Tuần trước, mình có đăng một trạng thái trên Facebook cá nhân như thế này: “Sau khi gặp nhiều học trò, mình hiểu rằng mỗi đứa trẻ đều rất đặc biệt. Đừng dùng những lời lẽ vô ý của mình làm tổn thương bất kì đứa trẻ nào. Trẻ con thì yếu đuối, các em sẽ mang theo những lời nói đó mà tự làm tổn thương mình đến suốt đời”. Mình nhận được nhiều tin nhắn đồng cảm của anh chị và bạn bè, có người là Thầy, là Cô, cũng có những người bạn đã trải qua giai đoạn thơ ấu như vậy. Có những tin nhắn tâm sự đó, mình mới nhận ra rằng chuyện trẻ em không đơn giản là chuyện lúc chúng ta còn là trẻ em, mà nó còn đi theo chúng ta đến khi trưởng thành.
Để mình kể mọi người nghe câu chuyện của mình. Mình xin phép lược bỏ đi những câu nói hơi độc hại mà một đứa trẻ như mình từng bị nghe, chỉ giữ lại những ý chính trong câu chuyện thôi. Hồi mình còn bé xíu xiu ấy, nhiều người họ hàng của mình tin rằng mình học giỏi lắm thì cũng chỉ đi bán báo mà thôi. Bán báo là cao cấp hơn bán vé số rồi đó. Vì hồi trước nhà mình nghèo, có ăn có học thì cũng như “trái cóc, trái ổi”, mà “cóc, ổi thì làm sao mà bì được với bom, nho”. Hồi mình thi cấp 3 ý, mình chọn nguyện vọng thi vào Chuyên Lê Hồng Phong, nguyện vọng thường là trường Nguyễn Thị Minh Khai. Thật sự thì ngay cả những người thân thuộc nhất trong nhà cũng không nghĩ là mình đậu được vào Minh Khai, đừng nói chi là Lê Hồng Phong. Chỉ có mình vẫn giữ niềm tin đó và cố gắng hết khả năng. Kết quả thì mình học trường mình muốn, như mọi người đã biết rồi đó. Mình không rõ là làm sao mình có thể vượt qua được những suy nghĩ tiêu cực mà những lời nói đó mang lại. Mình chỉ còn nhớ giai đoạn mà những nhận định của người khác về tương lai của mình đã hạ thấp giá trị của bản thân mình như thế nào. Mình hoài nghi về khả năng của bản thân, mình cố giữ cho nhịp sinh hoạt được điều độ nhưng bên trong mình thì vụn vỡ rồi.
Lớn lên một chút, hồi mình thi đại học ý, vì biết rõ mình muốn gì, nên mình chỉ tập trung vào số điểm mình dự tính. Vừa mới kết thúc kì thi là mình báo ngay kết quả dự đoán cho ba. Vì đối với ba, mình là kiểu người kiệm lời nên lời nói của mình lúc đó làm ba tin ngay (ơn giời cũng có người tin tưởng con trong chuyện lớn lao như vậy). Ba mình cũng kể lại cho mấy cô chú nghe thì bị dè bỉu ngay. Làm gì có ai tin khi mà số điểm ba mình nói ra cao hơn hẳn điểm thi của những người mà họ biết. Ba thì chỉ im lặng, nhưng mình biết chắc ba lúc đó cũng lo lắng, rối bời lắm. Đến hôm có điểm, mình có đăng kí dịch vụ nhận điểm qua điện thoại di động, vậy mà mình còn nhận được tin nhắn chậm hơn tin tức của các cô chú đó, ghê chưa. Họ tra điểm dùm mình, lúc đó có 2 kết quả, cùng họ và tên, một thấp hơn 15, một cao hơn 20. Cô chú mình thì cứ khăng khăng cái thấp hơn 15 là của mình, ba mình thì chỉ bảo là dò ngày tháng năm sinh xem, Diệu sinh ngày 7 tháng 6. Kết quả là: mọi người bị quê vì mình không phải là người dưới 15 điểm và điểm thì y chóc như dự đoán. Bây giờ kể lại thì nghe mắc cười, chứ hồi nhỏ mình thấy nó sai trái lắm. Vì hà cớ gì mà người lớn, lại là người quen, lại có thể hùa nhau cùng mong chờ một đứa con nít rớt đại học như vậy? Cũng phải có thâm thù gì đó ghê gớm lắm, hay là để thoả mãn được sự đố kị trong thâm tâm của mỗi người, khi mà ba mẹ mình tuy không giàu có về vật chất bằng họ, nhưng lại hạnh phúc hơn về tinh thần khi con cái học hành đàng hoàng tử tế hơn con cái của họ?
