Mình không có thiện cảm mấy với các quyển sách ca ngợi quá nhiều về tình cảm gia đình. Nhất là dạng sách đơn thuần nói về việc con cái phải hiếu thuận với cha mẹ hoặc cha mẹ có nghĩa vụ yêu thương con cái vô điều kiện. Nhưng Hãy chăm sóc Mẹ của tác giả Shin Kyung Sook là một quyển sách kể câu chuyện về Mẹ rất đặc biệt mà mình không bao giờ có thể quên được.
Contents
Ấn tượng khó quên về Hãy chăm sóc Mẹ
Gu đọc sách của mình có vẻ hơi lạ với mọi người một chút.
Nếu như đại đa số độc giả sẽ thích những câu văn trau chuốt, những tình tiết thú vị hay một cái kết không thể đoán được thì mình thích những câu chuyện bình thường, những cuộc hội thoại hàng ngày.
Giữa những câu chữ và lời thoại, mình nhận ra được điều mình đang quan tâm.
Mỗi lần đắm chìm vào quyển sách nào là y như rằng câu chuyện của quyển sách đó hiện ra trong đầu mình. Và mình như đi cùng với nhân vật đến những nơi được miêu tả trong sách.
Nếu như mình không giỏi trong việc tưởng tượng những đoạn miêu tả cảnh vật, thì những đoạn tự sự lại được thể hiện rất chi tiết.
Mỗi lời thoại, mỗi nét mặt, mỗi sự kiện như một thước phim chạy trong tâm trí mình, cuốn mình theo cuộc sống của họ. Từ những câu thoại đó, mình sẽ tự đúc rút ra cho mình những bài học hay những điều đáng để suy ngẫm.
Rất nhiều lần mình đã phải dừng lại sau khi đọc được một đoạn khá tâm đắc, và ngồi nghĩ mãi đến hôm sau mới bắt đầu tiếp được.
Mình tin Hãy chăm sóc Mẹ không phải là quyển sách được mọi người mong chờ để đọc về chủ đề gia đình, vì nó không có các yếu tố mở nút hay thắt nút.
Ngay từ đầu độc giả đã biết trước diễn biến và có thể là kết cục rồi.
Có chăng là thông qua sự kiện đó, tác giả Shin Kyung Sook để những câu chuyện quá khứ trong quyển sách kỉ niệm dần dần được lật giở.
Và cái hay của Hãy chăm sóc Mẹ nằm ở đó.
Shin Kyung Sook kể Hãy chăm sóc Mẹ rất đời thường
Tóm tắt câu chuyện là việc Mẹ bị lạc ở ga tàu điện khi đi lên Seoul cùng với bố.
Và sau đó, trong quá trình tìm kiếm Mẹ, những kỉ niệm xưa cũ được dịp ùa về: những lần gặp Mẹ, nói chuyện với Mẹ, những lúc các con vô tâm trong cách đối xử với Mẹ, hoặc thậm chí là cả sự vô tâm của người chồng dành cho bà nữa.
Hãy chăm sóc Mẹ được kể theo lời của cô con gái, của cậu con trai, của người chồng và cả bằng lời của người Mẹ nữa.
Có như vậy thì truyện mới thể hiện được hết những điều mà từng thành viên trong gia đình nghĩ về Mẹ mình.
Ở mỗi nhân vật, kỉ niệm với Mẹ rất khác nhau. Mình ấn tượng với cậu con trai và với ông bố nhất.
Với cậu con trai, anh nhớ lại giai đoạn bố anh có người phụ nữ khác và dọn ra ngoài.
Ngày hôm đó, anh nghĩ rằng Mẹ sẽ suy sụp lắm, nhưng Mẹ lại hỏi anh rằng hôm nay đi học đã học được gì rồi.
Mẹ cũng chính là người chăm lo cho việc học hành của anh, để giúp anh trở thành công tố viên.
Vậy mà từ khi có gia đình, có con, anh lại không còn dành thời gian cho Mẹ.
Hôm Mẹ đi lạc, đúng ra vợ của anh phải đón ông bà ở ga tàu, nhưng vì bận đưa đồ ăn cho con mà vợ anh đã để ông bà tự đón xe về. Chính vì thế xảy ra cớ sự này.
Với ông bố, ông nhớ lại lần đầu tiên gặp vợ mình, về ngày đám cưới của một cuộc hôn nhân không có tình yêu.
