Vấn đề nhức nhối: Vậy là có sao hay không?

Để mình kể mọi người nghe một câu chuyện của mình. Câu chuyện này liên quan đến câu hỏi phía trên: Vậy rốt cuộc là có sao hay không?

Hồi đi học cấp 3, có một thời điểm mình cảm thấy thật sự có gì đó không ổn diễn ra bên trong mình, làm tâm trạng mình chùng xuống, hay chảy nước mắt và xúc động vô cớ. Nhưng mình luôn cố giữ cho sinh hoạt hàng ngày ổn định hết mức có thể. Mình đi học mỗi ngày, đúng giờ và vẫn tham gia các giờ thảo luận ở lớp. Mình về nhà, ăn cơm và tắm gội đầy đủ. Mình đi học thêm, làm bài tập được giao và tối về vẫn chuẩn bị bài cho hôm sau. Mọi việc trong cuộc sống của mình dường như rất bình thường. Nhưng bên trong mình mọi thứ như vụn vỡ. Mình không còn thấy vui, cũng không hẳn thấy buồn.

Sau đó, mình có tâm sự với người nhà về việc này. Trình bày các vấn đề của mình xong, người nhà mình nói: “Ủa mọi thứ bình thường mà? Con đâu có vấn đề gì đâu. Con vẫn đi học và ăn uống như mọi ngày, có chán ăn hay bỏ học đâu”. Mình đã cố diễn đạt thành lời những suy nghĩ và tâm trạng của mình. Nhưng mọi người chỉ nghe để đó chứ không thật sự lắng nghe. Cũng phải, mình nghĩ ai cũng có vấn đề của riêng họ, đâu thể chịu thêm sự buồn chán của mình. Bởi vì hiểu rằng nếu mình để mọi thứ trượt dài, thì sau đó người chịu hậu quả và hối hận là bản thân mình. Nên mình cố gắng để không sa lầy vào đống cảm xúc đó và sinh hoạt như mọi ngày. Nhưng sự vụn vỡ, sự trống rỗng bên trong mình là thật. Và mình cần thoát ra khỏi chuyện đó. Với những nhận xét của người lớn chung quanh, lắm lúc mình cảm thấy như vấn đề là do mình tự trầm trọng hoá thôi, lắm lúc mình cảm thấy là do bản thân của mình thật.

Mình ra nhà sách, mua hết các sách nói về trầm cảm, về stress, về rối loạn cảm xúc về đọc. Mình tìm cách làm theo những gì được viết trong sách. Rất may là một thời gian sau, mình cũng cảm thấy ổn và có thể điều chỉnh được cảm xúc của mình. Điều mình muốn nói ở đây là: không phải những người trông có vẻ bình thường thì thật sự không sao và không cần được quan tâm đâu. Họ mới chính là những người cần được yêu thương và chia sẻ nhiều hơn.

Khi bản thân một ai đó có vấn đề về tinh thần, nhưng vẫn cố gắng duy trì các hoạt động thể chất và cuộc sống để giữ cho mọi thứ không tồi tệ, thì hẳn phải cần một nỗ lực cực kì lớn. Đừng chỉ vì thấy họ mạnh mẽ, họ sống ổn, mà nghiễm nhiên cho rằng họ thì ổn rồi, không cần để tâm nữa, cứ để họ tự xoay xở là được. Không, họ cũng còn vấn đề cần được nói ra, được lắng nghe và thông cảm.

Nếu như không thể bao dung cho những yếu đuối không thể diễn đạt một cách rõ ràng thành hành động hay lời nói của người khác, thì cũng đừng buông lời nhận xét hay xem nhẹ những vấn đề mà họ gặp phải. Dăm ba câu nói vô tình có thể làm tổn thương thêm một tâm hồn yếu đuối.

Mình may mắn có một sức mạnh về tinh thần, để giữ cho mình không bị cảm xúc gặm nhấm. Nhưng nếu như vấn đề này xảy đến với những người yếu đuối hơn một chút thì sao? Vì những câu nói như “Có ai làm gì con đâu mà con phải cảm thấy như vậy? Con đâu có áp lực hay phải lo kiến tiền gì đâu? Chỉ có đi học thôi mà cũng lắm chuyện.” mà học trò của mình nhiều em không thể nào cảm nhận được niềm vui trong cuộc sống nữa. Các em sẽ khóc nếu như có ai hỏi đến cảm xúc của mình, nhưng vẫn sẽ ngại nói ra, vì sợ bị nhận xét. Cái thời buổi tự do ngôn luận thế này mà ngay đến cảm nhận của mình còn không dám nói ra cơ đó.

Chính bản thân đã trải qua chuyện đó, nên mình xin phép trả lời rằng: Chuyện đó CÓ SAO và không thể xem nhẹ được. Làm sao có thể cân bằng được cuộc sống khi cảm xúc của bản thân không được vuốt ve và vỗ về. “Gồng gánh đến bao giờ, hả em?”. Nói ra với người nào đó hiểu được mình, hoặc trị liệu tâm lý với chuyên gia uy tín cũng là cách để đừng bị suy sụp. Giữ cho mình bận rộn vừa phải cũng là một cách mình hay làm để cho dù có trải qua khủng hoảng, cuộc sống mình sau đó cũng không bị xáo trộn quá nhiều. Hoặc nghỉ hẳn những việc đang làm 1 đến 2 ngày, chỉ tận hưởng những điều mình thích làm, như đi ăn, đi chơi game, đi công viên. Có thể sẽ không thấy vui ngay lúc đó được, nhưng ít ra thay đổi không khí sẽ thoải mái hơn.

Vấn đề có được giải quyết triệt để hay không còn cần thời gian và công sức. Nhưng quan trọng hơn hết là đừng xem nhẹ và phớt lờ cảm xúc của mình. Có sao hay không mình nghĩ là mỗi người đã có câu trả lời rồi, chỉ cần nghe theo bản thân thôi.

Còn nếu như có ai đó tin tưởng và muốn kể cho bạn nghe điều gì đó, xin hãy nghe thật lòng và đừng đánh giá hay chỉ trích gì cả. Lắm khi lời nói vô tình của bạn đã làm tắt đi chút niềm vui nhỏ bé trong tâm hồn người khác rồi. Bạn có thể chỉ đáp lại bằng một cái nắm tay, hay một cái ôm thôi cũng đủ rồi.

Mình mong là dù thế nào đi nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

Tags: No tags

Leave a Reply