Đến khi học đại học và đi làm, mình cũng vẫn còn trải qua nhiều chuyện còn kinh khủng hơn như vậy nữa. Chẳng qua cũng đến từ sự khác biệt của mình với con cái của những người đó. Cũng tại sự khác biệt trong suy nghĩ của mình so với suy nghĩ của con cái họ và họ nhẫn tâm nói những lời chê bai, khích bác, châm chọc mình. “Lên đại học rồi học chi nhiều, ra trường cũng có việc làm đâu”, “Học tiếng Anh nhiều vào, TOEIC khó lắm đấy, con chú học 10 mấy triệu, thi được 550 điểm đó. Không học như con làm sao qua được điểm đó. Rồi không có tiếng Anh là chết nha con”. Đoạn này mình xin “cà khịa” một chút xíu: Dạ, con không có học 10 mấy triệu vì ba mẹ con không có tiền, nên con thi có 925 điểm TOEIC à chú ơi. Rồi chuyện mình hay đi trao đổi văn hoá ở nước này nước kia, ba mẹ mình chưa từng tốn một xíu nào cho những chuyến đi đó của mình. Vậy mà họ cũng phải cố gắng bới móc, hỏi ba mẹ là có chắc mình sang đó học không, hay là được người ta “bao” đi chơi. Thôi đoạn này mình xin nói nhẹ nhàng một chút, kẻo lại gắn mác 18+. Cũng phải gần 10 năm mình mới có thể thấy hơi thoải mái một chút để kể ra câu chuyện này. Hồi xưa mình còn hay để ý và hay buồn, nhưng giờ thì những lời bịa đặt đó không còn ảnh hưởng đến mình vì mình “già” rồi, hoặc chắc do nghe riết thành quen. Nhưng quãng thời gian lớn lên đó, mà nghe được những lời này, thì các bạn nhỏ biết trải qua như thế nào đây?
Mình có nhiều người em và nhiều học trò cũng đã và đang sống trong những lời nói xấu xí như vậy, có khi đến từ người ngoài, có khi đến từ chính cha mẹ của em. Biết làm sao đây khi ngay cả người chung một mái nhà cũng đối xử với em như vậy. Lắm khi mấy em nói với mình rằng con không muốn về nhà nữa, vì về nhà phải nghe những lời nói con không muốn nghe. Có em còn nói với mình là con không muốn phải đối xử với con cái của con theo cách như cha mẹ đối xử với con, nhưng đó là cách duy nhất mà con biết, cô nghĩ con nên thế nào đây. Cũng phải rồi, khi mình không được sống trong tình yêu thương thì làm sao có thể chia sẻ cho người khác tình yêu thương cơ chứ?
Nhắc lại quãng thời gian đó, mình đã làm những việc sau đây. Biết đâu những điều này cũng sẽ giúp được bạn.
- Mình không nói ra, không kể lể, không tìm sự đồng cảm ở bạn bè. Trong giai đoạn mình chịu những sự chỉ trích, mình chỉ đón nhận nó, như kiểu vậy à, nói xong rồi thì thôi nhé. Mình lúc đó không nghĩ sẽ có ai hiểu được và thật sự trải qua những chuyện như mình, và bởi vì mình ngại giải thích dài dòng. Nên mình chọn im lặng. Đến giờ mình vẫn nghĩ cách này cũng khá hợp lý. Vì trở thành nạn nhân lúc nào cũng đơn giản, ngay lúc mình nhạy cảm nhất, nói ra nhiều khi chỉ làm cho sự uỷ mị của bản thân tăng lên sau khi nghe những lời an ủi…
- Mình chọn đọc những đoạn văn, thông tin về việc yêu thương bản thân. Có lẽ việc đọc đã giúp mình rất nhiều thời gian đó. Mình thích câu nói nào thì sẽ học thuộc và lặp lại với bản thân câu nói đó những khi mình yếu đuối. Mình ưng một câu nói “Đừng chắp tay dâng thế giới cho người mà bạn khinh thường”. Nhiều lúc muốn bỏ cuộc, mình chỉ âm thầm học, làm việc và nhẩm câu này, cốt để mình có thể làm chủ cuộc sống của mình mà không bị những người mình ghét tác động đến mình nữa. Khi mình độc lập trong cuộc sống, thế giới mình sẽ không còn nhỏ hẹp nữa.
