Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya là tác phẩm của bác Higashino Keigo – người chuyên về thể loại trinh thám – nhưng không nói về chuyện giết người. Thế mới đặc biệt.
Tác phẩm đầu tiên đưa mình đến với tác giả Higashino Keigo là Phía sau nghi can X.
Một quyển sách trinh thám đặc biệt khi ngay từ đầu người đọc đã biết trước hung thủ là ai nhưng truyện vẫn cuốn hút đến trang cuối cùng.
Nhưng nếu không xét yếu tố trinh thám, ấn tượng với mình nhất có lẽ là Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya.
Contents
Ấn tượng đầu tiên
Trước khi nói đến nội dung, mình rất thích cách dàn chữ trong sách.
Các chữ san sát nhau, cỡ chữ vừa phải và có cảm giác một trang sách sẽ đặc nghẹt chữ.
Mình luôn thích cảm giác nhiều chữ, nhưng không quá rối mắt khi mở một quyển sách.
Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya có ý nghĩa như thế nào?
Mình xin trích một phần nội dung được in ở bìa sau quyển sách:
Một đêm vội vã lẩn trốn sau phi vụ khoắng đồ nhà người, Atsuya, Shota và Kouhei đã rẽ vào lánh tạm trong một căn nhà hoang bên con dốc vắng người qua lại. Căn nhà có vẻ khi xưa là một tiệm tạp hoá với biển hiệu cũ kỹ bám đầy bồ hóng, khiến người ta khó lòng đọc được trên đó viết gì. Định bụng ngủ tạm một đêm rồi sáng hôm sau chuồn sớm, cả ba không ngờ chờ đợi cả bọn sẽ là một đêm không ngủ, với bao điều ký bí bắt đầu từ một phong thư bất ngờ gửi đến.
Chuyện là tiệm tạp hóa Namiya đã nổi tiếng từ rất nhiều năm về trước với nhiệm vụ gỡ rối tơ lòng.
Chỉ cần bạn nhét thư qua khe nhận thư ở cửa cuốn vào tối hôm trước, sáng hôm sau bạn có thể nhận thư hồi âm ở hộp nhận sữa phía sau tiệm.
Vào cái đêm định mệnh rất nhiều năm sau, 3 tên trộm lại nhận được một lá thư và đã tiến hành tư vấn một cách bất đắc dĩ, với một lý do mà mình nhớ hoài “bình thường chúng ta có bao giờ lắng nghe phiền muộn của ai đâu. Chẳng ai có ý định nhờ bọn mình tư vấn cả. Có lẽ đời này sẽ không có ai. Đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng. Làm một lần có sao đâu nào.”
Đây cũng là lúc mà họ nuôi dưỡng niềm tin vào chính bản thân mình. Rằng họ có thể giúp được cho người khác. Bởi mới nói, niềm tin không bao giờ đến từ bên ngoài.
Và thế là họ đã cố gắng phản hồi những bức thư theo cách như thế.
Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya sẽ chưa đủ hấp dẫn nếu như thiếu 2 chi tiết sau:
_ Những nhân vật nhờ tư vấn liên quan đến nhau
_ Xuất hiện những lá thư phản hồi sau 32 năm của những người đã từng nhờ tư vấn.
Ba chàng trai này đã đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khác nhờ lời khuyên của mình và cũng đã được tận mắt nhìn thấy chính cuộc sống tốt đẹp đó.
Có một mối liên hệ rất kỳ lạ giữa tiệm tạp hoá với trại trẻ mồ côi, giữa những con người chưa biết tương lai sẽ như thế nào, lại đi tư vấn và khuyên nhủ người khác, giữa kẻ trộm và người bị trộm.
Bên cạnh bối cảnh ở tiệm tạp hoá, tác giả Higashino Keigo còn kể câu chuyện dưới góc nhìn và giọng kể của các nhân vật đã gửi thư nhờ tư vấn.
Người đọc sẽ hiểu được hoàn cảnh mà những trăn trở trong lá thư ra đời.
Từ đó sẽ có cái nhìn tổng quát về bức tranh nhân vật mà bác Higashino Keigo xây dựng.
Mỗi người một cuộc sống nhưng đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Ước gì một lần được sống trong tác phẩm này của Higashino Keigo
Đọc hết quyển mình cảm thấy thẫn thờ.
Vì bên cạnh câu chuyện, Keigo còn lồng ghép vào đó những suy nghĩ về cuộc sống.
Xin trích một đoạn nhỏ ở đây, nếu không trích mình sẽ cảm thấy thiếu sót lắm.
Mối liên hệ giữa người và người bị cắt đứt không phải vì lý do gì cụ thể cả. Mà không, kể cả ngoài mặt có lý do đi nữa thì cũng chỉ là lời bào chữa được viện ra sau đó mà thôi, vì tâm trí đã xa lìa nhau nên mới thành ra chuyện như vậy. Bởi lẽ, nếu tâm trí chưa xa rời nhau thì khi xảy ra chuyện khiến mối liên hệ có nguy cơ đứt gãy, chắc chắn phải có ai đó cố gắng hàn gắn lại. Không ai làm vậy chứng tỏ sự gắn bó đã hết.
Vì có sự kiện tiệm mở lại một đêm duy nhất vào 32 năm sau, đúng lúc 3 tên trộm đang ở trong tiệm.
Thế là họ đã thử nhét một lá thư trắng vào khe nhận thư, để xem có thư hồi âm ở hộp nhận sữa hay không.
Và một lá thư từ ông Namiya thật xuất hiện với nội dung không thể hay hơn:
Nếu ví những người nhờ tôi tư vấn là kẻ lạc đường thì phần đông trong số họ ở tình trạng có bản đồ nhưng không chịu xem hoặc không biết vị trí hiện tại của mình.
Nhưng có lẽ bạn không thuộc loại nào trong hai loại này. Bản đồ của bạn vẫn còn là tờ giấy trắng. Bạn đang ở trong tình trạng dù đang muốn quyết định đích đến nhưng lại không biết đường đi nằm ở đâu.
Bản đồ là giấy trắng thì dĩ nhiên lúng túng rồi. Ai cũng sẽ thấy mất phương hướng.
Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì còn là giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất kỳ bản đồ nào. Tất cả là tùy ở bạn. Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời.
Đây là đoạn mình tâm đắc nhất. Higashino Keigo luôn biết cách lồng ghép những bài học vào tác phẩm của mình.
Hồi đọc bức thư này, mình đã khóc rất nhiều.
Vì bác Namiya lúc nào cũng có thể ân cần và bao dung như thế.
Nếu là người khác khi nhìn thấy bức thư trắng, hẳn sẽ nghĩ mình đang bị trêu chọc và rất tức giận. Nhưng bác vẫn từ tốn trả lời bằng cả tấm lòng của mình.
Chắc vì vậy mà bác có thể chuyển hoá được 3 người thanh niên này.
Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya thích hợp để đọc một mạch, vì khi đã vào guồng sẽ khó mà buông xuống được.
Tuy vậy, sách cũng mang nhiều yếu tố không thực tế.
Điển hình nhất chính là việc đan xen giữa thực tại và quá khứ vào đúng cái đêm mà ba người thanh niên xuất hiện ở tiệm. Nên nếu bạn không chấp nhận được chi tiết này, thì bạn nên đọc những tác phẩm khác của bác Higashino Keigo, như Phía sau nghi can X hay Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng ở thị trấn không tên chẳng hạn.
Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc
Nhà của Di.