Ngày 10 – Viết 2000 chữ về chủ đề “xã hội chúng ta”, tự do khai thác các chủ đề liên quan.
Mình chờ đợi chủ đề này lâu lắm rồi vì dạo này mình thấy Facebook có nhiều bài viết và bình luận có vẻ “độc hại” quá. Nên mình rất muốn trình bày quan điểm về những chuyện sau đây. Mọi người hoan hỉ tiếp nhận ý kiến nha.
Contents
- Khóc lóc là yếu đuối cùng với suy nghĩ con trai phải mạnh mẽ và con gái thì phải dịu dàng.
- Xem việc người khác nỗ lực để đạt được thành tựu và quay lại giúp đỡ những người lười biếng xung quanh là điều đương nhiên.
- Nhạy cảm với những điều người khác chia sẻ trên mạng xã hội
- Bản thân không thành công thì cho rằng người khác cũng không thể.
- Dùng sức mạnh tập thể để ức hiếp người khác
- Có thể bạn cũng thích:
Khóc lóc là yếu đuối cùng với suy nghĩ con trai phải mạnh mẽ và con gái thì phải dịu dàng.
Quan điểm này nghe có vẻ lỗi thời nếu như được viết thành câu hoàn chỉnh như thế kia. Nhưng mà ta vẫn bắt gặp nó nhan nhản trên mạng xã hội và trong chính suy nghĩ của ta.
Mỗi khi đứa trẻ con chạy nhảy và vấp té, tất nhiên chúng sẽ khóc ré lên vì đau và sợ. Nhưng ta nói gì với con trẻ? “Con trai mới té chút xíu đã khóc rồi”, “Con trai không được khóc, đứng lên đi”. Thế rồi thế hệ nối tiếp thế hệ, ta liên tục được nghe và nói lại y như thế với những đứa trẻ. Để rồi dần dần hình thành quan điểm “Con trai là phải mạnh mẽ, không được khóc”. Vậy thì tại sao lại không được khóc?
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khóc có tác dụng xoa dịu và vỗ về, đồng thời khóc còn giảm stress do sản sinh ra hormone có tên là oxytocin và endorphins. Bài báo về vấn đề này mình sẽ để ở đây nhen.
Một tác dụng nữa nghe có vẻ dễ hiểu. Đó là khóc với tần suất hợp lý sẽ tốt cho thị lực của ta. Đây là trải nghiệm của chính bản thân mình hồi học cấp 3. Mình bị khô mắt và phải liên tục nhỏ nước mắt nhân tạo. Bác sĩ nói rằng thị lực của mình có thể bị suy giảm nghiêm trọng. Sau đó, việc mình cần làm là khóc khi thấy buồn hoặc khi xem một bộ phim cảm động nào đó. Một thời gian sau, mình không những cảm thấy tinh thần thoải mái hơn mà mắt mình cũng trở về bình thường.
Với nhiều lợi ích như vậy, con trai hay con gái hay bất kỳ ai cũng có quyền được khóc. Xin đừng đánh giá thấp những giọt nước mắt đó vì ai cũng có quyền sống thật với chính mình.
Đi cùng với việc quy định con trai phải mạnh mẽ, ta còn mặc định con gái là phải dịu dàng, phải biết làm tất cả những chuyện bếp núc trong gia đình. Mình không bài trừ việc nấu ăn, vì theo mình nấu ăn vừa vui, vừa giảm stress. Nhưng quy định việc bếp núc là của phụ nữ thì theo mình là không hợp lý.
Tất nhiên, mục đích chính của việc nấu ăn là gì? Là để chuẩn bị thức ăn cho ta, cho chính người nấu trước tiên, sau đó mới đến việc phục vụ cho người khác. Mọi người có công nhận là khi nấu ăn, ta nêm nếm theo khẩu vị của mình không? Vậy thì việc nấu là việc làm hoàn toàn cá nhân, mà đã là cá nhân thì không ai có nghĩa vụ phải làm vì ai khác cả, trừ khi họ thấy vui với việc đó.
Xem việc người khác nỗ lực để đạt được thành tựu và quay lại giúp đỡ những người lười biếng xung quanh là điều đương nhiên.
Tình thương của bố mẹ và những người xung quanh dành cho ta, không có cái nào được gọi là đương nhiên cả. Tất cả đều là do họ yêu quý ta, muốn đem đến cho ta những điều tốt đẹp nhất. Nhưng không vì thế mà ta hết lần này đến lần khác bòn rút tình yêu thương của họ.
Nếu như ai đó trong gia đình làm lụng vất vả và có được một chút ít thành tựu, thì họ hàng xung quanh sẽ liền lập tức xum xuê và tung hô để xin nhờ giúp đỡ. Nếu như trong gia đình có người anh lao động vất vả, thì cha mẹ sẽ lập tức xem việc người anh phải nuôi người em lười biếng không chịu lao động là lẽ đương nhiên. Nếu như cha mẹ làm lụng cả đời để gầy dựng sự nghiệp, thì họ không có trách nhiệm chu cấp cho những đứa con ỷ lại và không chịu nỗ lực.