- Mình nghe nhạc. Những bài hát có những câu nói có thể nâng tinh thần của mình lên. Mình nghe các bài như “Can I have this dance?” của Zac Efron và Vanessa Hudgens vì có câu “Don’t be afraid, afraid to fall. You know I will catch you through it all.” (Đừng sợ, đừng sợ ngã. Anh sẽ đỡ em mà). Mình nghe “Home” của Westlife vì câu “You deserve more than that” (Em xứng đáng nhiều hơn như vậy).
- Mình giữ cho nhịp sống bình thường nhất có thể. Mình không chối bỏ những lúc mình yếu đuối và muốn khóc. Mình sẽ trùm chăn khóc một trận long trời lở đất, rồi sẽ ngủ và ngày mai sẽ là một ngày mới.
- Mình có từng được nghe nhiều đoạn giảng pháp của Đạo Phật và rất tâm đắc với đoạn này, không có liên quan đến Phật giáo nên mình nghĩ ai cũng có thể áp dụng được. Câu đó đại ý là: Bản thân của mình là quan trọng nhất, mỗi ngày mình ăn với nó, ngủ với nó, chỉ có một mà thôi, vậy mà mình nỡ lòng nào nhịn ăn, nhịn uống, hành hạ bản thân vì mấy lời nói của người khác. Rồi rốt cuộc ai là người đau? Cũng chỉ có bản thân của mình phải chịu đựng tất cả chuyện đó thôi. Mà bản thân mình có tội tình gì đâu mà mình dằn vặt nó dữ vậy.
Khi tích cực gieo vào đầu mình những câu nói động viên, những đoạn nhạc tích cực, lịch làm việc và học tập dày đặc, mình lắm lúc không có thời gian để nghĩ về những điều đó nữa. Mình chỉ tập trung vào bản thân và vào con đường phía trước mình phải đi mà thôi. Nhưng nếu có ai hỏi mình có buồn không? Mình vẫn trả lời là có chứ. Mình vẫn buồn, nhưng nỗi buồn đó không còn gặm nhấm tâm hồn mình nữa.
Mặc dù hiện tại mình đã trải qua cái giai đoạn đó rồi, nhưng mình vẫn rất “dị ứng” với các thể loại ca nhạc, phim ảnh, sách báo về chủ đề gia đình. Mình đã trở thành một người hơi cực đoan như vậy ý. Nhưng mình cảm thấy may mắn vì đã đứng dậy và trở thành một phiên bản tốt nhất đối với mình chứ không bị những lời đó nhấn chìm. Mình nghe nói người ta hãy cảm ơn những khó khăn thử thách, thậm chí những người đối xử không tốt với mình, vì đã khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng mình thì không, người duy nhất mình muốn cảm ơn là chính bản thân mình. Là mình đã cố gắng, đã mạnh mẽ, đã chống chọi để luôn sống tích cực, vui vẻ và làm việc thật hăng say.
Chia sẻ câu chuyện của mình, với một mục đích không gì khác hơn: Mình mong ai đang trải qua những gì hao hao mình, có thể trở nên mạnh mẽ và tìm lại được cuộc sống mà mình mong muốn. Sẽ không có ai có thể có tác động đến chúng ta được, nếu chúng ta không cho phép. Vậy thì đừng để những con người xấu xí đó chạm đến chúng ta.
Mình mong là dù cho có thế nào đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.
Di.