Khách sáo hay là cư xử lịch sự

Cách đây khoảng chừng 10 năm, hồi mình học cấp 2, thời điểm đó là Tết, mọi người tụ họp lại ở nhà nội để ăn uống. Sau khi chúc Tết, nhận tiền mừng tuổi, cúng kiến xong thì cả nhà quây quần ăn cơm trưa. Mình ngồi cách mẹ cũng xa nên mới đưa chén cho mẹ lấy cơm. Đến lúc nhận lại chén, mình nhận bằng hai tay và nói “Cảm ơn mẹ”. Nghe vậy, mấy thím mới cười và nói “Dù sao cũng là mẹ con, cần gì khách sáo thế”. Mình khá bất ngờ nên chỉ trả lời lại là “Con quen rồi”. Trước đó, mình cũng chẳng để ý cách các anh chị em họ khác đối xử với cha mẹ ruột của mình như thế nào. Tất nhiên là họ vẫn nói cảm ơn với các cô chú khác, nhưng tuyệt nhiên không với cha mẹ ruột.

Dần dần, mình cũng để ý những mối quan hệ xung quanh mình. Như vợ chồng anh họ mình cũng ít khi nói những lời như Cảm ơn hay thêm chữ “được không” ở cuối câu khi cần nhờ người còn lại. Mình cũng có hỏi thử thì luôn nhận được câu trả lời là “Người nhà với nhau cả, cần gì khách sáo thế, lấy dùm cái này cái kia là chuyện đương nhiên mà”. Hèn chi nhìn lại, vì luôn xem là đương nhiên và khách sáo mà tình cảm giữa mọi người với nhau mới xa cách như vậy.

Con cái thì không xem trọng và không biết ơn những gì cha mẹ làm cho mình. Cha mẹ thì xem như việc sai vặt con cái làm cái này kia là chuyện đương nhiên, bổn phận con phải làm, nên cũng chẳng cần cám ơn. Chị họ mình cũng có lần dạy con trai 5 tuổi phải biết cảm ơn khi nhận cái gì từ người khác. Nhưng chính chị lại là người không nói gì cả khi nhờ thằng bé lấy cho mình chai nước. Logic này ở đâu ra vậy nhỉ? Ai cũng đòi hỏi sự công bằng, có qua có lại, mà chỉ vì đứa bé là con mình nên việc lấy dùm mình chai nước là hiển nhiên, không cần cảm ơn à? Vậy làm sao làm gương cho con trẻ được.

Hồi bé, mình cũng khá là “ranh”. Mình thậm chí còn chủ động nhắc mẹ mình nói cảm ơn khi mình chạy việc vặt cho mẹ. Người khác có thể nói mình là con nít ranh, hỗn với người lớn, nhưng mình chỉ nghĩ đơn giản đó là phép lịch sự giữa người với người thôi mà. Dần dà thì thói quen cảm ơn này đã không còn xa lạ gì với tất cả mọi người trong nhà mình nữa.

Cũng chính vì sợ bị cho là khách sáo mà nhiều khi chúng ta khó mở lời xin lỗi với người thân. “Ngọt ngào với người ngoài mà lạnh lùng với người nhà” là cách mà chúng ta hay làm. Nhiều khi người yêu dỗi một chút là chúng ta cuống lên, tìm cách hoà giải mà lại không thể nói lời xin lỗi với người nhà. Mình cũng trải qua giai đoạn lớn lên “sai trái” như vậy trong một khoảng thời gian. Sau đó, mình đi xa nhiều, xa gia đình và người thân, trải qua một vài sự mất mát lớn, mình nhận ra rằng mỗi một ngày được gặp người thân là mình đã mất đi một ngày bên cạnh người đó trong quỹ thời gian lớn. Cho nên mỗi một ngày đều đáng quý trọng. Mình luôn cố gắng chuộc lỗi mỗi khi làm sai và tất nhiên là hạn chế làm sai hết mức có thể. Lần đầu tiên nói xin lỗi vì lỡ lời với mẹ, mình đã mua một ly trà sữa khoai môn trân châu trắng cho mẹ (mẹ là fan Gongcha) để xin lỗi và chuộc lỗi. Rất may là mẹ đã hết giận.