Nếu ai đó trong công ty làm việc với năng suất cao, thì mặc định người đó phải giúp đỡ những người không chịu làm gì xung quanh bằng cách gánh luôn phần việc của họ. Như thế thì công bằng nằm ở đâu?
Ngày xưa, người ta cũng hay nói rằng nếu muốn giúp người, hãy giúp người ta biết câu cá và cho họ cần câu, chứ không phải là mỗi ngày sang nhà cho họ con cá. Đó cũng là lý do mà rất nhiều người quan tâm đến giáo dục. Hàng năm, không biết bao nhiêu quỹ được lập ra để hỗ trợ những trẻ em nghèo nhưng thiếu điều kiện học tập. Những học bổng đại học hay cao học của các nước phát triển dành cho học sinh các nước đang phát triển cũng nhằm mục đích này: cho các em cần câu để các em tự câu cá nuôi sống chính mình.
Nếu như người cần giúp đỡ không biết phải làm thế nào, hay muốn đi học nhưng không có điều kiện, thì việc giúp người là chuyện nên làm. Nhưng nếu họ không chịu cố gắng dù chỉ một ngày, thì nhẫn tâm một chút có khi lại là bài học tốt nhất dành cho họ.
Các bạn của mình ơi, một thời gian qua cố gắng nỗ lực nhưng chưa ai hỏi han, đổi lại là trách nghiệm cho cuộc đời người khác, các bạn đã vất vả rồi. Xin phép được ôm các bạn vào lòng.
Nhạy cảm với những điều người khác chia sẻ trên mạng xã hội
Mỗi khi bạn bè hay một người nào đó mình quen khoe một món quà sinh nhật hay một thành tựu, một tài sản nào đó. Thì y như rằng phía dưới phần bình luận, một vài bình luận ác ý xuất hiện. Nào là có tự mua không hay được tài trợ thế, nào là khoe khoang hết cả phần thiên hạ, nào là cái đó có gì đâu mà cũng khoe. Mỗi lần bắt gặp những nội dung như vậy, mình chỉ biết lắc đầu.
Không biết vì lý do gì, một vài người dễ nhạy cảm với những hình ảnh liên quan đến cuộc sống dư dả của người khác. Nếu ai đó đăng hình một bữa ăn, một chuyến đi du lịch, thì sẽ có vô vàn những bình luận nói rằng “Ôi giàu thế kia sao không đi làm từ thiện đi”, “Ôi có thế mà cũng khoe khoang”, v.v
Nếu không thấy thích nội dung đó, ta có thể unfollow hoặc thậm chí là unfriend, việc gì phải vào “tường nhà” người khác để xóc mỉa như thế nhỉ?
Chưa bàn đến chuyện những lời nói của ta là đùa hay là thật, thì việc nói những lời như vậy đã làm họ thấy rất tổn thương.
Món đồ này với bạn có thể rất đáng giá và chụp hình đăng lên là khoa khoang, nhưng với người khác đó có thể là kỉ niệm mà họ muốn lưu lại. Họ cũng không sang “tường nhà” bạn mà đăng, thì việc gì bạn phải mò vào “tường nhà” họ để chỉ trích như thế.
Hồi mình mới bắt đầu viết những bài đầu tiên trên trang blog này, mình nhận được điện thoại của Mẹ với đại ý là có viết gì thì cũng đừng đăng lên, họ hàng đọc vào nhiều khi không thích. Lúc đó mình mới nói rằng nếu họ không thích, họ có thể chọn không đọc. Mình cũng chẳng phải là viết những suy nghĩ tiêu cực, hay những chuyện xấu xa mà cần phải giấu diếm. Mục đích của mình là lan toả năng lượng tích cực với mọi người và chia sẻ những gì mình đọc, mình học và trải nghiệm sống của bản thân.
Chuyện tốt như vậy, không thể chỉ vì người khác không có can đảm chia sẻ thì mình cũng không được làm.
Bản thân không thành công thì cho rằng người khác cũng không thể.
Quan điểm này của mình vừa hay cũng trùng với quan điểm của một số anh chị mà mình theo dõi và ngưỡng mộ. Họ là những người đi ngược lại với số đông, vì họ luôn tin vào sự nỗ lực và kiên trì.
Không phải ai học giỏi cũng là do may mắn, không phải ai đi học nước ngoài cũng là do gia đình có điều kiện và không phải ai thành công cũng là do đi đường tắt hay có người nâng đỡ.
