Lại là một quyển sách mình đọc hồi năm 2017. Năm 2017 đánh dấu nhiều cột mốc to lớn của cuộc đời mình, chắc vì thế mà những quyển sách mình đọc năm đó cũng phần nào để lại nhiều ấn tượng với mình.
Năm 2017 là mình tốt nghiệp đại học, đi Nhật bản trao đổi, đi làm ở một công ty về giáo dục, lên chức sau 2 tháng thử việc, mua chiếc Macbook mà mình đang dùng bằng tiền dành dụm và nhận thưởng Sinh viên 5 tốt lần thứ 4.
Cũng gần 4 năm trôi qua rồi, không quá dài nhưng cũng không phải là quá ngắn. Còn một giai đoạn 4 năm nữa thôi là mình chạm mốc 30 tuổi rồi. Nghe bảo rằng giai đoạn 10 năm từ đoạn 20 đến 30 tuổi rất quan trọng, gần như sẽ quyết định đường hướng và con người của mình sau này. Quan điểm này cũng đã được thể hiện rất nhiều ở quyển sách Tuổi 20 – Những năm tháng quyết định cuộc đời bạn và một video TED Talk của Meg Jay.
Mình đã đọc qua rất nhiều quyển sách self-help về thể loại học tập, nhưng mình ít khi ấn tượng với quyển nào sâu đậm. Nhưng Harvard bốn rưỡi sáng là một trong những quyển sách đã góp phần cho mình nhiều động lực trên con đường nỗ lực của mình.
Ở đầu sách, tác giả đã nói rõ ràng “Tác giả đã biểu tượng hoá Harvard trong lòng các bạn trẻ, qua đó giúp họ thêm cần cù, nỗ lực, tự tin, nhiệt thành, sáng tạo và chủ động, biết nắm bắt thời cơ, cuối cùng trở nên ưu tú hơn nữa.”
Rất nhiều ý kiến cho rằng sách nói không đúng thực tế, rằng những hình ảnh sinh viên học đến khuya ở các thư viện là hoàn toàn không đúng sự thật. Bởi vì làm gì có ai có thể siêng năng học tập đến như vậy. Một vài ý kiến cho rằng nội dung trong sách là bịa đặt, là lừa gạt độc giả.
Riêng mình, mình tin rằng mỗi cuốn sách giá trị đều cho chúng ta những thông tin làm cho bản thân ta tốt hơn. Hơn nữa, đây cũng không phải là một dạng phóng sự, mà chỉ là thông qua những tấm gương có thật, những câu chuyện nổi tiếng ở Harvard để đưa cho mọi người một số chỉ dẫn cần thiết. Đọc sách để có thêm động lực để học tập và làm việc không phải đã là quá tuyệt vời rồi hay sao?
Những điểm rất hay ở sách đó là :
Một, tác giả chia nội dung thành từng chương rất rõ ràng, bao gồm các chủ đề chính như: chăm chỉ, lòng tin, nhiệt huyết, hành động, tiến vào biển học, sáng tạo, quản lý thời gian, tự kiểm soát, giương buồm ước mơ và nắm lấy cơ hội. Mười chủ đề lớn sẽ bao gồm những bài viết nhỏ với tựa đề rất cụ thể.
Hai, mỗi bài viết đều có những câu chuyện ví dụ về cách học tập và làm việc của một ai đó. Thông qua câu chuyện, chúng ta sẽ có đúc kết riêng cho mình.
Ba, sau phần câu chuyện, tác giả sẽ đúc kết những ý chính trong phần Bí quyết. Đây là những câu chữ cô đọng nội dung cũng như mang ý nghĩa truyền động lực và chỉ dẫn lối đi.
Bốn, trước khi kết thúc bài viết sẽ có một khung màu xám mang tên Thử thách cùng Harvard. Phần này sẽ là những câu đố hoặc là những bài trắc nghiệm để kiểm tra nét tích cách của bạn. Mình thấy phần này làm cho vui chứ mọi người đừng nên nghiêm túc quá. Một ví dụ mình thấy khá mắc cười và không hợp lý lắm, muốn chia sẻ với mọi người cho vui:
Bạn lười đến mức nào:
Mẹ bạn sai bạn đi chợ ở gần nhà mua rau, nơi đó bạn chưa tới bao giờ, cũng không biết giá cả thế nào. Khi vào chợ, bạn sẽ chọn nơi nào trước tiên?
_ Sạp hàng nhỏ lộn xộn đủ thứ đồ
_ Tiệm bán cá
_ Mẹt rau chỉ bán một loại rau
_ Cửa hàng thực phẩm
Phân tích đáp án
Lựa chọn 1: Bạn là một cao thủ lười biếng, vừa lười lại vừa không muốn bị người khác phát hiện mình lười, vì thế thường ra vẻ làm bộ làm tịch khiến người ngoài nhìn vào cứ tưởng bạn là người lúc nào cũng “bận rộn”.
Lựa chọn 2: Do bạn không hiểu việc nên có thể lười một cách đường đường chính chính. Rất nhiều việc bạn chỉ biết nửa vời nhưng lại lười hỏi người khác, như thế bạn mới có lý do để lười biếng.
Lựa chọn 3: Bạn chỉ bộc lộ sự lười biếng ở những việc mà bạn không thích làm. Bình thường bạn rất chăm chỉ chứ không lười biếng chút nào.
Lựa chọn 4: Bạn đã lười đến cực điểm. Dù làm việc gì, bạn cũng tìm mọi lý do để lười biếng. Bạn đã lười còn không biết lắng nghe ý kiến của người khác.
Mình thấy bài trắc nghiệm này khá là vô lý, nên trích vào mọi người đọc cho vui, chứ mình không nghĩ rằng nó nói lên được điều gì.
Các câu trích dẫn cũng rất hay, dù không có nhiều điểm mới mẻ, chẳng hạn như: Lười biếng là nguồn gốc của mọi điều xấu, nó có thể dễ dàng huỷ hoại một con người, thậm chí cả một dân tộc.
Lâu lâu xuống mood đọc quyển này sẽ lên lại đó mọi người ạ.
Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.
Di.