Đối với người càng thân thuộc với mình, mình lại càng phải đối xử thật đặc biệt. Vì phải có mối nhân duyên lớn lắm mình mới là người thân của nhau. Vậy thì phải càng trân trọng và gìn giữ mối nhân duyên này cơ chứ. Sự quen thuộc nhiều lúc làm cho mọi chuyện trở thành hiển nhiên: cha mẹ thương con là hiển nhiên, con cái phải báo hiếu cha mẹ là hiển nhiên, chồng phải chiều chuộng vợ là hiển nhiên, vợ phải chăm lo cho chồng con là hiển nhiên. Nhưng cơ bản làm gì có chuyện hiển nhiên, vì yêu thương và lo lắng cho nhau mà người ta mới cư xử đặc biệt với nhau. Thì việc duy trì tình yêu thương đó bằng những lời nói đẹp (ái ngữ) và những hành động đẹp là việc phải làm, và phải làm liên tục.

Mình có biết một bạn nữ, là một người có ngoại hình đẹp, tính tình thẳng thắn, cương trực, hay giúp đỡ bạn bè và có quen một anh bạn trai rất tốt, có sự nghiệp ổn định. Quen nhau được một thời gian, cô bạn mình nghiễm nhiên xem chuyện nạt nộ và sai vặt bạn trai là bình thường. Có lần, cô đổi sang một công ty mới, lương bổng và đãi ngộ rất tốt, nhưng bù lại sếp thì hống hách còn đồng nghiệp thì hay soi mói lung tung. Cô nhiều lần tâm sự và kể lể với bạn trai, bạn trai khuyên cô ấy tìm công việc khác nhưng không được. Thế là mỗi ngày cô ấy lại kể đủ chuyện bực mình và trút giận lên mối quan hệ của hai người. Kết cục thì rõ rồi đó, họ chia tay dù tình yêu thì có vẻ như không sứt mẻ gì. Cô ấy xem việc bạn trai ngồi nghe mình tâm sự là hiển nhiên, mà không biết rằng anh ấy cũng có sự mệt nhọc và áp lực trong công việc. Những lần cô nhờ anh giúp đỡ khi gặp vấn đề công việc cũng vậy. Lần nào anh bận không kịp giúp thì cô sẽ dỗi. Anh năn nỉ lần một, lần hai, lần mười, lần hai mươi. Nhưng lần hai mươi mốt thì anh mệt rồi, không năn nỉ nữa, chỉ nói chia tay. Rồi cô đổ cho anh có người khác, anh không tốt, anh quên đi thời gian bên nhau của hai người. Còn anh thì chỉ thấy mình mệt mỏi. Mình sau khi biết chuyện chỉ thấy buồn, vì mình biết chỉ cần đừng xem sự nhẫn nại của anh là hiển nhiên, biết đâu mối quan hệ của hai người sẽ khác. Biết đâu sau mỗi lần tâm sự, cô nói lời cảm ơn vì anh đã lắng nghe và sau mỗi lần tức giận, cô nói lời xin lỗi vì lúc nãy đã nóng tính thì mọi chuyện sẽ khác. Biết đâu cô biết lần thứ hai mươi anh năn nỉ cô là lần cuối cùng thì đâu có kết cục này.

Cuộc sống thì không có nhiều cái Biết đâu hay Giá như. Cho nên còn được sống trong sự yêu thương ngày nào, chúng ta cũng còn phải biết ơn và thể hiện sự biết ơn đó ngày nấy. Đó không phải là khách sáo, mà là cách mình thể hiện sự công nhận tấm lòng mà người khác dành cho mình. Biết nhận thì phải biết cảm ơn, biết sai thì phải biết xin lỗi và chuộc lỗi. Thời gian dành cho nhau có còn mấy đâu mà sợ khách sáo, nhỉ?

Mình mong là dù thế nào đi nữa thì mọi người sẽ được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

Tags: No tags

2 Responses

Leave a Reply