nhacuadi-hoc-cach-hoc-learning-how-to-learn-barbara-oakley

#9 Review Học cách học – Learning how to learn – Barbara Oakley

Mình biết đến khoá học mang tên Learning how to learn – Học cách học của cô Barbara Oakley trên trang web Coursera vào khoảng năm 2015 hoặc 2016.

Lúc đó mình đã rất mê vì cách trình bày rất dễ hiểu các phương pháp để học tốt hơn, tiết kiệm thời gian hơn.

Mình cũng đã có dịp kể lại những gì mình học cho mấy bé học trò nghe như một hình thức giải lao giữa các tiết học, và các em đã rất thích.

Nên mình cũng muốn chia sẻ lại ở đây quyển sách Học cách học đã góp phần thay đổi cách tư duy của mình.

Học cách học – Khoá học thay đổi cách tư duy

Mình đã đọc đủ 3 quyển sách của cô Barbara Oakley là : A mind for number – Cách chinh phục Toán và Khoa học, Tư duy thông minh thay đổi vận mệnhLearning how to learn – Học cách học.

Những quyển sách này không hề khó hiểu, mà ngược lại rất đơn giản.

Bởi vì nó được viết bởi những người đã từng rất vất vả để tìm ra cách học tập đúng đắn cho bản thân.

Đây là một đoạn clip nói về Learning how to learn của chính cô Barbara Oakley – tác giả của sách – trên TED Talk.

Learning how to learn – Học cách học trên TED Talk – Barbara Oakley

Cô Barbara Oakley là ai?

Barbara Oakley là một giáo sư ngành Kỹ thuật tại Đại học Oakland.

Trước đây, chuyên ngành của cô là ngôn ngữ và cô hoạt động trong quân ngũ.

Năm 26, cô rời khỏi quân đội và khó có thể tìm được việc làm phù hợp với tấm bằng của mình.

Cô quyết định huấn luyện lại não bộ của mình để theo đuổi khoa học.

Cô trở thành kỹ sư điện, sau đó theo học thạc sĩ và cuối cùng là tiến sĩ ngành kỹ thuật hệ thống.

Học cách học – Learning how to learn cung cấp cho chúng ta những khái niệm để hiểu về bộ não của mình.

Từ đó, sách đưa ra những phương pháp giúp chúng ta cải thiện khả năng học tập.

Vì niềm tin phổ biến là bạn chỉ cần tập trung vào những môn dễ dàng với mình. Nhưng sự thật là chúng ta có thể học tốt cả những môn chúng ta đang gặp rắc rối.

Sách rất phù hợp với học sinh, sinh viên và thậm chí ngay cả những người lớn.

Vì ngoài lúc đi học, ngày nay trong công việc, chúng ta cũng được đòi hỏi phải tiếp cận rất nhiều sự tiến bộ mới, hầu hết đến từ khoa học và kỹ thuật. Nếu chúng ta có một cách học tập đúng đắn, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức.

Vì xét cho chúng, chúng ta không thể nào dùng búa để vặn ốc

hoc-cach-hoc-learning-how-to-learn-barbara-oakley
Học cách học trên Goodreads

Các chương chính của sách là:

Chương 1: Vấn đề về niềm đam mê

Phần này là phần giới thiệu về các tác giả, về việc họ đã phải thay đổi việc học của mình như thế nào.

Câu chuyện của cô Barbara Oakley chắc chắn sẽ làm bạn thay đổi suy nghĩ hạn chế về khả năng của bạn.

Từ chương 2 trở đi sẽ là phần chính của quyển sách, về các khái niệm và những phương pháp.

Chương 2: Dễ thôi mà – Tại sao cố gắng quá mức đôi khi lại là vấn đề

Hai chế độ quan trọng của não bộ là chế độ tập trungchế độ phân tán và cách chuyển đổi.

Chế độ tập trung sẽ giúp chúng ta giải quyết tốt vấn đề nhưng nghỉ giải lao – chế độ phân tán – sẽ giúp chúng ta có góc nhìn mới.

Chương 3: Tôi sẽ làm sau, thật đấy! – Dùng quả cà chua để đập tan trì hoãn

Chúng ta đều nhiễm các thói quen và trì hoãn là một trong số chúng. Nhưng trì hoãn sẽ gây hại đến não bộ của chúng ta. Vì vậy, kỹ thuật Pomodoro với hình tượng quả cà chua 25 phút sẽ rất có ích.

Riêng mình thì dùng ứng dụng Forest trên điện thoại. Mỗi khi cần làm việc gì hay đọc sách, mình sẽ set giờ trên Forest để trồng một cái cây. 

Chương này cũng đề cập đến việc hồi tưởng – đừng nhìn vào sách vở và tự dối lòng rằng mình đã nhớ. Hãy gấp lại và nhẩm trong đầu những gì được ghi trong sách.

Chương 4: Các liên kết não bộ và vui một chút với người ngoài hành tinh

Chương này nhắc đến những khái niệm cơ bản về thần kinh để chúng ta hiểu cách bộ não hoạt động. Nghe thì có vẻ “khoai” nhưng chương này viết rất cô đọng và đơn giản. Phần mình thích là những lý do phổ biến trong học tập, như là: 

Tôi không có thời gian

Trí tưởng tượng của tôi không tốt

Những gì tôi học được là vô ích

Giáo viên của tôi thực sự chán ngắt

Chương 5: Phía bên kia chiếc bàn giáo viên

Chương này kể về thầy Al, cũng là đồng tác giả của quyển sách này.