Ông luôn không hài lòng với đời sống ở cái làng nghèo nàn của mình nên thường xuyên không ở nhà.
Vợ ông chính là người đã gánh vác cả gia đình.
Vậy mà ông đã thờ ơ với bà, thậm chí ông còn không thể nhớ vợ mình đã mặc gì trong ngày hôm ấy để người ta phác hoạ lại chân dung.
Vợ ông không biết đọc và ông tỏ thái độ khinh thường vợ mình. Đến khi cô con gái viết tiểu thuyết, bà phải nhờ một người lạ đọc cho bà nghe.
Đoạn tác giả Shin Kyung Sook viết về chuyện này trong Hãy chăm sóc Mẹ rất cảm động:
Vợ ông hẳn phải cố gắng bao nhiêu mới giấu được cô gái này chuyện mình không biết đọc.
Khao khát đọc tiểu thuyết của cô con gái mình, nhưng vợ ông không thể nói với cô gái này rằng nữ tác giả chính là con gái mình, mà lại nói do mắt mình kém nên mới đề nghị cô ấy đọc to lên cho bà nghe.
Mắt ông cay xè. Vợ ông đã phải kiềm chế bao nhiêu để không khoe về con gái mình với cô gái này?
Trong suốt năm mươi năm qua kể từ lần đầu gặp nhau khi ông mới hai mươi tuổi, câu nói “Ông đi chậm lại một chút” là câu mà ông nghe nhiều nhất từ vợ mình.
Sao ông không đi chậm lại khi mà suốt đời vợ ông luôn bảo ông đi chậm lại một chút cơ chứ?
Ông có thể dừng lại đợi vợ mình, nhưng ông chưa bao giờ sải bước đi bên cạnh trò chuyện với bà như bà muốn, chưa bao giờ, dù chỉ một lần.
Kể từ khi vợ bị lạc, cứ mỗi khi nghĩ đến chuyện mình luôn đi quá nhanh, ngực ông lại như muốn nổ tung…
Hai đoạn trích rất hay trong Hãy chăm sóc Mẹ
Mỗi lần đọc lại mấy đoạn này, mình lại khóc.
Hãy chăm sóc Mẹ là câu chuyện đơn giản nhưng chứa đựng bài học lớn
Có biết bao nhiêu điều trong đời chúng ta muốn làm cho những người thân yêu, nhưng đã không làm.
Vì lý do gì nhỉ?
Vì ngày mai còn kịp mà, vì ôi thôi còn khối thời gian. Rất nhiều lý do cho đến khi chúng ta biết rằng hôm đó là ngày cuối cùng.
Mình đã trải qua mất mát lớn với Má, đủ để mình hiểu rằng ngày hôm đó, ngày mà mình ra sân bay đi Mỹ, là ngày cuối cùng trong đời mình được gặp Má của mình.
Má mình chưa khi nào không đi tiễn mình ở sân bay, chưa một lần, thậm chí là khi mình đi du lịch.
Vậy mà hôm mình lên đường sang Mỹ học Tiến sĩ, một chuyến đi dài như thế, xa như thế, nhưng vì mệt nên Má đã không đi.
Đúng ra mình phải nhận thấy đó là dấu hiệu chứ nhỉ?
Mình phải vào thăm Má cho đàng hoàng trước khi đi chứ nhỉ? Mình chỉ nhìn thấy Má đang nằm đó, không biết Má đã ngủ chưa, và đi mất.
Vì mình nghĩ chỉ mấy tháng nữa thôi là mình sẽ về nghỉ đông mà, lúc đó thăm Má cũng chưa muộn.
Nhưng cuối cùng thì muộn mất rồi.
Câu chuyện này, mãi đến khi kể nó trong một tập Podcast nhiều năm sau đó, mình mới có thể buông xuống được.
Cho nên bất kì khi nào chúng ta còn được gặp nhau, hãy trân trọng và xem nó như thể là lần cuối cùng, để đối xử tử tế và chân thành với nhau nhất có thể.
Hãy chăm sóc Mẹ là một quyển sách dễ đọc và rất nên đọc. Mình tin rằng dù mỗi người có cuộc sống và trải nghiệm khác nhau, chúng ta đều sẽ rút ra được điều gì đó cho bản thân.
Mình mong rằng dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.
Nhà của Di.