nói về nỗi cô đơn của con người.

Bạn cảm thấy cô đơn khi ở một mình, và khi có quan hệ tình cảm, bạn cảm thấy đau khổ. Hai kẻ cô đơn gặp nhau – điều đó có nghĩa là hai con người buồn rầu, đau khổ gặp nhau – và sự đau khổ đó bị nhân lên. Làm sao hai cái xấu có thể trở thành cái đẹp?

Thoát khỏi đám đông ồn ào

Osho trình bày hai khái niệm “cô đơn”“cô độc” rất rõ và dễ hiểu.

Mình rất tâm đắc cách giải thích này.

Cô đơn là một trạng thiếu vắng. Có nỗi sợ ở đó. Bạn cảm thấy cô đơn nên muốn neo bám vào điều gì đó, vào ai đó, vào mối quan hệ nào đó, chỉ để tạo ảo giác rằng bạn không cô đơn… Cô độc có nghĩa là hoàn thiện. Chỉ cần bạn thôi là đủ, không cần ai hoàn thiện bạn.

Bạn tâm giao hay bạn tù

Chừng nào bạn chưa có một trái tim đủ lớn để chứa ai đó khác với mình, ai đó có những suy nghĩ khác với mình, thì bạn không nên vướng vào những rắc rối không cần thiết. Tốt hơn hết là nên trở thành một tu sĩ. Sao phải bận lòng? Sao phải tạo ra địa ngục cho chính mình và người khác.

Những nội dung ở chương này làm mình vỡ oà ra rất nhiều điều, những điều mà mình thậm chí còn chưa từng nghĩ đến.

Rốt cuộc thì chính nỗi sợ của bản thân ta trói buộc ta và cả người đối diện vào trong một mối quan hệ tù túng.

Tình yêu không phải là như thế.

Yêu và nghệ thuật vô hành

Tình yêu là không đòi hỏi. Vậy mà cha mẹ muốn con cái yêu thương mình và dặn dò rất nhiều từ khi chúng còn nhỏ. Chính điều đó đã làm huỷ hoại đến trải nghiệm yêu thương của đứa trẻ.

Nhảy khỏi vòng quay ngựa gỗ

nhacuadi-yeu-trong-tinh-thuc-osho-quotes-2

Sẽ có lúc chúng ta thức dậy nhưng tình yêu thì không còn ở đó nữa. Có hai người những mỗi người đều đơn độc. Sự gắn bó với nhau không còn nữa. Bạn không thể ép nó quay trở lại.

Phần 3 của Yêu trong tỉnh thức: Từ mối quan hệ đến sự kết nối – Yêu là một trạng thái hiện hữu

Yêu là một động từ

Hồi trước trong một dịp học Giáo dục công dân, mình biết đến câu “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.

Lúc đó mình không hiểu lắm, nhưng từ khi đọc Yêu trong tỉnh thức, mình hiểu rằng điều đó có nghĩa là mọi thứ đều thay đổi, dòng sông của 1 giây trước và bây giờ đã khác nhau. 

Tình yêu cũng là một hoạt động cần làm mới mỗi ngày. Người mình yêu ngày hôm qua và hôm nay đã thay đổi. Mình phải nỗ lực tìm hiểu và không ngừng giới thiệu bản thân với người kia. Vì mình cũng thay đổi.

Lời khuyên cho các cặp đôi đang yêu – Sống và trưởng thành trong tình yêu

Phần này như tóm tắt lại những điều đã được nhắc ở trên, nhưng cô đọng hơn.

Chỉ còn tình yêu ở lại

Phần cuối cùng, Osho vẫn nhắc về khái niệm tự do.

Khi bạn yêu ai đó, người đó đang tự do, bạn yêu bằng sự tự do.

Nhưng khi đem người đó về, bạn phá huỷ đi sự tự do đó, đồng thời cũng phá huỷ đi vẻ đẹp của người đó.

Mình nghĩ rằng đây là một quyển sách khá thú vị. Nếu có dịp mọi người đọc thử xem sao nhen.

Mình mong rằng dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Nhà của Di

Leave a Reply