Là một người dạy tôn giáo và triết học, một phần công việc khác là trao đổi với các giáo viên khác về cách giảng dạy của họ, thầy đã có dịp ở trong nhiều giờ dạy Hoá nhưng không thể hiểu bất kỳ điều gì.

Điều đó đã thôi thúc thầy học Hoá và có những chia sẻ rất thú vị. 

Chương 6: Học khi đang ngủ – Làm sao để thông minh hơn khi thức dậy

Giấc ngủ cung cấp “vữa” giúp bức tường kiến thức vững chắc hơn vì những synap mới hình thành khi học thông tin mới chỉ thực sự phát triển khi chúng ta ngủ.

Đừng nhồi nhét việc học, hãy ngủ đủ để các synap phát triển và hiểu rằng tất cả chúng ta có tốc độ học tập khác nhau.

Chương 7: Cặp sách, tủ đựng đồ và con bạch tuộc tập trung

Nhắc đến khái niệm trí nhớ làm việctrí nhớ dài hạn.

Và chúng ta cần khai thác trí nhớ dài hạn thông qua quá trình và điều đó cần thời gian.

Bài viết 6 lý do của chứng hay quên và 3 cách khắc phục sẽ đi sâu hơn vào vấn đề này.

hay-quen

Chương 8: Những mẹo hay giúp xây dựng trí nhớ

Những kỹ thuật giúp chúng ta nhớ lâu hơn. Phần này thì mình thấy các tác giả khác như Tony Buzan hay Adam Khoo cũng có nói đến.

Chương 9: Tại sao các liên kết não bộ lại quan trọng – Và làm thế nào để không lùi xe xuống rãnh

Phần này được minh hoạ bằng những con bạch tuộc như ở chương 7, rất dễ thương và dễ nhớ.

Chúng ta cần xây dựng những chuỗi liên kết não bộ để có thể xử lý thông tin nhanh chóng hơn.

Vì vậy, hãy tránh bị xao nhãngnhảy hết từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác. Và những bước đầu tiên khi học điều mới luôn là những bước khó khăn nhất.

Chương 10: Học cùng nhóm và câu lạc bộ, đi tìm sứ mệnh và Terry suýt thiêu trụi trường học

Phần này được kể bằng giọng kể của Terry – đồng tác giả quyển sách. Những câu chuyện cuộc đời của tác giả luôn luôn thú vị.

Một điều rất hay ở chương này đó là: Kiến thức trong một lĩnh vực này có thể giúp bạn tạo thêm nhiều ý tưởng cho các lĩnh vực khác.

Chương 11: Cách tiếp thêm sinh lực cho não bộ

Cũng như giấc ngủ, việc tập luyện thể chất giống như thức ăn cho não bộ vì nó giải phóng các chất hoá học giúp nảy sinh các ý tưởng mới.

Chương 12: Tạo ra các liên kết não bộ

Phần này nói cụ thể những điều chúng ta cần làm cho việc học như là:

Luyện tập chủ động – làm những phần bài khó hơn là phí thời gian cho những chủ đề dễ đã biết.

Xen kẽ – xáo trộn các nội dung để có cái nhìn toàn cảnh.

Hồi tưởng – tự kiểm tra kiến thức

Truyền đạt – trình bày lại cho người khác là một cách rất hay để hiểu sâu.

Chương 13: Tự đặt những câu hỏi quan trọng – Có nên nghe nhạc khi đang học?

Phải nghiên cứu việc học của mình để biết cái gì là hiệu quả nhất.

Đồng thời, hãy học ở những nơi khác nhau để khi làm kiểm tra, chúng ta không bị bỡ ngỡ. 

Chương 14: Những điều bất ngờ về việc học – Nhược điểm có thể là ưu điểm

Games có thể cải thiện khả năng tập trung nhưng sẽ rất dễ gây nghiện, nên phải cần thận.

Nếu muốn đầu óc trở nên linh hoạt hơn, hãy làm điều gì đó khác với đam mê của chúng ta.

Nếu được, hãy viết ghi chú bằng tay để có liên kết tốt hơn với não bộ.

Chương 15: Cách làm tốt bài kiểm tra

Ghi chú của tác giả: Nếu chỉ đọc chương này mà bỏ qua những chương trước, kết quả sẽ không cao.

Một vài cách thức rất hay, nhất là với những khi đã dò lại bài 5 lần 7 lượt vẫn không phát hiện lỗi sai.

Chương 16: Từ “phải” đến “cần”

Những điều nên và không nên làm khi học được trình bày rất rõ ràng dưới dạng liệt kê. Việc học đôi khi là một hành trình đơn độc, nhưng hãy vận dụng những gì đã được trình bày thì chúng ta sẽ thu được kết quả tốt thôi.

Mình thích quyển sách vì nó rất đơn giản và đã đem đến cho mình nhiều điều bổ ích.

Những điều chúng ta áp dụng từ sách không phải sẽ làm cho việc học trở nên dễ ợt, mà sẽ cho chúng ta thêm thời gian để lướt Facebook, Youtube hay đi chơi với bạn bè.

Mình mong là cho dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Nhà của Di.

One Response

Leave a Reply