Điều đầu tiên cần lưu ý là việc học không chỉ là việc của học sinh mà là của tất cả mọi người. Ví dụ như học một kĩ năng mới, học ngoại ngữ, học cách sử dụng một thiết bị hay học nấu ăn, làm bánh. v.v.
Lại một năm học mới với nhiều điều mới, cả học sinh và phụ huynh đều có nhiều lo lắng. Bản thân mình vừa là người dạy, vừa là người học, đôi lúc mình cũng cần bám sát những phương pháp này để học tập hiệu quả hơn nên muốn chia sẻ với mọi người.
Cuối tuần vừa rồi, mình bắt tay vào làm một bài tập lớn (Assignment) mà mình đã trì hoãn 3 tuần. Tuy hạn chót của assignment tận năm sau (thời gian thực hiện là 6 tháng), nhưng tranh thủ lúc chưa quá bận mình bắt tay vào luôn. Sau một ngày thì mình hoàn thành được 1/3, xem như cũng là một tí thành tựu.
Một số điều mà mình thấy có thể áp dụng trong việc học bất cứ môn nào hoặc vấn đề nào, đó là:
Contents
Đừng chần chừ
Thời gian thích hợp nhất để học một điều gì đó là bây giờ, ngày hôm nay. Nên là đừng chần chừ khi bạn muốn học một điều gì đó mới.
Đừng đợi đến khi có thời gian, hoặc đừng đợi đến khi có đủ điều kiện. Hiện tại, nhiều khoá học miễn phí nhưng rất chất lượng trên Coursera có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mọi người. Hoặc đơn giản hơn, đọc thông tin trong sách vở, xem các video ngắn hoặc nói chuyện với ai đó có chuyên môn cũng là những cách để biết thêm nhiều điều thú vị.
Công việc hàng ngày thì vẫn phải làm, mình tin là ai cũng vậy. Nên lý do là công việc bận rộn không có thời gian để học một điều gì đó là không thoả đáng.
Tuy vậy, lựa chọn học hay không học vẫn thuộc về mỗi người. Lựa chọn này không ai chọn thay cho ta được.
Chọn khoá học và tài liệu phù hợp
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều khoá học và sách vở. Riêng thị trường học tiếng Anh cũng đã có khá nhiều trung tâm và cá nhân tổ chức giảng dạy rồi. Vấn đề của chúng ta là chọn được nơi phù hợp với mình.
Mà để chọn được nơi phù hợp, chúng ta phải đọc những nhận xét về khoá học đó. Không chỉ những nhận xét tích cực, mà ta cần chú trọng vào những nhận xét tiêu cực. Những điều tiêu cực đó có phạm phải điều gì ta muốn tránh hay không. Vì những điều hay với mọi người chưa chắc đã hợp với ta.
Chẳng hạn, nếu như bạn là người có khả năng tự học, thì những khoá học không có người giảng dạy, chỉ có bộ tài liệu và hướng dẫn cụ thể sẽ phù hợp với bạn. Nếu bạn cần có người giảng dạy và theo sát, cần phải đăng ký những khoá học trực tuyến với giáo viên, lớp nhỏ để dễ tiếp thu.
Mình từng tìm kiếm và phân vân giữa 2 khoá học: Khoá A thì phải đọc nhiều tài liệu và học một mình, Khoá B thì xem video giảng dạy như Coursera và thời gian học ngắn hơn. Học phí Khoá B mắc hơn khoá A 10%. Cân nhắc nhiều yếu tố, mình thấy tự học theo Khoá A là cách phù hợp với người hễ xem video là buồn ngủ như mình. Nhờ lựa chọn đó, mình tiết kiệm được tiền và thời gian khá nhiều. Trong vòng 1 tháng mình đã học với tiến độ của 3 tháng rồi đó.
Quá trình tìm kiếm và nghiên cứu kĩ từng thông tin sẽ hạn chế việc chọn sai khoá học, vừa mất tiền vừa mất thời gian.
Chọn tài liệu và sách học cũng tương tự như vậy nhưng nên có thêm một bước là đọc thử. Đây cũng là lý do mà mình thích đi nhà sách để có cơ hội cầm quyển sách trên tay. Lướt qua mục lục và đọc cách triển khai nội dung, hoặc đơn giản là cảm nhận xem mình có thích quyển sách này không trước khi mua cũng là những việc mình hay làm.
Học đều đặn và học chất lượng
Chuyện gì cũng cần thời gian để diễn ra. Trồng cây cũng phải mất một thời gian để trổ quả. Khi theo đuổi một lĩnh vực hay một môn học, hãy lên thời khoá biểu kĩ càng về ngày giờ và chuẩn bị địa điểm học.
Chẳng hạn như bạn định học tiếng Anh, thì sau khi chọn được khoá học online hoặc là chọn được giáo trình ưng ý, hãy dành ra ít nhất 3 buổi / tuần và mỗi buổi ít nhất 45 phút để ngồi vào bàn và thật sự học. Một khi đã lên kế hoạch học tập thì bắt buộc phải nghiêm túc hoàn thành. Nếu bạn thật sự quá bận, có thể ra thêm một luật là không được nghỉ quá 1 buổi / tuần. Như vậy thì bạn đã hoàn thành ít nhất 8 buổi / tháng, cũng là một thành tựu nho nhỏ trong guồng quay bận rộn rồi.
Trong mỗi buổi học, hãy dành toàn tâm toàn ý cho chuyện học, đừng để bị phân tâm vì vấn đề khác.
Một mẹo nhỏ của mình mỗi khi bị phân tâm là mình sẽ viết sự phân tâm đó ra một tờ giấy note. Ví dụ như khi đang làm bài tập Reading, mình chợt nhớ đến quyển sách muốn mua thì mình sẽ viết tên quyển sách đó lên tờ giấy nháp và để sang một bên. Như vậy, mình cho phép não mình quên đi thông tin đó vì đã được ghi chú rồi và quay lại làm bài tiếp.
Phần 1 đến đây thôi. Tóm tắt lại, muốn học một điều gì đó mới, hãy làm ngay và luôn với 2 bước là chọn khoá học hoặc giáo trình và lên kế hoạch học tập thật chi tiết.
Phần 2 sẽ đề cập đến việc ghi chú, việc ghi nhớ và việc ôn tập.
Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.
Nhà của Di.
Nếu bạn là sinh viên, mình nghĩ chuỗi 4 bài viết Hướng dẫn sống sót cho sinh viên đại học sẽ phù hợp với bạn.
[…] bài viết ở phần 1 về việc chọn khoá học và lên kế hoạch thế nào, bài viết ở phần 2 này sẽ đi sâu vào chi tiết quá trình […]
[…] Muốn học giỏi phải làm sao? Áp dụng cho mọi lĩnh vực – Phần 1 […]
Cho mình hỏi khoá học coursera bạn nói là mình mới vào thấy đâu cũng là tiếng Pháp thì nhìn vào không hiểu á thì sao học được bạn
Do có nhiều ngôn ngữ nên trình duyệt nó chọn ngôn ngữ mặc định sai. Bạn làm theo như vậy nhé. Bạn vào link này https://www.coursera.org/account-settings. Ở mục Langue chọn English và bấm Sauvegarder rồi F5 lại là được. Nhớ bấm Sauvegarder có nghĩa là Save nhé.