Những ngày qua, mình thấy rất buồn với một bài đăng trong một nhóm học tập trên Facebook. Bạn nhỏ này là học sinh lớp 7, năm học lớp 6 vừa qua điểm trung bình của em là 9.6 (khá cao phải không). Thế là em xác định mục tiêu từng năm học từ lớp 7 đến 9, rồi còn nhắm đến chuyện thi IELTS (trình độ em hiện tại là C1) và tham gia các hoạt động ngoại khoá để xin học bổng ở Nhật. Em muốn hỏi mọi người rằng em nên du học năm cấp 3 hay là nên chờ đến đại học.
Mọi người biết điều gì không? Phía dưới phần bình luận, hiếm lắm mới có người trả lời câu hỏi của em. Phần đông là những bình luận cười cợt rằng em mơ mộng quá, 9.6 năm lớp 6 không giống với lớp 9 đâu. Rồi là em ơi em thi ra chứng chỉ đi rồi hẵng nói mình C1. Rồi là tụi chị sinh viên đại học mà mới B1 đây này. Và rất nhiều những bình luận chỉ trích mục tiêu của em, nói em mơ mộng viễn vông và đòi em phải chứng minh rằng trình độ tiếng Anh của mình C1. Mọi người thậm chí còn quên đi câu hỏi của em, mà chỉ chăm chăm vào những gì em liệt kê ở mục thành tích. Hay nói cách khác, mọi người chăm chăm nhìn vào những thành tựu mà mọi người không làm được. Để rồi nói những điều cay độc với một em nhỏ lớp 7.
Có một ví dụ rất hay trong podcast Tri kỷ cảm xúc mà mình xin trích ở đây. Nếu một ai đó nói người ta có thể đọc 10 quyển sách một lúc, bạn có tin không? Chắc chắn sẽ có một số người phản đối ngay. Nhưng ngẫm nghĩ kĩ lại thì ta sẽ thấy chuyện này hoàn toàn có thể. Chẳng phải hồi đi học, ta toàn đọc mười mấy quyển sách giáo khoa cùng một lúc hay sao. Đâu có ai nói là phải lấy 10 quyển sách ra để trên bàn rồi đọc trong cùng một thời điểm. Vậy mà chưa suy nghĩ thấu đáo thì một số người đã nhanh nhảu phán bác lại rồi.
Chuyện bạn không làm được, chưa chắc người khác không làm được. Những bạn sinh viên mà chỉ trích bạn nhỏ lớp 7 kia đã thử ngẫm lại xem có bao nhiêu học sinh cấp 2 được trình độ C1? Chắc chắn số lượng đó không nhỏ vì những học sinh lớp 8 hay lớp 9 bây giờ đã có thể thi IELTS được 7.5 đến 8.0, như vậy là tương đương với C1 rồi.
Bản thân mình không làm được, không có nghĩa rằng người khác không làm được. Vì vậy, đừng dùng kinh nghiệm của mình để phản bác người khác mà phải có dẫn chứng cụ thể.
Dùng sức mạnh tập thể để ức hiếp người khác
Hiệu ứng đám đông – crowd effect có thể có tác động tích cực đến quyết định của tập thể, vì nó sẽ giúp người ta ra quyết định khôn ngoan hơn. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, crowd effect có thể có tác động tiêu cực vì nếu như mỗi người không có chính kiến riêng, họ dễ dàng đi theo quan điểm của người khác. Nghiên cứu đó mình để link ở đây.
Trong những buổi học hay những buổi trưng cầu ý kiến, nếu như không phải bỏ phiếu kín thì hầu như người ta sẽ dễ hoà vào đám đông, vì không muốn mình khác người. Và nếu như một số thành phần trong đám đông đó đang có hành động ảnh hưởng tiêu cực đến người khác, người ta dễ dàng bị ảnh hưởng.
Trên mạng xã hội cũng vậy, vì đây là môi trường ảo, chúng ta không biết nhau là ai, nên nhiều người dễ dàng buông lời cay độc mà không sợ gì cả, vì họ dùng tài khoản ảo cơ mà. Rồi một nhóm người hùa vào để lại những bình luận không tốt đẹp gì, cốt yếu thoả mãn sự tiêu cực trong họ.
“Một người nói dối có thể người ta không tin. Nhưng nhiều người nói dối thì cũng thành sự thật”. Câu này mình rất ấn tượng trong bộ phim Sức mạnh tình thân mà mình có dịp nhắc đến ở ngày thứ 3 của thử thách.
Quan niệm sai lệch của bạn, chỉ một mình bạn biết là được, đừng lan truyền nó ra cho mọi người xung quanh. Sự hung hăng của bạn, bạn phải biết cách quản chế, đừng bộc lộ nó cho những người không liên quan.
Những vấn đề này, đến hôm nay mình mới có dịp viết ra. Nếu như xung quanh bạn có những tư tưởng độc hại như vậy, hãy xem xét loại bỏ nó ra khỏi cuộc đời mình. Chúng ta vốn xứng đáng với những điều hay ho hơn thế.
Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.
Nhà của Di.
[…] tích về việc “Nhạy cảm” và “Hiệu ứng đám đông” trong bài viết ngày thứ 10 hôm […]